Chủ động phòng chống sốt xuất huyết: Vai trò của ngành Y tế và ý thức của người dân

    19:28 20/10/2022

    Hàng năm, vào thời điểm giao mùa và lượng mưa nhiều đã tạo điều kiện cho lăng quăng và muỗi phát triển. Để ngăn chặn không để dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát, các địa phương đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là công tác tuyên truyền, vận động người dân.

    Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số bệnh viện trên địa bàn thành phố, số ca mắc sốt xuất huyết và các ca đang điều trị sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố vẫn chưa có dấu hiệu giảm.

    Tính từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận gần 800 ca mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

    Theo đánh giá của ngành y tế thành phố, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết năm nay tăng 35,8 lần. Tính đến hiện tại, đã có 14/15 quận, huyện  trên địa bàn thành phố ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết.

    Tại khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp hiện đang điều trị cho 40 ca mắc sốt xuất huyết nặng. Theo Tiến sĩ Ngô Anh Thế, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, ở thời kỳ cao điểm, mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 45 ca.

    Tại bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, tính từ tháng 2/2022 đến ngày 13/10/2022, tổng số trẻ nhập viện điều trị sốt xuất huyết là 82 ca. Trong đó, giai đoạn từ ngày 7-14/10, số trẻ nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết hiện là 15 ca, đỉnh điểm có đợt từ ngày 30/9-6/10 có 25 ca.

    So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết năm nay tăng 35,8 lần

    Theo đại diện bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, hầu hết bệnh nhi nhập viện điều trị sốt xuất huyết đều đã bị sốt từ 4-6 ngày. Đây là giai đoạn vô cùng nguy hiểm. Do đó, khi thấy trẻ xuất huyết ngoài da nhiều, kèm theo các dấu hiệu chảy máu cam, đau họng vàng da, nôn và ngủ li bì thì đưa đến cơ sở khám chữa bệnh hoặc bệnh viện để khám, phát hiện sớm và điều trị.

    Theo chia sẻ của bác sỹ chuyên khoa bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, đặc điểm chung của các bệnh nhi sốt xuất huyết khi xét nghiệm máu và sinh hoá là giảm bạch cầu, hồng cầu, men gan cao. Trong trường hợp này, bệnh nhi được chỉ định nhập viện ngay để theo dõi kịp thời.

    Các chuyên gia y tế nhận định, năm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước đó.

    Nguyên nhân có thể do đặc tính của chủng vi rút Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể vì quần thể bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mắc bệnh này sau nhiễm Covid-19, có các thay đổi về miễn dịch góp phần ảnh hưởng diễn biến trên bệnh nhân.

    Ngoài ra, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

    Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và hồi phục. Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm.

    Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện  bởi vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

    Theo nhận định của các chuyên gia, dịch bệnh sốt xuất huyết đã lưu hành trên địa bàn thành phố và cao điểm là khi bước vào mùa mưa. Chính vì vậy, trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết dự báo sẽ còn gia tăng nếu các địa phương chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch.

    Bác sĩ Phạm Văn Doan, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Dương Kinh cho biết, kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong những năm qua, ngày từ đầu năm Trung tâm Y tế đã xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phối với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các đơn vị, địa phương trên địa bàn quận Dương Kinh để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

    Bên cạnh đó, các cơ sở y tế chủ động đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ tuyên truyền trên đài truyền thanh, cộng tác viên y tế đến tuyên truyền nhắc nhở từng hộ gia đình. Đồng thời, các đơn vị, địa phương trên toàn quận Dương Kinh cũng triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi dựa vào cộng đồng, quyết tâm ngăn chặn không để dịch bùng phát tại địa phương.

    Tại quận Ngô Quyền, thời gian qua toàn quận đã chủ động đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Quận đã thành lập các đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

    Đồng thời, địa phương cũng đã kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên/tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng tham gia diệt lăng quăng (bọ gậy). Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn.

    Công tác điều tra, giám sát được triển khai 100% các ổ dịch cũ; khi có ca mắc mới/ổ dịch tại các khu vực có nguy cơ cao được quan tâm và chú trọng. Các địa phương tiếp tục về sinh môi trường tại các tô dân phố, cụm, ngõ và các hộ gia đình trên địa bàn.

    Đại diện lãnh đạo Sở Y tế thành phố cho biết, hiện nay, trước diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại nhiều địa phương trên cả nước, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố phối hợp với Trung tâm Y tế các quận, huyện trên địa bàn thành phố tổ chức triển khai các đợt phun hóa chất diệt côn trùng tại các địa phương.

    Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt truyền thông phòng chống sốt xuất huyết; chỉ đạo Trung tâm y tế các quận, huyện phân công cán bộ thường xuyên theo dõi mật độ sinh sản của muỗi để kịp thời tiêu diệt, khống chế, nhất là ở những nơi đã xảy ra ổ dịch... nhằm ngăn ngừa không để dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng.

    Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân hãy dành thời gian thường xuyên thực hiện các các biện pháp phòng, chống dịch như: vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở, loại bỏ các vật dụng phế tải, không để muỗi sinh sản; phối hợp tốt với ngành Y tế thực hiện các đợt chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi.

    Đặc biệt, phát hiện sớm các dấu hiệu mắc bệnh như: sốt, đau đầu, phát ban…, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp bệnh diễn biến nặng và tử vong.

    VŨ DUYÊN

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông

    Liên kết hữu ích