CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠI BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ HẢI PHÒNG - MỤC TIÊU HIỆN ĐẠI HÓA HÀNH CHÍNH CÔNG, THU HÚT ĐẦU TƯ. KỲ III: NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC

09:22 04/10/2022

Từ những mục tiêu và giải pháp rõ ràng với tính khả thi cao trong thực hiện chuyển đổi số, Ban Quản lý Khu kinh tế đã triển khai quyết liệt và toàn diện ngay từ những ngày đầu năm 2022. Đến hết quý III năm 2022, Ban và các doanh nghiệp trong KCN, KKT đã đạt được nhiều kết quả cụ thể và tích cực.
Đồng chí Lê Trung Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng tiếp nhận Hệ thống phần mềm quản trị, điều hành điện tử eHEZA

Trước tiên, sau tròn 1 năm chính thức đưa vào sử dụng Hệ thống phần mềm quản trị và điều hành tích hợp (eHEZA), đến nay eHEZA đã được vận hành rất hiệu quả và trở thành một công cụ hữu ích trong công tác quản lý và hoạt động của Ban Quản lý Khu Kinh tế.

Trên hệ thống eHEZA, Ban Quản lý Khu kinh tế đã tiến hành số hóa và đăng tải hầu hết các tài liệu, dữ liệu để phục vụ hoạt động của Ban và các doanh nghiệp trong KCN, KKT. Cụ thể, tính đến hết tháng 9-2022, Ban Quản lý Khu Kinh tế đã số hóa và đăng tải lên hệ thống eHEZA hơn 700.000 trang tài liệu với hơn 150.000 tệp dữ liệu.

Cùng với đó, 52 thủ tục hành chính thuộc 8 lĩnh vực đầu tư, lao động, tài nguyên, môi trường, thương mại, xuất nhập khẩu, quy hoạch cũng được cập nhật tại eHEZA, bước đầu hình thành hệ thống dữ liệu lớn. Đây là nền tảng quan trọng để triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số tiếp theo.

Đặc biệt, hệ thống eHEZA của Ban Quản lý Khu Kinh tế đã nhận được sự tương tác và sử dụng của hơn 350 doanh nghiệp, đạt trên 50% các doanh nghiệp được Ban Quản lý Khu Kinh tế cấp tài khoản. Đây là kết quả rất đáng mừng chứng minh được hiệu quả của công cụ số không chỉ riêng tại nội bộ Ban mà còn được sự ủng hộ và tin cậy của các doanh nghiệp.

Khu Kinh tế Đình Vũ - Cát Hải

Tiếp theo đó, trong công tác xử lý, giải quyết các hồ sơ, thủ tục, tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý Khu Kinh tế đã hoàn thành giải quyết 3.038 bộ hồ sơ thủ tục hành chính, 5.050 bộ hồ sơ không thuộc thủ tục hành chính. Cùng với đó, số lượng hồ sơ được thực hiện trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến (cấp độ 3) đạt 1.635 bộ hồ sơ. Doanh nghiệp và người lao động đã bước đầu hình thành thói quen và tích cực sử dụng các phần mềm dịch vụ công trên nền tảng công nghệ số để thực hiện các thủ tục với Ban Quản lý Khu kinh tế.

Song song với xử lý và giải quyết hồ sơ, các công tác thanh toán cũng liên tục được triển khai đồng bộ. Trong thời gian vừa qua, gần 500 lượt thanh toán của doanh nghiệp được thực hiện, thông qua phần mềm QRPay đặt tại Bộ phận Một cửa của Ban Quản lý Khu kinh tế. Tổng số tiền thu phí, lệ phí không sử dụng tiền mặt đạt 1.200.000.000 đồng. Không nằm ngoài xu hướng chung của toàn xã hội, thanh toán không tiền mặt sẽ góp phần đáng kể để tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo tính công khai, minh bạch.

Trong các KCN, KKT, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp cũng đặt ra quyết tâm cao và triển khai nhanh chóng nhiều hoạt động để thực hiện chuyển đổi số. Hầu hết các khu công nghiệp tiêu biểu của thành phố như KCN Deep C, KCN Nam Đình Vũ, KCN Nam Cầu Kiền, KCN Tràng Duệ… đã đầu tư nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin điện tử bao gồm vị trí, ranh giới dự án trên nền tảng bản đồ map, vệ tinh, bản đồ kết nối giao thông tới các mốc quan trọng như cảng biển, sân bay với các KCN, tích hợp các công nghệ thực tế ảo để thăm quan hạ tầng từ xa…

Đồng thời, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư liên tục được tổ chức trong năm 2022 của Ban Quản lý Khu kinh tế, các doanh nghiệp hạ tầng có cơ hội tiếp cận các nhà đầu tư, nắm bắt được mối quan tâm của các nhà đầu tư về nền tảng công nghệ thông tin, viễn thông trong các KCN, từ đó tập trung xử lý các điểm lõm sóng, hiện đại hóa và nâng cấp hạ tầng viễn thông của các KCN. Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng đã áp dụng thành công các công nghệ số hóa, ứng dụng internet vạn vật IoT trong lĩnh vực quản trị nội bộ trong doanh nghiệp như quản lý công việc, quản lý công suất điện, nước...

Đối với các doanh nghiệp trong KCN, KKT cũng đạt được nhiều kết quả chuyển đổi số tích cực như xây dựng các ứng dụng và giải pháp thông minh cho các hoạt động vốn được thực hiện thủ công, ứng dụng công nghệ sinh thái thân thiện với môi trường được kiểm soát 100% thông qua trạm quan trắc khí thải tự động online truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tiêu biểu về ứng dụng công nghệ số, trong Khu Kinh tế Đình Vũ Cát Hải, toàn bộ hệ thống các cảng do Tập đoàn Gemadept khai thác như Nam Hải Đình Vũ và Nam Đình Vũ hiện nay đã áp dụng phần mềm SmartPort để dễ dàng thực hiện trên thiết bị điện tử các hoạt động làm lệnh trực tuyến cho các hoạt động giao nhận, nâng hạ, đóng rút, dịch vụ tại cảng…, sử dụng các chứng từ điện tử, tra cứu dữ liệu đa cảng, tiến hành các tác nghiệp tài chính, thanh toán trực tuyến… Đây có thể coi là một ví dụ điển hình trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp, hướng tới tương lai “smart hóa” ngành logistics trên địa bàn.

Trao đổi với tác giả về quan điểm từ phía doanh nghiệp về thực hiện chuyển đổi số tại các KCN, KKT trên địa bàn thành phố, ông Lê Hồng Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Cảng Hải Phòng (đơn vị thành viên Tập đoàn Sao Đỏ - Chủ đầu tư KCN Nam Đình Vũ 1) cho biết: “Là một đơn vị kinh doanh đa hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Hải Phòng, chúng tôi luôn nhìn nhận rằng chuyển đổi số là rất cấp thiết để doanh nghiệp bắt kịp được xu hướng của thế giới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là thị trường logistics luôn thay đổi từng ngày từng giờ cùng với tốc độ phát triển công nghệ. Để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ cần nỗ lực từ trong nội bộ mà còn cần sự đồng hành, phối hợp từ các cơ quan chức năng liên quan và các đơn vị đối tác.

Với vai trò là thành viên của Tập đoàn Sao Đỏ kinh doanh hạ tầng KCN Nam Đình Vũ 1, vừa là đơn vị đầu tư thứ cấp nằm trong khu công nghiệp, chúng tôi đánh giá rất cao những giải pháp, hành động quyết liệt, sáng tạo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng trong các công tác quản lý cũng như thực hiện chuyển đổi số.

Từ những chỉ đạo và định hướng cũng như thực tế chuyển đổi số tiên phong của Ban Quản lý, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để xây dựng kế hoạch và từng bước thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng, thích hợp và tính ứng dụng cao. Đồng thời, công tác chuyển đổi số của Ban Quản lý Khu Kinh tế sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, nhất là thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao, giúp các doanh nghiệp trong khu kinh tế nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng có cơ hội mở rộng bạn hàng, tăng cường hợp tác và phát triển kinh doanh”.



Chỉ còn một quý cuối năm 2022 để Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và các doanh nghiệp trong KCN, KKT cùng nỗ lực, lấy những kết quả đã đạt được làm tiền đề để tiếp tục thực hiện và nâng cao chất lượng và hiệu quả chuyển đổi số.

Bằng sự quyết tâm và đồng lòng từ cơ quan quản lý nhà nước đến các doanh nghiệp, các KCN, KKT và Ban Quản lý chắc chắn sẽ sớm “về đích” trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư và thực hiện chủ đề năm 2022.



LÊ TẤT

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông