10:01 18/10/2022 Việc người dân ồ ạt kéo nhau đi rút tiền tại ngân hàng SCB vừa qua cho thấy vẫn có không ít người bị tác động bởi tâm lý đám đông. Rất nhiều người thấy người khác đi rút tiền thì cũng hoảng loạn đi theo mà không hề có sự phân tích, tìm hiểu thực hư. Kết quả là người gửi tiền vẫn phải chịu thiệt hại bởi rút tiền trước hạn thì mức lãi suất được hưởng không đáng kể, trong khi có người có số tiền rất lớn gửi ngân hàng.
Thông tin tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 9 tổ chức sáng 11-10, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Phòng Lê Văn Cường cho biết, ngay trong thời điểm có đông người tới rút tiền nhất thì SCB vẫn bảo đảm tính thanh khoản. Cụ thể, lượng người đến các chi nhánh, phòng giao dịch của SCB tăng bất thường từ ngày thứ sáu (7-10), kéo dài tới ngày thứ hai (10-10) nhưng ngân hàng vẫn cơ bản đáp ứng được yêu cầu rút tiền của người dân.
Tuy nhiên, do có quá nhiều người rút một lúc nên có một số thời điểm bị quá tải, việc phục vụ người dân chưa kịp thời. SCB đã hẹn khách hàng tiếp tục giải quyết trong ngày 10-10.
Theo ông Lê Văn Cường, tính đến ngày 10-10, SCB đã chi trả cho gần 1500 khách hàng tại Hải Phòng với số tiền hơn 800 tỷ đồng và luôn sẵn sàng đáp ứng nếu người dân yêu cầu. Tuy nhiên, tới chiều 10-10, lượng khách giao dịch đã giảm khá nhiều và tới ngày 11-10 thì cơ bản trở lại bình thường. Đã có thêm một số khách hàng tới SCB nhưng không phải để rút tiền mà là để gửi tiền.
Qua sự việc này cho thấy, người dân đã bị tác động tâm lý khá mạnh và đổ xô đi rút tiền gửi. Kết quả là đã bị thiệt hại không nhỏ.
Nhưng điều đáng nói hơn là cách xử lý và giải quyết vấn đề của ngành Ngân hàng và thành phố. Đích danh Thống đốc; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng là ngân hàng bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền. Đồng thời chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đủ tiền mặt để hỗ trợ SCB chi trả.
Tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố trực tiếp họp và chỉ đạo những vấn đề lớn liên quan tới SCB, nhanh chóng ổn định tình hình. Các cấp chính quyền; ngành Công an; chi nhánh NHNN Hải Phòng… có sự phối hợp chặt chẽ bảo đảm an ninh trật tự. Nhờ vậy mà mặc dù số người tới các chi nhánh, phòng giao dịch của SCB tăng đột biến nhưng an ninh trật tự được giữ vững, không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra.
Như vậy, có thể thấy, chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý đã có các biện pháp xử lý khá bài bản, đúng hướng và kịp thời. Từ đó đã góp phần quan trọng làm người dân yên lòng. Đây là điểm mấu chốt rất quan trọng không chỉ giúp SCB nhanh chóng trở lại hoạt động bình thường mà là để bảo đảm, giữ gìn an ninh trật tự, không để xảy ra các điểm nóng.
Còn nhớ, năm 2003, người dân nghe tin đồn và cũng ồ ạt kéo tới rút tiền tại ngân hàng ACB. Đỉnh điểm là ngày 14- 10-2003, người dân xếp hàng tới tận nửa đêm để đòi lại các khoản tiền mình đã gửi tại ngân hàng ACB. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm tỷ đồng (ở thời điểm cách đây mười năm) đã bị rút ra và nếu không có sự can thiệp kịp thời và mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước, nguy cơ về sự sụp đổ của ACB, một sự kiện có thể châm ngòi cho một phản ứng domino sẽ tác động cực kỳ nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam.
Ở thời điểm đó, ngân hàng ACB là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tốt nhất tại Việt Nam, và kết quả kinh doanh trong 9 tháng năm đó của ngân hàng hết sức khả quan... Và bây giờ, với SCB cũng vậy. Hoạt động của ngân hàng cũng đang ổn định, nhưng chỉ vì một vài tin đồn thất thiệt làm cả hệ thống náo loạn.
Từ năm 2003 đến nay, sau khủng hoảng, ACB vẫn tồn tại và phát triển bền vững. SCB chắc chắn cũng như vậy. Thế nên, trước bất cứ thông tin gì, người dân cần bình tĩnh xem xét, phân tích thiệt hơn và có quyết định đúng đắn nhất, tránh bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông làm thiệt hại cho chính mình và ảnh hưởng tới bảo đảm an ninh trật tự./.
Hồng Thanh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024