20:10 21/07/2022 Một trong những nội dung quan trọng sẽ được trình tại kỳ họp thứ 6, HĐND thành phố khóa 16 là Đề án “Mức chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý”. Đây là một bước cụ thể hóa Nghị quyết 35 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Nhưng quan trọng hơn, đây là yêu cầu tất yếu của Hải Phòng trong giai đoạn phát triển mới, được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức (CBCC-VC) đặc biệt quan tâm và đón đợi.
Đáp ứng yêu cầu từ thực tế
Theo Sở Nội vụ, hiện tổng số CBCC-VC trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể của thành phố là 40.098 người. Những năm qua, biên chế CC-VC giảm nhưng khối lượng và áp lực công việc lại tăng lên rất nhiều do tốc độ phát triển nhanh chóng của KTXH Hải Phòng.
Trong khi đó, mức lương bình quân của CBCC-VC thành phố nhìn chung còn thấp do mức lương cơ bản được điều chỉnh tăng hàng năm chủ yếu chỉ để bù trượt giá, không đủ trang trải cho chi phí cuộc sống khá cao tại đô thị lớn thứ 3 cả nước. Hơn nữa, mức thu nhập hiện nay của CBCC-VC Hải Phòng được áp dụng chung trên cả nước theo quy định của Trung ương, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng của Hải Phòng nên chưa có tác dụng khuyến khích CBCC-VC, khó thu hút được nhân tài vào làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý.
Theo thống kê sơ bộ, mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ của CBCC-VC khối Đảng, đoàn thể thành phố hiện nay là khoảng 65,3 triệu đồng/người/năm; các khoản phụ cấp theo lương khoảng 44,9 triệu đồng/người/năm. Như vậy, tính bình quân mức thu nhập hàng tháng mới đạt hơn 9 triệu đồng. Đối với CBCC-VC khối chính quyền, cộng cả ương và phụ cấp mới đạt 83 triệu đồng/năm, bình quân tháng chỉ khoảng gần 7 triệu đồng.
Bởi vậy, không phải bây giờ mà từ rất lâu, Hải Phòng đã mong muốn có được cơ chế chính sách phù hợp để chi thu nhập tăng thêm cho CBCC-VC nhằm khuyến khích, động viên người lao động, thôi thúc họ nâng cao hơn nữa hiệu quả công việc, đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Đây là yêu cầu chính đáng và cần thiết phải thực hiện, càng sớm càng tốt.
Đủ điều kiện thực hiện
Căn cứ quan trọng nhất là Nghị quyết 35 ngày 13-11-2021 của Quốc hội khóa 15 cho phép thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan chính quyền, Đảng, đoàn thể do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo.
Nhưng căn cứ quan trọng hơn cả là sự phát triển vượt bậc của thành phố Hải Phòng trong thời gian qua, tiềm lực kinh tế không ngừng lớn mạnh. Trong giai đoạn 2016-2020, Hải Phòng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đạt bình quân 13,94%/năm, gấp gần 2 lần so với giai đoạn trước.
Năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 xâm nhập nhưng Hải Phòng vẫn có mức tăng trưởng GRDP 12,38% và 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 11%, là mức tăng trưởng cao, trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Từ kết quả đó, Hải Phòng có đủ điều kiện để chi thu nhập tăng thêm cho CBCC-VC.
Từ những điều kiện bảo đảm đó và học tập kinh nghiệm của thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng đề xuất thực hiện chi trả thu nhập bình quân tăng thêm cho CBCC-VC trên cơ sở đánh giá hiệu quả công việc nhằm động viên, khuyến khích, tạo động lực lao động.
Theo đó, CBCC-VC nếu được xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên sẽ được chi thu nhập tăng thêm. Ngược lại, nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì không được nhận khoản thu nhập này.
Cụ thể, theo đề án đề xuất, năm 2022, nhóm CBCC-VC hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên được hưởng 0,6 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; hoàn thành nhiệm vụ là 0,4 lần. Năm 2023 mức chi tương ứng là 0,7 lần và 0,5 lần. Từ năm 2024-2026 là 0,8 lần và 0,6 lần.
Với mức chi này, kinh phí cần có của năm 2022 là 1.015 tỷ đồng; năm 2023 là 1.249 tỷ đồng; kinh phí mỗi năm từ năm 2024-2026 là 1.484 tỷ đồng. Tổng kinh phí 5 năm khoảng hơn 6.700 tỷ đồng. Nguồn chi chủ yếu là từ kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư của thành phố.
Như vậy, khi đề án được HĐND thành phố thông qua, CBCC-VC của Hải Phòng có thêm một khoản thu nhập hàng năm, góp phần giải quyết những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương hiện nay. Nhưng quan trọng hơn cả là tăng thêm động lực, khuyến khích CBCC-VC hăng say làm việc, cống hiến. Vì vậy, cho dù mức chi ngân sách hàng năm có thể phải thêm hàng nghìn tỷ đồng nhưng lợi ích mang lại là rất lớn.
Hơn nữa, đây cũng chính là việc làm cần thiết để nghị quyết 35 của Quốc hội đi vào cuộc sống, tương xứng với vai trò “đặc thù” mà nghị quyết đề ra, cũng là bước đột phá lớn của Hải Phòng để phát huy tốt nhất nguồn lực con người trong xây dựng và phát triển thành phố./.
Hồng Thanh
Công an huyện Cát Hải bắt quả tang đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy
Công an phường Trần Nguyên Hãn (Lê Chân): Bắt liên tiếp 2 vụ ma túy
Công an quận Ngô Quyền bắt quả tang hơn 40 đối tượng đánh bạc tại khu vực hồ An Biên
Công an quận Đồ Sơn: Triệt xóa ổ nhóm mua bán trái phép chất ma túy liên quận, huyện
CAH Vĩnh Bảo khởi tố vụ án và khởi tố bị can 1 đối tượng về tội gây rối trật tự công cộng
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Chân dung nhà vô địch tuyệt đối Giải Thể hình, Sport Physique Cúp Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng mở rộng
Công an quận Ngô Quyền quyết tâm xây dựng địa bàn sạch về ma túy
Chùm ảnh diễn tập phương án chống khủng bố, giải cứu con tin tại huyện Thủy Nguyên