09:03 17/04/2022 Vừa qua, các đồng chí: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng; Nguyễn Văn Tùng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cùng đoàn công tác của thành phố thăm và làm việc tại huyện Cát Hải. Đây là địa phương được lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm và xác định rõ: Cát Hải là trọng điểm phát triển của Hải Phòng và cần hành động quyết liệt để đảo ngọc bứt phá đi lên.
Xác định rõ giá trị, tập trung đầu tư cho huyện đảo
Theo đồng chí Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang, đảo ngọc quá đẹp, ít có địa phương nào trên đất nước Việt Nam có được; tiềm năng vô cùng to lớn và nếu biết khai thác, phát huy chắc chắn sẽ mang lại những giá trị vượt xa khỏi tầm dự báo. Đồng chí Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, Cát Bà là một “cô gái đẹp” với rất nhiều danh hiệu cao quý: khu dự trữ sinh quyển thế giới; di tích quốc gia đặc biệt; vịnh đẹp nhất thế giới và đang được lựa chọn để cùng với Vịnh Hạ Long đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới…
Cũng hiếm có địa phương nào hội đủ các điều kiện phát triển như Cát Hải, bao gồm cả du lịch, dịch vụ- công nghiệp- logistics- cảng biển và cả đô thị thông minh, đô thị sinh thái… Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, đây là niềm mơ ước của nhiều địa phương và là lợi thế riêng có của đảo. Những năm qua, tiềm năng, lợi thế đó đã được đánh thức nhưng vẫn chưa được như mong muốn và trách nhiệm của thành phố, của huyện Cát Hải là phải nhanh chóng biến tiềm năng đó thành giá trị thực tế.
Lãnh đạo thành phố kiểm tra tiến độ dự án Cát Bà Amatina
Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền nhận định: Cát Bà hội đủ 3 chữ Đ mong muốn của ngành du lịch. Đó là độc- đẹp và đáng để đến. 2 năm qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên lượng khách tới Cát Bà mới giảm chứ những năm trước đó liên tục tăng theo cấp số nhân, năm 2019 đạt tới 2,8 triệu lượt khách, chiếm tới 1/3 tổng lượng khách du lịch toàn thành phố. Nhưng điều quan trọng là du khách tới Cát Bà đều háo hức, mê say, đều bị hút hồn bởi vẻ đẹp của đảo.
Chính vì thế nên những năm qua, Cát Hải được thành phố đặc biệt quan tâm, được ưu tiên trên tất cả các lĩnh vực và đã trở thành trọng điểm phát triển của Hải Phòng.
Đến nay, Cát Hải đã có Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; có Nhà máy sản xuất ô tô VinFast; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án phát triển du lịch cùng nhiều dự án tầm cỡ khác của các doanh nghiệp hàng đầu trong nước.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạchvà Đầu tư thì trong những năm qua, ngân sách thành phố đã đầu tư tới 4300 tỷ đồng để thực hiện 14 dự án tại Cát Hải, cho thấy mức độ quan tâm của thành phố đối với Cát Hải lớn như thế nào. Cát Hải cũng là địa phương đầu tiên của Hải Phòng được công nhận là huyện nông thôn mới.
Đồng chí Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải nêu rõ, nhờ sự quan tâm của Trung ương, thành phố; của các nhà đầu tư và sự nỗ lực, cố gắng của huyện đảo, những năm qua, Cát Hải có sự phát triển toàn diện, vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt tới 16%/năm, trong đó tỷ trọng du lịch, dịch vụ lên tới 78%; thu ngân sách trong nhiệm kỳ qua gấp 6,2 lần so với trước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 102.459 tỷ đồng, gấp 13,66 lần; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,63%... Có thể thấy, giá trị của Cát Hải đã dần phát lộ và mang lại sự đổi thay toàn diện cho huyện đảo, trở thành niềm tự hào của thành phố Hải Phòng.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Hội đủ các điều kiện, là trọng điểm phát triển của thành phố với đầy đủ 3 trụ cột kinh tế chủ yếu mà đại hội 16 của Đảng bộ thành phố đã xác định là công nghiệp- logistics, cảng biển- du lịch, dịch vụ, Cát Hải phải bứt phá mạnh mẽ hơn, mang lại những giá trị to lớn hơn cho chính huyện đảo và cho cả thành phố Hải Phòng. Vì vậy mà tại cuộc làm việc ngày 7-4, các đồng chí lãnh đạo thành phố đặt ra những yêu cầu rất cao cho sự phát triển của Cát Hải xoay quanh 3 trụ cột kinh tế chủ yếu và tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển.
Dự án Cát Bà Amatina mới được khởi động lại
Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn trên địa bàn và di chuyển lồng bè là nhiệm vụ trọng tâm.
Các đồng chí lãnh đạo thành phố chưa hài lòng khi nhiều dự án lớn, đã được sự quan tâm rất đặc biệt của Trung ương và thành phố nhưng tiến độ quá chậm. Cụ thể là các bến cảng Lạch Huyện số 3, số 4 do Công ty CP Cảng Hải Phòng là chủ đầu tư, 3 năm nay chưa khởi công. Bến cảng số 5,6 do Công ty CP Tập đoàn Hateco mặc dù có tiến độ nhanh hơn cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Dự án Khu công nghiệp, dịch vụ và khu phi thuế quan Xuân Cầu dự kiến nhanh nhất cũng phải tới tháng 9- 2022 mới khởi công. Tiến độ dự án Khu đô thị Cái Giá (Cát Bà Amatina) do Vinaconex là chủ đầu tư ngừng trệ hàng chục năm nay, giờ mới được khởi động lại nhưng chưa thật khẩn trương.
Do đó, lãnh đạo thành phố phê bình một số doanh nghiệp và yêu cầu phải tập trung cao hơn nữa để triển khai các dự án. Thành phố sẽ không gia hạn thêm và sẽ có chế tài cụ thể nếu các dự án vẫn chậm tiến độ.
Ngoài ra, Cát Hải cũng có 2 khu công nghiệp lớn của DEEP C và Tập đoàn Sungroup với diện tích mỗi khu hơn 500 ha cần được huyện phối hợp với chủ đầu tư thúc đẩy thực hiện nhanh hơn. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư.
Điều Cát Hải phải quan tâm là quy hoạch lại theo hướng khu công nghiệp, Cảng biển gắn với khu đô thị hiện đại, sắp xếp lại các khu vực dân cư để hình thành các khu đô thị mới và bố trí các khu nhà ở cho chuyên gia, công nhân để đáp ứng yêu cầu tăng dân số cơ học rất nhanh trong những năm tới.
Cũng cần đa dạng hóa các loại hình giao thông ra đảo Cát Bà bằng cả đường bộ và đường thủy, lưu tâm cải tạo, nâng cấp cả bến tàu khách Bến Bính và bến Phù Long; kêu gọi đầu tư các phương tiện thủy hiện đại, văn minh… để du khách đến với Cát Bà nhanh nhất, thoải mái nhất, vừa lòng nhất. Mục tiêu là Cát Bà phải tiến tới đón 8-10 triệu lượt khách trong tương lai gần.
Một trong những vấn đề nổi cộm, tồn tại nhiều năm nay tại Cát Hải là di chuyển hơn 400 lồng bè trên biển. Đây là điều kiện quyết định để bảo đảm các tiêu chuẩn đề nghị UNESCO công nhận Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới. Đồng chí Bí thư Thành ủy Trần Lưu Quang nghe rất kỹ vấn đề này và nhấn mạnh: nếu không xử lý nhanh , nếu không được UNESCO công nhận thì là thiệt hại rất lớn cho Hải Phòng, cho Cát Bà và có lỗi với các thế hệ mai sau. Mặc dù huyện Cát Hải đã rất tích cực chỉ đạo thực hiện việc di chuyển các lồng bè nhưng còn chậm và có nhiều vướng mắc. Lãnh đạo thành phố yêu cầu các ngành và huyện phối hợp chặt chẽ, tìm phương án khả thi nhất, nhanh nhất để sớm hoàn thành, giải quyết tận gốc của vấn đề.
Các lồng bè trên vịnh Cát Bà cần sớm quy hoạch, di chuyển, trả lại môi trường trong xanh để phát triển du lịch Cát Bà
Có thể nói, từ chuyến thăm và làm việc của các đồng chí lãnh đạo thành phố, huyện Cát Hải đã xác định được những việc cần làm trước mắt và cả lâu dài để phát triển huyện đảo xứng tầm vị thế, xứng đáng là trọng điểm phát triển của thành phố Hải Phòng. Từ đó, Cát Hải sẽ bước vào giai đoạn phát triển bứt phá mạnh mẽ, mang lại sự đổi đời cho người dân và đóng góp tích cực, chiếm tỷ trọng lớn trong sự phát triển, tăng trưởng của Hải Phòng./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024