Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai nòi giống

    21:47 08/05/2023

    "Ngày Thalassemia thế giới" được tổ chức hàng năm vào ngày 8-5. Đây là cơ hội để giúp những người mắc bệnh này sống khỏe mạnh hơn thông qua các hoạt động chia sẻ kiến thức, trao đổi thông tin, nâng cao nhận thức có mục tiêu và giáo dục chất lượng về bệnh Thalassemia.

    Bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu từ năm 1960. Bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) là do tan máu di truyền.

    Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động...

     

    Bác sĩ khuyến khích phụ nữ mang thai thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình phát triển của thai nhi

    Trên thế giới bệnh tan máu bẩm sinh ảnh hưởng đến khoảng 300 triệu người, với khoảng 500.000 người mắc bệnh ở thể nặng. Ở nước ta có khoảng trên 13 triệu người mang gen bệnh TMBS, tương đương 13% dân số và có trên 20.000 người bệnh mức độ nặng cần phải điều trị cả đời. Mỗi năm có thêm khoảng 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh thalassemia, trong đó có khoảng 2.000 trẻ bị bệnh mức độ nặng và khoảng 800 trẻ không thể ra đời do phù thai.

    Chất lượng sống của các bệnh nhân bị TMBS rất thấp, số tử vong lớn. Qua báo cáo, từ năm 2001 đến nay, có tới 20% bệnh nhân chết ở lứa tuổi từ 6 - 7, nhiều em tử vong ở độ tuổi 16 - 17, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh nặng không có cơ hội xây dựng gia đình. Hiện nay, số lượng bệnh nhân TMBS đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội.

     

    Phụ nữ mang thai kiểm tra sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện đa khoa huyện An Lão 

    Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, có thể phòng bệnh hiệu quả tới 90-95% bằng các biện pháp như tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc phát hiện sớm cho thai nhi để xác định xem cá nhân có mang gen bệnh hay không, từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh TMBS.

    Đây là biện pháp hiệu quả cao và chi phí thấp. Nếu cả vợ và chồng đều mang gen bệnh thì có 25% nguy cơ mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối hoặc sinh thiết gai nhau và tìm đột biến gen.

    Đối với bệnh nhân mức độ nặng và trung bình cần: truyền máu định kỳ và dùng thuốc thải sắt suốt đời; đến khám và điều trị đúng hẹn; khám lại ngay khi có dấu hiệu bất thường như: mệt nhiều, đau tim, khó thở, sốt cao, phù…; phẫu thuật cắt lách giúp kéo dài khoảng cách thời gian giữa các đợt truyền máu; ghép tế bào gốc để điều trị bệnh.

    Biện pháp này cần phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo hơn như phải tìm được nguồn tế bào gốc, điều kiện sức khỏe đảm bảo, các chi ghép…

    Từ đầu năm đến nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông về thalassemia, hướng dẫn Trung tâm Y tế các quận, huyện tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế. Cùng với đó là công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể lồng ghép tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho các nhóm đối tượng đặc thù trên cơ sở phát huy lợi thế của từng ngành, đoàn thể.

     

    Phụ nữ sau sinh và trẻ em sơ sinh được các y bác sĩ tận tình chăm sóc 

    Phó Giám Đốc Trung tâm y tế huyện An Lão, Nguyễn Thị Luyến cho biết, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên duy trì tăng cường truyền thông trực tiếp, tư vấn tại các hộ gia đình về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về nâng cao chất lượng dân số, thông tin về bệnh TMBS. 

    Qua đó, nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, thái độ, hành vi của xã hội, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần làm giảm gánh nặng về kinh tế và tinh thần của từng gia đình, cộng đồng, xã hội và nâng cao chất lượng dân số.

    Ngoài việc cấp phát các tài liệu và sản phẩm truyền thông như tờ rơi, pano… về các nội dung bệnh TMBS, các Trung tâm y tế quận, huyện còn thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tư vấn, tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh cho người dân trên địa bàn thành phố. 

    Các y bác sĩ tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân cho người dân

    Trạm trưởng trạm y tế xã An Thọ, huyện An Lão, Lê Trọng Kiên cho biết: Trạm y tế xã thường xuyên phối hợp với Câu lạc bộ Tiền hôn nhân của đoàn Thanh niên tổ chức các chuyên đề về tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh, để mọi người dân nhất là thanh niên trong độ tuổi sinh đẻ.

    Đặc biệt, trạm y tế xã cũng mở rộng các hình thức truyền thông hiện đại để cung cấp thông tin, tư vấn qua internet, trang tin điện tử (web, fanpage,…), mạng xã hội (facebook, zalo, Instagram…), điện thoại di động (sms) và các phương tiện truyền tin khác; tăng cường truyền thông trên các trang tin có nhiều người truy cập.

    Có mặt tại trạm y tế xã An Thọ, huyện An Lão từ rất sớm, chị Trần Thị Thu Thuỷ, 28 tuổi, chia sẻ: Chị hiện đang mang bầu cháu thứ hai. Do nhà ở gần trạm y tế xã nên chị rất yên tâm khi cần sẽ có các bác sĩ tại trạm tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho bà bầu như: uống thuốc gì, ăn gì rồi kiểm tra định kỳ thai sản và sàng lọc dị tật bẩm sinh... để bảo đảm sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé.

     

    Học sinh Trường Tiểu học và THCS Lê Khắc Cẩn trong tiết sinh hoạt Chuyên đề về Bệnh tan máu bẩm sinh 

    Thầy Nguyễn Phương Nam, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Lê Khắc Cẩn cho biết, xác định chuyên đề về CSSKSS và nâng cao chất lượng dân số là mục tiêu quan trọng trong giáo dục giới tính cho các em học sinh, trường học đã lồng ghép các kiến thức về giáo dục giới tính, các dị tật bẩm sinh, các phương pháp phòng tránh thai hiện đại… vào các môn học như sinh học, giáo dục công dân, các buổi sinh hoạt chuyên đề.

    Qua đó, nhà trường mong muốn học sinh có kiến thức để bảo vệ sức khỏe cho bản thân các em và cho các thành viên trong gia đình. Mỗi học sinh sẽ là một tuyên truyền viên tích cực, làm tỏa những kiến thức mà các em được học.

    Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai nòi giống là  hoạt động trọng tâm của công tác dân số và phát triển hàng năm, nhằm thực hiện các chỉ tiêu về dân số và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dân số tại cơ sở.

    Lan Phương 

    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông