Chủ động, linh hoạt công tác bình ổn giá cuối năm

14:53 29/10/2022

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 333/TB-VPCP, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về công tác quản lý, điều hành giá năm 2022. Trong đó lưu ý đến công tác bình ổn giá thị trường dịp cuỗi năm và tết Nguyên đán Quý Hợi 2023.
Đảm bảo tích trữ đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.

          Hiệu quả kiểm soát lạm phát

          Theo đánh giá tại Thông báo 333/TB-VPCP, từ đầu năm đến nay công tác chỉ đạo, điều hành giá chịu rất nhiều áp lực trong việc kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đã kiểm soát được tình hình và kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp, cơ bản kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đề ra.

          Nhìn lại từ đầu năm đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là con số phản ánh hết sức tích cực nỗ lực kiểm soát lạm phát của Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có thời điểm chao đảo. Đặc biệt là những nền kinh tế lớn nhất thế giới, bao gồm cả Mỹ, Nhật, EU, Anh và Trung Quốc đều biến động rất mạnh.

          Cụ thể trong chỉ số so sánh, CPI bình quân của Việt Nam trong 9 tháng năm 2022 cao hơn mức tăng 1,82% của 9 tháng năm 2021 là 0,91%. Đối với Hải Phòng, khoảng cách này còn lớn hơn, CPI bình quân 9 tháng năm 2022 của Hải Phòng là 3,26%, cao hơn mức tăng cùng thời điểm năm trước tới 2,36%. Nếu ở trạng thái bình thường, thì mức tăng CPI của Hải Phòng cũng như cả nước thời gian qua là điều đáng lưu ý.

          Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, quãng thời gian cùng kỳ năm 2021 với sức ảnh hưởng to lớn của công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thị trường trong nước lâm vào trạng thái trầm lắng, lưu thông đứt đoạn, tổng cung và tổng cầu đều giảm, nên chỉ số tiêu dùng tăng chậm cũng là điều dễ hiểu. Còn bước sang năm 2022, bối cảnh dường như ngược lại. Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng không còn tạo áp lực đối với thị trường nữa, khi cả nước bước sang trạng thái mở cửa bình thường trở lại.

          Trong đó nổi bật là sự tái xuất của các dạng hình du lịch và nhiều dịch vụ liên quan, mà Hải Phòng là một trong những địa phương có độ mở lớn nhất. Bên cạnh đó, diễn biến phát sinh từ thị trường thế giới bắt đầu từ cuộc chiến Nga-Ukaraine đã tác động nghiêm trọng, nhất là các chuỗi cung ứng tiền tệ và năng lượng, gây ra cuộc khủng hoảng lạm phát trên diện rộng. Đến thời điểm này, với những gì TP Hải Phòng cũng như cả nước đạt được, có thể khẳng định chúng ta đã thành công trong công tác bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát.

          Vấn đề đặt ra là, thời gian quý 4/2022 kéo dài tới dịp tết Nguyên đán, theo thông lệ được gọi là “cuối năm” bao hàm cả đối với năm dương lịch và âm lịch. Đây là quãng thời gian khá dài, ngoài 3 tháng cuối năm dương lịch cũ, còn kéo tới nửa đầu quý 1 của năm mới (dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán), thị trường luôn biến động trong mối liên kết cả thời gian, không gian và cơ chế vận động. Biểu hiện hầu như năm nào cũng xảy ra là cung – cầu mất cân đối, giá cả tăng, kèm theo hoạt động tiêu cực lũng đoạn của hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu… Đòi hỏi những giải pháp điều hành vĩ mô thiết thực và hiệu quả.

Ổn định giá là mục tiêu quan trọng hàng đầu đối với những nhóm hàng thiết yếu nhạy cảm trong dịp này.

          Chủ động cho thị trường cuối năm

          Trở lại với ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại Thông báo 333 nêu trên, trong những tháng còn lại của năm 2022, tình hình kinh tế xã hội, địa – chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, lạm phát ở một số nước tiếp tục có xu hướng tăng cao, tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng chiến lược nhất là mặt hàng xăng dầu dự kiến còn nhiều biến động phức tạp khó lường.

          Trong nước, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết thời hạn vào cuối năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công tăng cường hơn, quý 4 cũng là thời gian cao điểm chuẩn bị cho công tác sản xuất, chuẩn bị hàng dự trữ phục vụ nhu cầu lễ Tết Quý Mão 2023, tác động của thiên tai, dịch bệnh… vì vậy cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý, điều hành giá, nhất là đối với các địa phương.

          Từ nhận định trên, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ dư địa lạm phát để chủ động chuẩn bị tốt các phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.

          Công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt, tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.

          Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh, chú trọng tập trung theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu.

          Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

          Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, cần chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

          Cũng theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp.

          Chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023.

          Đặc biệt ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, nhạy cảm về giá vào dịp cuối năm.

          Về giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá.

          Công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

          Đồng thời giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

          Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông