Cho mùa trăng thêm tròn

21:40 29/09/2017

Một mùa trung thu nữa lại đến, những em nhỏ lại háo hức với những lồng đèn, ông sao, được tung tăng chơi phố hay phá cỗ trung thu rất vui vẻ, đầm ấm bên gia đình, bè bạn. Nhưng đâu đó, trong đêm trăng rằm sáng tỏ, vẫn còn những ánh mắt vương buồn xa xăm, những dáng người liêu xiêu của các em nhỏ kém may mắn. Đối với các em, rước đèn ông sao, chơi hội đêm rằm cùng cha, cùng mẹ chỉ là một giấc chiêm bao…

Các hoạt động Tết Trung thu được triển khai rộng khắp từ thành phố đến cơ sở

Đến Làng trẻ em SOS vào một buổi chiều thu muộn, khi các em nhỏ vừa tan trường, tôi gặp Nguyễn Khánh Linh, cô bé 14 tuổi. Gương mặt phảng phất nét ưu tư, đôi mắt đen, to, chất chứa nỗi buồn, giọng trầm trầm, Linh chia sẻ về câu chuyện của mình.

Linh sinh ra ở phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn. Tuổi thơ em cũng được sống trong vòng tay của bố, mẹ và bà nội. Nhưng ngay từ còn rất nhỏ, bố và bà đều bị bạo bệnh rồi lần lượt qua đời.

Mẹ em cũng vì tuổi cao sức yếu, không thể gánh vác công việc gia đình nên đã gửi em vào Làng trẻ em SOS từ khi em 8 tuổi. Từ ngày đó, em cũng được theo học ở Trường Hermann Gmeiner.

Từ ngày vào sống ở làng, dù được các mẹ ở làng cùng các thầy cô ở trường chăm sóc, dạy bảo tận tình, chu đáo nhưng em cũng chưa bao giờ nguôi nỗi nhờ nhà, nhớ mẹ cha. Nhất là cứ đến dịp trung thu này, em lại cảm thấy nhớ bố mẹ hơn bao giờ hết, nhớ về kỷ niệm lần duy nhất trong đời từ khi em chỉ là một cô bé 4-5 tuổi, được đi chơi Trung thu cùng bố mẹ ở thôn, xóm.

Được vui trung thu với các thầy cô, bạn bè, được tham gia vào các tiết mục biểu diễn tại tết Trung thu hàng năm, đặc biệt trong chương trình “Trung thu trao gửi yêu thương” năm nay tại Trường Hermann Gmeiner cũng đã phần nào giúp em vơi bớt nỗi nhớ nhà, cảm thấy vui và đầm ấm hơn.

Cũng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, em Phạm Thị Mai đến từ vùng đất mỏ Quảng Ninh, hiện là học sinh lớp 9A Trường Hermann Gmeiner Hải Phòng. Em chia sẻ, bố mẹ em ly hôn, từ nhỏ em phải sống với bà ngoại. Năm Mai 11 tuổi, bà ngoại sức khỏe yếu nên em được các tổ chức trợ giúp, đưa về chăm sóc tại làng và theo học ở trường.

Những ngày đầu sống ở vùng đất mới, không phải quê hương của mình, em thấy mọi thứ đều xa lạ. Nhưng với sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của các mẹ ở làng, thầy cô ở trường, em đã nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với cuộc sống.

Chỉ sau 3 tháng, em đã thấy mình thật vui vẻ, may mắn vì được sống ở làng trẻ và ngôi trường thân yêu. Đối với Mai, Tết trung thu thật xa vời, vì em chưa bao giờ có được niềm vui này. Phải đến khi về ở làng trẻ, học ở ngôi trường Hermann Gmeiner, em mới được vui tết trung thu cùng bạn bè, thầy cô.

Đến giờ, trong lòng em vẫn còn vẹn nguyên niềm hân hoan, hạnh phúc khi lần đầu tiên trong đời được vui trung thu tại trường. Năm nào Mai cũng mong đến tết trung thu, đặc biệt với chương trình lớn như đêm “Trung thu trao gửi yêu thương” sắp tới sẽ được tổ chức tại trường thì lại là một niềm háo hức, mong chờ, hạnh phúc lớn đối với em.

Linh và Mai chỉ là 1 trong 3343 em nhỏ thiệt thòi, có hoàn cảnh đặc biệt trên toàn thành phố. Song các em không cô đơn. Quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đặc biệt đối với trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, trẻ em vùng biển đảo xa xôi, các cấp, ngành, đơn vị, cộng đồng xã hội đã chung tay, tạo điều kiện để tất cả trẻ em trên địa bàn thành phố được đón Tết Trung thu ý nghĩa, an toàn, lành mạnh.

Các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em tại cộng đồng tạo không khí vui tươi, phấn khởi và có ý nghĩa giáo dục

Theo thông tin từ Sở Lao động thương binh và Xã hội Hải Phòng, thành phố sẽ tổ chức thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo vượt khó, học giỏi, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo và một số cơ cở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em, trường mầm non trên địa bàn thành phố. Trị giá mỗi suất quà là 3,2 triệu đồng/cá nhân và 5 triệu đồng/tập thể.

Theo đó, các hoạt động Tết Trung thu được triển khai rộng khắp từ thành phố đến cơ sở, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và có ý nghĩa giáo dục. Tại các quận, huyện, các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em tại cộng đồng hướng đến chủ đề “Trung thu an toàn cho mọi trẻ” nhằm thu hút các em tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an toàn, lành mạnh.

Các chương trình văn nghệ, đêm lửa trại, các cuộc thi làm Mâm cỗ trung thu, làm đồ chơi truyền thống, trò chơi dân gian… sẽ được tổ chức nhằm định hướng, giáo dục trẻ em giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.

Được biết, đêm “Trung thu trao gửi yêu thương” do Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố dự kiến được tổ chức vào ngày 3-10 (tối ngày 14-8 Âm lịch) tại Trường Hermann Gmeiner Hải Phòng sẽ là một món quà đặc biệt gửi tới 700 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được bảo trợ tại các cơ sở.

Hiệu trưởng Trường Hermann Gmeiner Hải Phòng, Trịnh Khắc Phúc cho biết:

Để chuẩn bị cho đêm “Trung thu trao gửi yêu thương” được diễn ra lành mạnh, an toàn, vui tươi, nhà trường đã huy động với hơn 1.000 học sinh và cán bộ, giáo viên, người lao động.

Đến nay, công tác chuẩn bị về cơ bản đã được hoàn tất. Mọi công tác từ tuyên truyền, xây dựng kịch bản, các tiết mục biểu diễn văn nghệ… đã được xây dựng và triển khai đến từng bộ phận, cá nhân.

Các phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, địa điểm trù bị cũng đã được các lực lượng chuẩn bị chu đáo.

Ông Phúc cũng cho biết thêm đêm “Trung thu trao gửi yêu thương” năm nay dự kiến thu hút sự tham gia của hàng nghìn người, hứa hẹn sẽ là một quà đặc biệt cho khoảng 700 em nhỏ với nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn, các màn ảo thuật, đố vui có thưởng đầy bất ngờ, lôi cuốn cùng nhiều món quà ý nghĩa.

Mong rằng qua mỗi mùa trăng, không chỉ bảo tồn, phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống cùng nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, mà ngày còn nhận được nhiều hơn nữa  sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Qua đó góp phần vào công cuộc bồi dưỡng, phát triển thế hệ tương lai của thành phố, đất nước…

Xuân Hạ

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông