16:42 02/10/2022 Hiện nay, dân số Việt Nam gần chạm mốc 100 triệu người và đang bước vào giai đoạn già hóa. Già hóa dân số đang đặt ra những thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội dành cho người cao tuổi. Đây là một trong những thách thức lớn của các địa phương cần phải chủ động thích ứng trong thời gian tới.
Nâng cao chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
Theo đại diện Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế), với mục tiêu nhằm tăng cường công tác truyền thông, tư vấn và nói chuyện chuyên đề về kiến thức “Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi - Chủ động thích ứng với già hóa dân số”, qua đó nhằm chuyển đổi nhận thức, thái độ, hành vi của người dân, góp phần hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình năm 2022.
Các đơn vị, cơ sở đã chủ động đổi mới, linh hoạt trong hoạt động truyền thông, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nhà và thăm khám định kỳ tại cơ sở y tế.
Tại Hải Phòng, theo số liệu công bố, tuổi thọ trung bình của người dân là 74.7 tuổi nhưng đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép (trung bình mỗi người cao tuổi có 3 bệnh mãn tính không lây như: huyết áp, tim mạch, tiểu đường).
Sức khỏe của người cao tuổi thường sẽ bị sa sút do sự già đi của cơ thể, suy giảm hoạt động về số lượng và chất lượng của các cơ quan. Vậy nên người cao tuổi thường mắc các bệnh như về tim mạch, huyết áp, tiểu đường, xương khớp,…
Do đó, chế độ ăn uống, tập luyện tại nhà sẽ góp phần lớn trong việc nâng cao sức khỏe của người cao tuổi.
Đối với ngành dân số, hàng năm đều lên kế hoạch phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện công tác quản lý và truyền thông về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như tổ chức hội thảo, tọa đàm,... về chăm sóc sức khỏe người cao tuôit tại gia đình và cộng đồng; phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức tuyên truyền, tư vấn, giáo dục kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên y tế ở cơ sở còn tới tận các gia đình phát tờ rơi, tư vấn, tuyên truyền, cập nhật và quản lý đầy đủ, kịp thời thực trạng, kết quả hồ sơ quản lý, khám sức khỏe của người cao tuổi trên địa bàn.
Sở Y tế cũng đã xây dựng và ban hành Kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố với mục tiêu tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần của người cao tuổi, nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và khám bệnh cho người cao tuổi.
Tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, y học cổ truyền có quy mô bố trí giường bệnh điều trị nội trú và tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi. Sở Y tế cũng khuyến khích tổ chức mạng lưới bác sĩ gia đình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà cho đối tượng người cao tuổi...
Bà Lê Thị Thu Thảo, Trạm trưởng trạm y tế xã Hoàng Châu (huyện Cát Hải) cho biết, Trạm y tế xã đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, đồng thời giúp người dân nhận thức, thay đổi hành vi trong quá trình chăm sóc sức khỏe tại nhà. Bởi vì, đây là cơ sở khám chữa bệnh đầu tiên mà người cao tuổi tìm đến khi có các dấu hiệu bệnh lý ban đầu.
Chính vì có vai trò lớn đó nên trạm y tế xã luôn tích cực tiếp cận và đưa ra các lời khuyên về sức khỏe cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi.
Thời gian qua, Ban chỉ đạo Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Cát Hải đã đẩy mạnh việc kết hợp với cơ quan thông tin đại chúng và các ban, ngành đoàn thể tổ chức các đợt truyền thông về "Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi - Chủ động thích ứng với già hóa dân số" nhằm phát huy tối đa khả năng tuyên truyền và tinh thần cộng đồng trách nhiệm.
Qua đó cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời với các nội dung, hình thức phù hợp từng cơ sở, địa bàn. Đồng thời, tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề chăm sóc sức khỏe ở các xã/thị trấn, các bệnh thường gặp, cách chăm sóc sức khỏe và rèn luyện tại nhà, ... .
Bà Nguyễn Thị Năm, Giám đốc Trung tâm dân số kế hoạch hoá gia đình huyện Cát Hải cho biết, từng địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn tại trạm y tế xã/thị trấn cho người dân. Các chuyên viên sẽ hướng dẫn người cao tuổi những bài tập nâng cao sức khỏe tại nhà, tư vấn chế độ ăn phù hợp với từng bệnh lý.
Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, đội ngũ các y bác sĩ, chuyên viên đã chủ động, đổi mới, linh hoạt phù hợp với thực tiễn. Đây đều là những hoạt động hữu ích, thể hiện sự quan của toàn xã hội đối với người cao tuổi.
Gia tăng nhân lực, nâng cao chất lượng cơ sở
Thực tiễn công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong thời gian qua cho thấy kết quả tốt, sức khỏe người dân nhìn chung ổn định. Tuy nhiên số lượng các y bác sĩ và chất lượng cơ sở vật chất tại các trạm y tế xã/thị trấn vẫn còn hạn chế.
Do đó, cần có sự gia tăng nhân lực, nâng cao chất lượng cơ sở tại địa phương và cần thêm nhiều hơn các chính sách hỗ trợ quan tâm đến khám sức khỏe và chữa bệnh cho người cao tuổi.
Ông Lê Hồng Tuấn, 85 tuổi, cư trú tại xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, chia sẻ: Cán bộ y tế tại trạm y tế xã rất tận tình chăm sóc người cao tuổi, nhưng cơ sở vật chất của trạm thì còn nhiều thiếu thốn. Tường bao của trạm đã hỏng hóc nhiều chỗ dẫn đến mất mỹ quan và an toàn, các phòng khám sạch sẽ nhưng trần nhà thì bị nứt gây dột mỗi khi trời mưa, số lượng thuốc men còn hạn chế.
Bên cạnh sự quan tâm của các cấp chính quyền thì người dân cũng tự thành lập nên những câu lạc bộ người cao tuổi. Câu lạc bộ giúp gắn kết mọi người, nhằm nâng cao chất lượng sống cho người cao tuổi về mặt thể chất và tình thân tại gia đình, cộng đồng và chủ động thích ứng với quá trình già hóa nói chung hiện nay.
Ông Đoàn Hồng Mý, 75 tuổi, hoạt động trong Hội người cao tuổi, chia sẻ: Hội người cao tuổi bao gồm 240 hội viên, luôn nhận được sự quan tâm của nhà nước. Hàng năm vào các dịp lễ, tết, mừng thọ, chúng tôi đều nhận được những phần quà động viên. Người cao tuổi thường xuyên được tài trợ thăm khám miễn phí, các y bác sĩ rất lễ phép và tận tình chăm sóc.
PHƯƠNG DUYÊN
13:27 22/11/2024
15:26 16/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão