22:37 07/11/2023 Ngày 7-11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các nhóm vấn đề liên quan tới phát triển KTXH, tư pháp, nội vụ, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, PCCC…
Đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong năm 2024
Đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) nêu thực trạng thông tin cá nhân như số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân bị lộ lọt đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận các thông tin, tin nhắn lừa đảo, các đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau. Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ Công an đã có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề rất quan trọng, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số. Ở nước ta, tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay rất nghiêm trọng, dẫn đến tội phạm có thể xâm nhập, đánh cắp các dữ liệu cá nhân. Trong năm 2023, Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng triệu vụ việc có liên quan đến xâm nhập vào các cơ sở dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, hiện nay, ý thức của người dân trong vấn đề bảo vệ dữ liệu cũng chưa cao, có người sẵn sàng cung cấp các thông tin cá nhân cho người khác, cho các doanh nghiệp. Hiện nay, việc xử lý mới chỉ áp dụng chủ yếu theo Điều 288 của Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính hoặc viễn thông để xử lý.
Để khẩn trương xử lý hiệu quả vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết đang chỉ đạo thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất là, khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý. Bộ đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 13 ngày 17-4-2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân và theo lộ trình của Đề án 06 thì trong năm 2024 sẽ đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để trình họp Quốc hội để xin ý kiến. Đồng thời, đề xuất bổ sung, sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 thêm tội danh làm lộ, lọt , mua bán dữ liệu cá nhân để xử lý nghiêm hành vi này.
Thứ hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trọng tâm là tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật An ninh mạng và Nghị định 13 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thứ ba là, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, không cung cấp các thông tin liên quan nếu không được pháp luật quy định bắt buộc.
Thứ tư là, phải tăng cường các mặt công tác nghiệp vụ điều tra, xử lý nghiêm các hành vi làm lộ lọt, mua bán, dự liệu cá nhân và các hành vi sai phạm khác.
Thứ năm là thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, khắc phục các lỗ hổng bảo mật trong các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, nhất là cái cơ sở dữ liệu công nghệ của dân cư và căn cước công dân, không để đối tượng tấn công, xâm nhập và lấy cắp dữ liệu.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, hiện nay hệ thống bảo vệ trung tâm dữ liệu quốc gia rất chặt chẽ và từ khi thành lập, vận hành chưa phát hiện ra một vụ việc làm lộ, lọt nào.
Cảnh tỉnh, răn đe và thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) đặt câu hỏi: đâu là giải pháp của Bộ Công an trong việc tiếp tục điều tra các vụ án tham nhũng thời gian tới nhằm bảo đảm các tiêu chí: không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không làm oan người vô tội và khẳng định quan điểm chỉ đạo nhất quán của Trung ương và của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, lĩnh vực?
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, thời gian qua, Bộ Công an đã triển khai gương mẫu đi đầu trong khâu tổ chức thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên cả 3 phương diện. Thứ nhất là công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực được ngành công an đẩy mạnh tích cực, được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá cao, coi đây là một điểm sáng trong hoạt động này.
Thứ hai là Bộ đã tập trung vào chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch ngay trong nội bộ của lực lượng. Thứ ba là tập trung cải cách thủ tục hành chính, quản lý, quản trị xã hội bằng pháp luật nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho doanh nghiệp, không gây khó khăn cho xã hội. Đặc biệt, với cải cách thủ tục hành chính của Đề án 06 đang được Chính phủ tập trung và Bộ Công an cũng thực hiện để góp phần giảm tình trạng tham nhũng vặt, đây cũng là vấn đề cử tri và nhân dân rất bức xúc.
Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng tham nhũng, với phương châm: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” vừa qua đã thực hiện tốt, góp phần cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa vi phạm, thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước, không để cho đối tượng trốn ra nước ngoài và cũng không dám trốn ra nước ngoài. Từ những kết quả đạt được, việc tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược.
Về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, một là, phải tập trung hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội. Những vấn đề thấy rõ có sơ hở, thiếu sót thì phải khẩn trương khắc phục ngay. Hai là, chỉ đạo rà soát, bổ sung các quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt các quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành các đối tượng có thể thao túng được nhiều cơ quan, như một số vụ án xảy ra vừa qua.
Ba là, việc thu hồi tài sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng làm sao phải thu hồi được tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Do đó, vấn đề này tiếp tục sẽ phải làm gắn bó ngay từ đầu, khi phát hiện đã kê biên, kê khai tài sản, không để đối tượng tẩu tán tài sản. Bốn là, tiếp tục thực hiện mạnh chuyển đổi số, bảo đảm công khai, minh bạch trên các lĩnh vực để góp phần hạn chế tham nhũng, đặc biệt là các giải pháp về xử lý tham nhũng vặt.
Ngăn chặn ma túy học đường
Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà Hồng Hạnh (Khánh Hòa) về giải pháp ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 9/2023, toàn quốc có khoảng 213.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó có khoảng trên 81.000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy ở độ tuổi từ 16 - 30 tuổi, chiếm khoảng 38%. Trong khi đó, ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, dễ mang vào trường học và núp bóng dưới những cái tên rất mĩ miều, gây tò mò như tem giấy, bùa lưỡi, nước vôi, trà sữa… khiến cử tri và phụ huynh học sinh rất lo lắng.
Cùng với những giải pháp đấu tranh phòng chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đã tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt coi trọng giảm nguồn cầu, vì đối tượng là giới trẻ, thanh niên và học sinh là đối tượng rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giảm cầu về ma túy.
Để ngăn chặn được, Bộ Công an đã thực hiện các giải pháp để giảm cầu.
Thứ nhất, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện Chỉ thị số 31 ngày 4 - 12 - 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Thông tư liên tịch số 06 giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục Đào tạo ngày 28-2-2015 về phối hợp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, phát huy vai trò của chủ thể gia đình, nhà trường, của xã hội, đặc biệt vai trò của gia đình rất quan trọng.
Thứ hai, phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, các chất ma túy mới để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên biết, chủ động phát hiện, phòng tránh.
Thứ ba, thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp phòng vệ, phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy ở các trường học, trong các quán bar, karaoke, vũ trường, triệt phá các tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép của các địa phương.
Thứ tư, kiến nghị với một số các ngành chức năng như y tế, quản lý thị trường, ngành công thương… nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường phối hợp với thanh tra, kiểm tra, giám sát về các vấn đề an toàn thực phẩm, phòng chống các tác hại của thuốc lá, không để các đối tượng lợi dụng hoạt động ma túy núp bóng các loại thực phẩm, kể cả thuốc lá điện tử.
Tháo gỡ vướng mắc về PCCC
Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) nêu rõ, vừa qua, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nêu khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ đã có giải pháp như nào đối với những vướng mắc trên?
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về công tác phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an các đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị về các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy đối với 17 địa phương trọng điểm và cũng đã chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để công an các đơn vị, địa phương thực hiện thống nhất…
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cho đến nay, công an các địa phương đã rà soát lại tất cả các cơ sở có khó khăn, vướng mắc và trực tiếp làm việc, hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; thành lập các tổ công tác trực tiếp đến 100% các cơ sở còn tồn tại, vi phạm để hướng dẫn các giải pháp, biện pháp khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.
Trên cơ sở tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tính đến 30-10- 2023, 100% các dự án xây dựng mới có khó khăn, vướng mắc đã được hướng dẫn và thống nhất tiếp thu, chỉnh sửa, không còn vướng mắc trong quá trình tổ chức thiết kế, hoàn thiện hồ sơ để thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy…
Năm 2024 sẽ ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật xử lý chất thải rắn
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết, theo báo cáo hiện nay, tỷ lệ về thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt rất cao. Tổng hợp từ nguồn báo cáo của 57/63 địa phương cho thấy, ở đô thị tỷ lệ này đạt 96%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 89%, nông thôn đạt 71%. Đại biểu cho rằng, qua giám sát và thực tế cử tri phản ánh, con số này chưa chuẩn xác, vì hệ thống quy trình phân loại, thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa tốt và thiếu các tiêu chuẩn định mức kinh tế kỹ thuật về vấn đề này. Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa 15 đã kết luận: năm 2022 phải ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật định mức kinh tế kỹ thuật hướng dẫn xử lý rác thải để các địa phương có cơ sở thực hiện. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết kết quả thực hiện, nguyên nhân và giải pháp để giải quyết vấn đề này?
Trong những năm vừa qua, các địa phương đã đẩy mạnh việc thu gom, xử lý rác thải, nhiều nhà máy đốt rác được xây dựng hoặc là xử lý rác làm vật liệu xây dựng. Hiện cả nước có khoảng 1.326 cơ sở xử lý rác sinh hoạt và 1.207 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt. Và hiện còn khoảng 65% số rác thải của cả nước cần chôn lấp, còn khoảng 16% tổng số rác thải được các nhà máy chế biến thu hồi và phát triển năng lượng. Do đó, thực tế rác thải sinh hoạt như đại biểu trao đổi là những con số được xử lý bằng hình thức chôn lấp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, khó khăn hiện nay là trong việc kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý rác thải đốt, phát điện. Bên cạnh đó, việc phân loại, xử lý rác tại các nhà máy còn khó khăn. Cụ thể, chúng ta chưa có phân loại rác tại nguồn, làm cũng chưa được triệt để; có một số địa phương không đủ lượng rác để xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung…
Chính vì vậy, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện một số giải pháp và ra một số hướng dẫn. Thứ nhất là, ban hành nội dung yêu cầu về kỹ thuật bảo vệ môi trường đối với điểm tập kết trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Thứ hai là, ban hành yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với phương tiện vận chuyển chất thải, rác sinh hoạt.
Thứ ba là, tiêu chí về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thứ tư là, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thứ năm là, tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng hoặc thể chất, thể tích chất thải. Thứ sáu là, phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt áp dụng đối với các nhà đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải. Thứ bảy là, đóng bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt.
Bên cạnh đó, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hướng dẫn về phân loại rác tại nguồn gồm 3 nguồn chính để cho các địa phương chủ động trong việc phân loại rác tại nguồn.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị, các địa phương căn cứ vào hướng dẫn của Bộ quan tâm, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác tại nguồn để việc xử lý rác thải được triệt để. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, quy định các chất thải rắn sinh hoạt trong thời gian tới. Trong đó, ưu tiên của Bộ là cố gắng năm 2024 ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; tiếp tục rà soát, ban hành các quy chuẩn của quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt… Đây là những nội dung thực hiện theo lộ trình triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu phát triển công nghệ, trong đó tập trung vào nghiên cứu chuyển giao công nghệ, xử lý chất thải, rác sinh hoạt và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, kêu gọi thu hút đầu tư.
Quan tâm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) nêu rõ, hiện nay có nơi, có lúc vẫn có khu công nghiệp thải nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho người dân.
Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08 năm 2022 của Chính phủ thì khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và khu, cụm công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung để bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Do đó, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết tình hình kiểm soát việc xây dựng sự vận hành của các hệ thống xử lý nước thải tập trung, chỉ rõ khó khăn cũng như giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ, năm 2022, cả nước có 291 khu công nghiệp nhưng chỉ có 265 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; trong 734 cụm công nghiệp thì chỉ có 179 cụm công nghiệp có khu xử lý nước thải tập trung. Trong 26 khu công nghiệp chưa có xử lý nước thải hiện có 7 khu đang trong quá trình hoàn thành song hầu hết được xây dựng từ trước đây (năm 2005 – 2013) nên chưa có tiêu chuẩn quy định về yêu cầu bắt buộc trong việc này.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua, Bộ đã có nhiều văn bản đôn đốc, tăng cường hoạt động bảo vệ môi trường và xử lý nước thải trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp. Trong đó có yêu cầu theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là lắp đặt hệ thống giám sát, hệ thống quan trắc tự động kết nối với các Sở Tài nguyên Môi trường và về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo Bộ trưởng, khó khăn hiện nay là tại các cụm công nghiệp mới chỉ xử lý 24,4%. Ở các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì có các nhà máy, cơ sở kinh doanh có hệ thống xử lý nước thải.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định: một là, kiên quyết và chỉ cho phép các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới muốn đi vào hoạt động, vận hành thì phải hoàn thành bảo vệ môi trường như là xử lý nước thải; khuyến khích các khu công nghiệp mới vận hành tuần hoàn hệ thống nước để tiết kiệm nước. Hai là, kiên quyết không tiếp nhận thêm hoặc nâng công suất các dự án đầu tư có phát sinh nước thải trong khu sản xuất kinh doanh tập trung, cụm công nghiệp chưa có hệ thống thu gom. Ba là, đề nghị các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là các cụm công nghiệp. Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử phạt hành chính trong vấn đề này; tiếp tục rà soát toàn bộ các phương án để đầu tư đồng bộ cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên các địa phương.
Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng
Đại biểu Lê Đào An Xuân (Phú Yên) nêu: tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không đúng với giới thiệu quảng cáo vẫn là vấn đề nhức nhối, nhất là qua các kênh bán hàng online. Đáng lưu ý, hàng giả rất nhiều ở các ngành hàng thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc... Nhiều vụ việc được chính người dân, cộng đồng mạng phát hiện, tẩy chay nhưng không có sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước hay Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng; người sản xuất, người phân phối hàng giả, kém chất lượng cũng chưa được xử lý thích đáng. Đại biểu đặt câu hỏi: đến bao giờ Bộ Công Thương mới có giải pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng này để người tiêu dùng, người sản xuất chân chính được bảo vệ?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong các doanh nghiệp. Thời gian qua, tại Việt Nam, doanh thu mỗi năm trên thương mại điện tử đạt 16 - 19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng từ 20 - 25%/năm và là con số rất cao trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận, thương mại điện tử cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực như đại biểu đã nêu. Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều đối tượng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với quy mô lớn. Những tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 523 vụ, xử lý 497 vụ và phạt tiền lên tới 7,8 tỷ đồng. Hành vi vi phạm là kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet, sử dụng website thương mại điện tử bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương đã thực hiện một số giải pháp như: bổ sung trách nhiệm của chủ mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, gỡ bỏ những thông tin về hàng hóa vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu; tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát nắm bắt thông tin, phát hiện, xử lý những vi phạm thông qua bán hàng online, các đầu mối vận chuyển hàng hóa qua bưu cục; phối hợp với các mạng xã hội xây dựng kênh báo cáo để hỗ trợ xử lý các hành vi mua bán hàng hóa vi phạm pháp luật trên mạng xã hội.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung rà soát các quy định của pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), phân cấp, phân quyền cho địa phương nhằm tăng cường quản lý toàn diện giao dịch giữa người mua và người bán trên mạng. Tăng cường hoạt động quản lý, giám sát hàng hóa trên môi trường mạng, chủ động yêu cầu các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử phối hợp để rà soát, gỡ bỏ các thông tin sản phẩm hàng hóa vi phạm pháp luật. Tăng cường chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại điện tử.
Giải pháp hạn chế thuốc lá điện tử
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu thực tế, hiện nay trên thị trường ước tính có khoảng 20.000 loại hương liệu để sản xuất thuốc lá điện tử, trong đó có nhiều loại hương liệu chưa được đánh giá toàn diện về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe. Những hương liệu này được bày bán công khai như các loại thuốc lá thông thường tại các cửa hàng tạp hóa, quán giải khát, cổng trường… nên giới trẻ và đặc biệt là học sinh rất dễ mua, sử dụng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Bộ Công thương và biện pháp tháo gỡ trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã có 2 Tờ trình báo cáo về việc ban hành Nghị định thí điểm chính sách quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có hương liệu. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công thương làm việc và thống nhất với Bộ Y tế về chính sách quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới. Qua 2 lần làm việc, hiện vẫn đang trong quá trình rà soát, thống nhất quan điểm để hoàn thiện chính sách quản lý thuốc lá thế hệ mới.
Theo đó, Bộ Công thương dự kiến đưa mặt hàng thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để có hướng quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, dự kiến trình Chính phủ trong quý 4 năm nay.
Bộ trưởng nêu rõ, quan điểm của Bộ Y tế yêu cầu cấm loại hàng này, trong khi đó, Bộ Tư pháp có ý kiến cần đánh giá sự tương thích của thuốc lá thế hệ mới với định nghĩa của thuốc lá hiện nay. Về phía Bộ Công thương, đang xây dựng phương án quản lý theo hướng tiệm cận nhất với ý kiến của Bộ Y tế là cấm để có thể trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng phù hợp với Hiến pháp, Luật Đầu tư và các quy định khác có liên quan, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với chiến lược quốc gia, giảm thiểu tác hại của thuốc lá, an toàn sức khỏe cho người sử dụng, dung hòa quyền lợi giữa chủ thể liên quan và phù hợp với thông lệ quốc tế./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão