Đường sá xuống cấp; hoặc do kết cấu địa hình cong cua, nhiều đường ngang, thiếu biển cảnh báo… tạo ra các "điểm đen" về tai nạn giao thông (TNGT), trở thành những "cung đường chết" rất nguy hiểm. Trong khi đó, tiến độ khắc phục bất cập về cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông, xử lý các "điểm đen" rất chậm bởi chưa được quan tâm đúng mức.
| Tiến độ cải tạo nút cổ chai, điểm giao cắt đường sắt và đường Hồng Bàng rất chậm trễ |
Từ tháng 10-2010, toàn thành phố đã tiến hành rà soát thực địa đường sá, cầu cống, công trình giao thông đường bộ, xác định toàn thành phố có 3.230 vị trí đường bộ thường xuyên xảy ra ùn tắc và tai nạn giao thông (TNGT), đủ tiêu chuẩn xác định là "điểm đen". Khi đó, tuyến QL10 nằm trên địa bàn thành phố Hải Phòng, do Trung ương quản lý, được xem là tuyến có nhiều điểm "nóng" về tình hình TNGT.
Cụ thể, với chiều dài 51,6km đi qua 6 quận, huyện, trên tuyến xuất hiện tới 14 vị trí nguy hiểm thường xuyên xảy ra TNGT và ùn tắc giao thông, đủ tiêu chí để xác định đó là những "điểm đen". Theo phân tích của cơ quan quản lý thì nguyên nhân xuất hiện nhiều "điểm đen" là do tuyến dài, đang tồn tại quá nhiều điểm giao cắt đồng mức với các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện, thậm chí là đường liên thôn xóm, ngõ nhà dân.
Trên tuyến nhiều đoạn mặt đường nhỏ hẹp, cong cua, nhà dân bám sát ven đường như đoạn chợ Tổng, xã Lưu Kiếm; đoạn ngã ba Đông Sơn, ngã tư Thiên Hương, thuộc huyện Thuỷ Nguyên; các điểm giao cắt với tỉnh lộ 302 (chợ Kênh), điểm giao với đường 304 và 360 (ngã tư Quang Thanh), thuộc huyện An Lão; ngã tư Hoà Bình, xã Tiên Cường, huyện Tiên Lãng; giao với QL37 tại thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo.
Nhiều đoạn trên tuyến vạch chỉ đường bị mờ, thiếu hệ thống báo hiệu, không có hệ thống đèn chiếu sáng về đêm, làm giảm khả năng quan sát của người tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến QL10 sẽ rất khó xử lý tình huống khi gặp phải xe cộ, phương tiện giao thông từ đường ngang, ngõ xóm, đường nhánh phóng ra…
Trên tuyến QL5 đoạn thuộc Hải Phòng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ mặt đường bị co giãn, nứt vỡ, gây đọng nước mưa, biến dạng thành "ổ voi", "hố trâu", phương tiện có tải đi lại rất khó khăn. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết các điểm đen trên tuyến QL10 và cải tạo mặt đường QL5 nói trên rất chậm trễ bởi các tuyến đường này đều do TW đầu tư quản lý duy tu, không thuộc chức năng của địa phương nên dù thành phố có muốn làm nhanh cũng đành phải "bó tay".
Ở khu vực nội thành, tình hình TTATGT, TNGT nóng nhất là trên các tuyến đường dẫn xuống khu vực Cảng Hải Phòng gồm: Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đình Vũ. Nguyên nhân, các tuyến này vừa phải giải quyết nhu cầu lưu thông của việc vận chuyển hành hóa qua cảng; đồng thời là những trục tuyến đường phố chính đi qua nhiều khu phố, khu đô thị đông đúc, trường học lớn, có nhiềm điểm giao cắt, nút giao thông lớn, có mật độ phương tiện giao thông rất đông nên tạo ra nhiều điểm xung đột về giao thông, trở thành điểm đen về TNGT.
Hiện trạng đường hẹp, phương tiện đi lại trên tuyến phức tạp nên công tác tổ chức phân luồng giao trên các tuyến này hết sức khó khăn. Luồng dành cho xe ô tô chở hàng chuyên dùng đồng thời là luồng đường dành cho mô tô xe máy nên thường xuyên gây ra TNGT.
Tuyến đường Phạm Văn Đồng (tỉnh lộ 353) đang xuất hiện hàng chục điểm nóng về TTATGT, thường xuyên xảy ra TNGT gây chết người. Điển hình đoạn thuộc quận Đồ Sơn dài chưa đầy 5km, đang tồn tại 9 điểm "bất ổn" về giao thông, thường xuyên xảy ra TNGT chết người. Trong đó, hầu hết các điểm này là điểm giao cắt phức tạp, dừng chân của các phương tiện đón, trả khách tại các nhà chờ, nhà hàng nên thường xuyên có đông người tham gia giao thông. Hơn nữa, các vị trí hầu như không có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, khiến tình hình giao thông luôn trong tình trạng hỗn loạn.
Từ năm 2009 đến nay, riêng tại các vị trí ngã ba Đồng Nẻo, ngã ba Quán Ngọc, điểm giao cắt với đường Trung Dũng III xảy ra từ 2-3 vụ TNGT chết người. Hoặc như vị trí chân dốc Vung nhiều năm nay cũng được xác định là "điểm đen", thường xuyên xảy ra TNGT chết người. Mặc dù các ngành liên quan đã tiến hành bàn bạc, kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục nhưng những vị trí mất ATGT này vẫn chưa được quan tâm cải tạo; yêu cầu về an toàn không được đáp ứng; va quệt, TNGT vẫn liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản.
Để khắc phục các điểm đen, ngoài những kiến nghị với cơ quan quản lý giao thông Trung ương, Ban ATGT thành phố đang chỉ đạo sở chủ quản, đơn vị chuyên ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước, thực hiện các biện pháp cấp bách bảo đảm TTATGT. Trong đó, kiên quyết giải tỏa những vi phạm hành lang giao thông, làm cản trở và hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông. Tại những điểm người dân tự mở dải phân cách cần sớm được rào chắn; cắm biển báo tốc độ và biển báo khu vực dân cư để hạn chế phương tiện vi phạm gây TNGT.
Đoàn Lanh |