Chống khai thác IUU: Siết chặt kiểm tra, giám sát từ bờ đến biển

15:58 09/05/2023

“Tàu cá Việt Nam chú ý, Cảnh sát biển Việt Nam thông báo: Đây là vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cảnh sát biển Việt Nam yêu cầu các tàu cá của Việt Nam hoạt động trong khu vực chấp hành nghiêm pháp luật của Việt Nam, không vi phạm vùng biển của Trung Quốc để đánh bắt hải sản. Nếu không chấp hành sẽ bị xử lý theo pháp luật của hai nước!”. Tiếng loa tuyên truyền đặc biệt công suất lớn trên con tàu CSB 8004 dõng dạc vang lên khắp một vùng biển rộng, nơi có nhiều tàu cá Việt Nam đang đánh bắt hải sản tại đây.

Đây là hoạt động nằm trong chuyến tuần tra liên hợp trên vùng biển lân cận đường phân định vịnh Bắc bộ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc vừa tổ chức vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Điểm đặc biệt của chuyến công tác này là có sự tham gia đông đảo của lực lượng liên ngành gồm Cảnh sát biển, BĐBP, Kiểm ngư, Chi cục Thuỷ sản 9 tỉnh, thành ven biển phía Bắc.

Tàu CSB 8004 đã hạ hai xuồng chở Đoàn công tác liên ngành đi sang các tàu cá của ngư dân đang đánh bắt tại đây để kiểm tra, tuyên truyền việc chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Chúng tôi lên tàu cá mang số hiệu NA 90613 TS đang hoạt động cách đường phân định 2,5 hải lý bên phía biển Việt Nam. Con tàu này gồm 9 thuyền viên do anh Bùi Thêm, 31 tuổi, quê ở xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) làm thuyền trưởng.

Lực lượng liên ngành kiểm tra tàu cá Việt Nam hoạt động trên khu vực đường phân định

Tàu có chiều dài 23,8m, tải trọng 31 tấn, tàu vừa xuất phát từ cảng Lạch Quèn cách đây 1 hôm. Qua kiểm tra, thuyền trưởng không có bằng cấp theo quy định. Ngoài những lỗi vi phạm trên biển sẽ được cơ quan chức năng lưu lại để khi về bờ sẽ phối hợp với địa phương xử lý theo quy định thì tổ công tác liên ngành đã tuyên truyền, cảnh báo cho các phương tiện hoạt động trên khu vực này không được sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản.

Cầm trên tay tờ rơi tuyên truyền vừa được cấp phát, ngư dân Hồ Hữu Phi, thuyền viên của tàu NA 90613 TS cho biết: “Chúng tôi đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền về những ảnh hưởng xấu của việc tàu cá vượt sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Tàu chúng tôi xin chấp hành nghiêm và không vi phạm vùng biển nước ngoài!”.

Lực lượng liên ngành tuyên truyền pháp luật cho ngư dân Nghệ An trên khu vực đường phân định 

Có mặt trong đoàn kiểm tra, ông Cao Huy Nam, Phó phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Thủy sản- Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: “Ở tại địa phương, Chi cục Thủy sản chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ quan, ban ngành kiểm tra, giám sát các phương tiện tàu thuyền của ngư dân trước khi ra khơi đánh bắt hải sản. Giờ lại được tham gia đoàn công tác của Cảnh sát biển trực tiếp lên tàu cá để kiểm tra, nắm được thực trạng vấn đề chấp hành việc đánh bắt của bà con tỉnh nhà. Chi cục Thuỷ sản sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Nghệ An để phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng chức năng, trong đó có Cảnh sát biển để tiến hành xử lý cũng như phổ biến, tuyên truyền đến tất cả bà con ngư dân của địa phương hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt là không vi phạm vùng biển nước ngoài!”.

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, trưởng Đoàn công tác cho rằng, việc phối hợp, hiệp đồng giữa Cảnh sát biển với các cấp, các ngành, các lực lượng thời gian qua đã cho thấy, địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong giải quyết “gốc rễ" bài toán chống khai thác IUU. Đây là cơ quan trực tiếp theo dõi, tuyên truyền pháp luật, tổ chức giáo dục, quản lý ngư dân, giám sát hoạt động nghề cá, lắp đặt hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên.

Bên cạnh đó, các địa phương còn có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát tàu cá tại các cảng của địa phương và tham mưu cho Chính phủ và các Ban, Bộ, ngành Trung ương các văn bản pháp luật và các văn bản có liên quan để bảo đảm việc chống khai thác IUU hiệu quả, bền vững.

Được biết, các tỉnh, thành phố có biển cũng đã thường xuyên cập nhật dữ liệu tàu cá của địa phương mình vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia để các cơ quan, đơn vị cùng khai thác, đáp ứng yêu cầu theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ các tàu cá. Đồng thời, các địa phương đều chia sẻ thông tin các nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU; tàu cá tắt, tháo thiết bị VMS trên biển; kịp thời chia sẻ thông tin cho các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển của Cảnh sát biển để theo dõi, giám sát, xác minh và xử lý.

“Cuộc chiến” chống khai thác IUU đang vào giai đoạn cao điểm với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình hành động của Chính phủ đề ra. Các địa phương ven biển đã và đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng nói chung, Cảnh sát biển nói riêng kiểm tra, giám sát có hiệu quả các phương tiện từ trong bờ đến ngoài biển trong việc chấp hành nghiêm các quy định khi khai thác hải sản đúng pháp luật. Điều đó góp phần từng bước tháo gỡ “thẻ vàng” của EC đối với ngành thuỷ sản của Việt Nam, hướng tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài.

Lam Giang

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông