20:03 25/05/2023 Chiều 25-5, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) và thảo luận tại hội trường về dự án Luật này.
Một số đại biểu đề nghị, các chính sách hỗ trợ của nhà nước cần cụ thể hơn để các hợp tác xã có thể thụ hưởng, tiếp cận vốn; nên nghiên cứu có chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tích tụ ruộng đất, hình thành chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Liên quan đến việc thể chế hóa chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết số 20, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đánh giá cao việc dự thảo Luật đã thiết kế thêm một điều về chính sách hỗ trợ hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Cho rằng việc thiết kế riêng một điều về nội dung này rất có ý nghĩa và quan trọng, đại biểu cũng đề nghị, dự thảo Luật nên có thêm các quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp tích tụ đất đai và ứng dựng công nghệ cao vào sản xuất; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp; có cơ chế hỗ trợ hợp tác xã xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP.
Về Quỹ phát triển hợp tác xã, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần phải quy định rõ hơn. Theo đó, đối với Quỹ hợp phát triển hợp tác xã ở Trung ương nên giao cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam quản lý; đối Quỹ phát triển hợp tác xã ở địa phương nên giao cho Liên minh hợp tác xã ở các tỉnh quản lý.
Góp ý quy định về Tổ hợp tác, đại biểu Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, quy định về thủ tục đăng ký Tổ hợp tác chưa phù hợp. Đại biểu cho biết, hiện có hơn 101 nghìn Tổ hợp tác và 1,4 triệu thành viên. Bộ luật Dân sự 2005 quy định khi thành lập cần có hợp đồng và chỉ phải chứng thực tại UBND xã. Đến Bộ luật Dân sự năm 2015, do thực tiễn cho thấy quản lý bằng cách đó không phù hợp và bỏ thủ tục chứng thực.
Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 77 đã quy định Tổ hợp tác khi có hợp đồng thành lập phải thông báo cho UBND cấp xã. Qua tổng kết đến nay có khoảng 30% Tổ hợp tác có thông báo, còn 70% Tổ hợp tác không nắm được thông tin. Nếu quy định các Tổ hợp tác phải thực hiện các thủ tục hành chính là đăng ký tại cơ quan cấp huyện là không thuyết phục. Đại biểu cho rằng không nên quy định thủ tục đăng ký này, trước mắt có biện pháp thực hiện hiệu quả các tổ hợp tác phải thực hiện thông báo cho UBND cấp xã.
Tham gia phát biểu ý kiến về chính sách của nhà nước với hợp tác xã, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị quy định rõ ràng, rành mạch, ngoài có chế độ, chính sách ưu tiên cho hợp tác xã vừa và nhỏ, cần có những ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho các hợp tác xã nông nghiệp, do loại hình này khó tiếp cận được nguồn lực về vốn, về đất đai. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tạo điều kiện tiếp cận đất và vốn cho hợp tác xã nông nghiệp.
Về tổ hợp tác, đại biểu đề nghị phải đảm bảo tổ hợp tác có tư cách pháp nhân để có thể ký kết hợp tác, ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các hoạt động thông thường để hoạt động, phát triển. Về liên đoàn hợp tác xã, đại biểu cho rằng không nên luật hóa trong dự án luật lần này, mà nên thực hiện thí điểm, nếu thành công thì sẽ đề xuất, sửa đổi bổ sung Luật Hợp tác xã để đưa vào luật.
Về chính sách tiếp cận vốn, bảo hiểm, dự thảo Luật hiện đang giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện để tổ hợp tác xã, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thụ hưởng chính sách tiếp cận vốn. Thực tế hiện nay, chỉ khoảng 10% số hợp tác xã được vay vốn của quỹ trung ương, địa phương và khoảng 0,5% số đơn vị hợp tác xã tiếp cận vốn của các tổ chức tín dụng. Nêu thực tế này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề nghị, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về điều kiện thụ hưởng chính sách như thủ tục và điều kiện vay, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất có thể.
Nêu ra những khó khăn, vướng mắc về chính sách đất đai trong phát triển HTX nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang) cho rằng, một số chính sách cần nghiên cứu bổ sung thêm, trước hết là chính sách về đất đai vì đây cũng là một trong những điểm khó khăn của các HTX hiện nay. Đại biểu đề nghị dự thảo luật bổ sung quy định về tổ hợp tác, HTX, Liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất xây dựng trụ sở làm việc và hạ tầng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, như xây dựng nhà kho, nhà xưởng, cơ sở sản xuất…
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) đề nghị tiếp tục rà soát và hoàn thiện các quy định liên quan đến cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài trong việc thành lập, trở thành thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng và ban hành luật lần này hy vọng sẽ tháo gỡ được những vướng mắc bất cập để mô hình kinh tế này phát triển đáp ứng được yêu cầu thực tế. Cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, lắng nghe ý kiến đối tượng chịu tác động, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, về vốn góp của các thành viên hợp tác xã, qua nghiên cứu các ý kiến, Chính phủ trình Quốc hội theo phương án 1, để bảo đảm quyền tự do, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, bảo đảm nguyên tắc mở trong tham gia, rút khỏi hợp tác xã như thông lệ quốc tế, tránh tình trạng thành viên góp bằng đất đai, nhà xưởng khi rút ra thì ảnh hưởng đến hoạt động và sự tồn tại của cả hợp tác xã.
Để tránh làm sai lệch bản chất mô hình hợp tác xã, dự thảo đã quy định về tỷ lệ vốn góp tối đa của các thành viên, các thành viên cũng phải tôn trọng các nguyên tắc, chấp hành những tôn chỉ của hợp tác xã. Đối với trường hợp có thể dẫn đến chi phối, thâu tóm hợp tác xã, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để thiết kế thêm điều khoản ngăn chặn trường hợp này.
Với những quy định chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, Chính phủ kiến nghị các đại biểu Quốc hội đồng thuận theo phương án 1. Đối với việc tham gia hợp tác xã của người nước ngoài, Bộ trưởng cho biết dự thảo luật đã có quy định chặt chẽ để thu hút được sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, tranh thủ nguồn lực nhưng vẫn ngăn chặn hiệu quả việc chi phối, thâu tóm. Bộ trưởng cho rằng đây là cơ chế mở, cần đảm bảo thông thoáng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong vấn đề phát triển kinh tế hợp tác.
Về tổ chức thực hiện, để nhanh chóng đưa chính sách của luật vào cuộc sống, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị những nội dung nghị định, thời gian tới mong các đại biểu Quốc hội tiếp tục đồng hành để các văn bản quy phạm pháp luật này được chặt chẽ, khả thi. Về xây dựng chương trình tổng thể phát triển kinh tế tập thể và một số vấn đề khác, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai và sẽ có báo cáo với Quốc hội./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão