Chuẩn hóa thông tin góp phần bảo vệ tối đa quyền lợi của chủ thuê bao

15:44 23/03/2023

Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động được nhìn nhận mang lại ích lợi kép. Đó là khẳng định sự chính chủ rõ ràng với số điện thoại của mình, giúp bảo vệ quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ; đồng thời hạn chế tối đa tình trạng sim rác và việc bị lừa đảo, quấy rối bởi các số điện thoại khác.

 

Chạy nước rút để kịp tiến độ

Theo thống kê của 3 nhà mạng lớn là: Vinaphone, MobiFone, Viettel, hiện có khoảng 3,5 triệu thuê bao di động chưa có thông tin vàchưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về dân cư)

Người dân thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại quầy giao dịch

Bởi vậy, ngày 14-3, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã chính thức đề nghị các doanh nghiệp viễn thông bố trí nhân lực, kỹ thuật để chuẩn hóa thông tin thuê bao. Theo Cục Viễn thông, ngày 31-3 là thời hạn phải hoàn thành việc chuẩn hóa thông tin thuê bao. Đây cũng là thơi hạn chót để những thuê bao di động có thông tin cá nhân chưa trùng khớp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thực hiện chuẩn hóa. Quá thời hạn này, những thuê bao di động có thông tin chưa chuẩn, không trùng khớp sẽ bị khóa một chiều.

Mặc dù thời hạn 31-3 mà Bộ TT&TT đặt ra là thách thức không nhỏ với các nhà mạng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp viễn thông di động đã nỗ lực không ngừng, triển khai những biện pháp kết nối, cung câp dữ liệu, đối soát trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, từ ngày 15-3, các nhà mạng đã triển khai nhắn tin cho những thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với CSDLQG về dân cư, đồng thời triển khai thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao bằng cả công nghệ và thủ công. Theo đó, sau 5 ngày nhắn tin liên tiếp, nếu 15 ngày sau thuê bao vẫn chưa đúng thông tin sẽ bị dừng hoạt động 1 chiều. Sau 60 ngày, nếu thuê bao không có thông tin chuẩn xác sẽ bị cắt dịch vụ.

Lợi ích kép từ chuẩn hóa thông tin thuê bao

Theo nhân viên tại một số điểm giao dịch của Viettel, Vinaphone trên địa bàn thành phố, số lượng người đến giao dịch tăng hơn so với trước. 

 

 

 

 

Người dân thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao tại quầy giao dịch

 

Nhiều người dùng dù không nhận được tin nhắn từ nhà mạng, nhưng khi kiểm tra qua tin nhắn thấy hiện thông tin số chứng minh thư cũ vẫn đến các Trung tâm giao dịch, cửa hàng điện thoại của các nhà mạng để cập nhật thông tin cá nhân trên thuê bao điện thoại, bảo đảm trùng khớp với CSDLQG về dân cư. Việc chuẩn hóa thông tin, sử dụng sim điện thoại chính chủ sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng.

 

Có thể thấy, ngay sau khi triển khai thực hiện Đề án 06, số thuê bao chính chủ góp phần quan trọng trong quá trình sử dụng các dịch vụ hành chính công, nhất là các dịch vụ yêu cầu thông tin của số điện thoại khai báo phải chính xác và có các thông báo/xác nhận qua số điện thoại di động. Bên cạnh đó, rất nhiều dịch vụ như ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử... đều cho phép người dùng đăng ký và kết nối qua chính số điện thoại di động của họ.

 

Sự chính chủ này ngày càng cho thấy tầm quan trọng khi ngày càng nhiều hoạt động, công việc, giao dịch được diễn ra trên thế giới mạng.

 

Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP, các thuê bao di động cần phải cung cấp các thông tin cá nhân chính xác (họ và tên, CMND/CCCD, ngày cấp và nơi cấp,…) với các nhà mạng.

 

Việc bảo đảm kết nối đồng bộ thông tin thuê bao di động với CSDLQG về dân cư sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi sử dụng các dịch vụ viễn thông trong trường hợp bị mất, hư hỏng SIM, đồng thời giúp Chính phủ mạnh dạn triển khai thủ tục hành chính công dựa trên số điện thoại di động. Từ đó, người dân dễ dàng, thuận tiện hơn trong thao tác dịch vụ công trực tuyến, góp phần bảo vệ quyền lợi người dân khi sử dụng các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia hoặc dịch vụ ngoài viễn thông như: dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm...

 

Song song, việc chuẩn hóa các thông tin thuê báo cũng sẽ khiến các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo qua điện thoại như mạo danh công an, cơ quan pháp luật, nhân viên nhà mạng, bưu điện, cục viễn thông... hay những đối tượng chuyên thực hiện các tin nhắn spam, quảng cáo rác, gọi điện khủng bố, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác... có thể bị cơ quan chức năng phát hiện nhanh chóng, mang lại sự yên tâm cho người dân khi sử dụng điện thoại di động.

 

TÚ QUYÊN 

Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông