Chuyên mục “Tìm hiểu Luật Cư trú năm 2020”: Sự cần thiết ban hành Luật cư trú năm 2020

10:17 03/03/2022

Ngày 13-11-2020, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Cư trú năm 2020. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Đây là đạo luật rất quan trọng, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân; tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT trong tình hình mới; giảm thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến đăng ký, quản lý cư trú và đổi mới phương thức quản lý cư trú.

Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng cũng như những nội dung cơ bản của Luật Cư trú năm 2020, Chuyên đề ANHP mở chuyên mục: “Tìm hiểu Luật Cư trú năm 2020”.

Đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, cấp CCCD (Ảnh minh hoạ)

 

 Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển KT-XH, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, ứng dụng KHCN tiên tiến đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cư trú. Trong đó, việc xây dựng, ban hành Luật Cư trú năm 2020 là cần thiết với những lý do cụ thể sau đây:

Thứ nhất, bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân

Việc sửa đổi Luật Cư trú năm 2006 là để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí; xóa bỏ các TTHC còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân. Qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.

Thứ hai, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ANTT trong tình hình mới

Tại Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27-11-2015 của Quốc hội khóa XIII về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm đã đề ra nhiệm vụ: Thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; tạo chuyển biến rõ rệt về ANTT, an toàn xã hội. Do đó, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được Quốc hội giao thì cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về ANTT; trong đó, công tác quản lý con người, quản lý về cư trú của công dân góp phần tích cực, có hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Trước yêu cầu bảo vệ ANQG, TTATXH trong tình hình mới, Đảng ủy Công an Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/ĐUCA ngày 8-1-2018 về nhiệm vụ bảo vệ ANQG, bảo đảm TTATXH, xây dựng lực lượng CAND năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết đã đặt ra nhiệm vụ: Tăng cường quản lý cư trú, quản lý dân cư, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT trong tình hình mới.

Thứ ba, thực hiện việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú

Các quy định của Luật Cư trú năm 2006 về điều kiện, thủ tục đăng ký cư trú đã tương đối cụ thể, rõ ràng, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú, lựa chọn nơi cư trú. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú còn mang tính thủ công, rườm rà, chưa đáp ứng yêu cầu CCTTHC, nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó có phương án bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú, thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì việc thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký cư trú cho công dân cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với hình thức quản lý mới cũng như yêu cầu quản lý dân cư trong tình hình mới.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú cũng như tạo ra sự chuyển biến căn bản trong quan hệ giải quyết thủ tục đăng ký cư trú giữa cơ quan nhà nước với người dân.

Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm cho việc thay đổi phương thức quản lý dân cư, quản lý cư trú theo hướng hiện đại, bằng KHCN thay cho phương thức thủ công.

Tại khoản 1 Mục I Phần B Phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân ban hành kèm theo Nghị quyết số 112/NQ-CP ngày 30-10-2017 của Chính phủ về đơn giản TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú năm 2006 để thực hiện nội dung đơn giản hóa TTHC nêu tại Mục VIII, Phần A Phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân. Cụ thể là:

 - Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ Hộ khẩu, đăng ký tạm trú bằng Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các thủ tục hành chính có nội dung liên quan đến Sổ Hộ khẩu, Sổ Tạm trú như: Tách Sổ Hộ khẩu; cấp đổi Sổ Hộ khẩu; cấp lại Sổ Hộ khẩu; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Hộ khẩu; xóa đăng ký thường trú; xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú; hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật; cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi Sổ Tạm trú; cấp lại Sổ Tạm trú; điều chỉnh những thay đổi trong Sổ Tạm trú; gia hạn tạm trú; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật.

Thứ tư, đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN tiên tiến trong công tác quản lý cư trú

Trong điều kiện nước ta đang đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, yêu cầu đặt ra là phải hiện đại hóa công tác quản lý cư trú theo hướng ứng dụng thành tựu KHCN tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới.

Trong khi đó, KHCN trong đăng ký, quản lý cư trú ở nước ta còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của công dân, chưa bảo đảm phục vụ tốt yêu cầu quản lý dân cư và hội nhập quốc tế.

Mặt khác, dữ liệu đăng ký, quản lý cư trú hiện nay chủ yếu được lưu trữ thủ công; việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ về đăng ký, quản lý cư trú tuy có nhiều cố gắng cải tiến, sắp xếp hợp lý hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân. Do đó, cần quy định việc đăng ký, quản lý cư trú theo hướng ứng dụng KHCN tiên tiến để vừa quản lý chặt chẽ dân cư, vừa góp phần đơn giản hóa TTHC, giấy tờ cho công dân và từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.

KC

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích