Chuyện thời cuộc: Khép lại để mở ra những chân trời mới

16:24 01/12/2023

Thành phố Hải Phòng đang xúc tiến nhanh quá trình di dời cảng khu vực Hoàng Diệu-Lê Thánh Tông. Đây là những bến cảng có tuổi đời hàng trăm năm, là nhịp sống, là biểu tượng, là nơi gắn bó của lớp lớp biết bao thế hệ công nhân Cảng Hải Phòng; là nơi đón những chuyến tàu tới từ muôn nơi… Thế nên, khi thành phố quyết định di dời cũng không tránh khỏi những hoài niệm tiếc nuối.Nhiều người cứ mãi lưu luyến, không muốn rời.

Cũng mới đây, thành phố cũng  quyết định chấm dứt hoạt động Bến xe Niệm Nghĩa. Như vậy, bến xe có tuổi đời 45 năm này đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng với người Hải Phòng, vẫn cảm thấy có một cái gì đó tiếc nuối.

Bởi bến xe Niệm Nghĩa không chỉ là một cái tên quá đỗi quen thuộc, mà còn gắn liền với những kỷ niệm gắn bó, thân thương: những chuyến đi xa; những lần chờ đợi; những chuyến xe  vào, ra suốt ngày đêm và hơn tất cả, đó chính là nhịp sống Hải Phòng một thời sôi động thật khó quên. Cũng như vậy, bến xe Lạc Long nằm giữa thành phố cũng chính thức ngừng hoạt động.

Hải Phòng còn có một biểu tượng nữa in đậm trong ký ức của mỗi người. Đó là chợ Sắt. Cách đây rất lâu, chợ Sắt đã được đầu tư xây dựng lại nhưng cái tên chợ Sắt vẫn còn. Giờ đây, lại tiếp tục có thêm  một dự án lớn khác thay thế, chợ Sắt cũ sẽ dần mất đi. Đổi lại là một trung tâm thương mại lớn vô cùng bề thế với nhiều công năng.

Chợ Sắt mới đang được xây dựng lại khang trang, hiện đại

Bến cảng Hoàng Diệu; Bến xe Niệm Nghĩa; bến xe Lạc Long; chợ Sắt… đã dần khép lại nhưng lại mở ra cho Hải Phòng những chân trời mới. Dẫu có tiếc nuối, có hoài niệm cũng phải nhìn về tương lai.

Bởi bến cảng Hoàng Diệu tồn tại hàng trăm năm nay đã nhường chỗ một phần cho cầu Hoàng Văn Thụ, cây cầu mang biểu tượng cánh chim biển hùng dũng, thoáng đạt  nối đô thị cũ Hải Phòng với đô thị mới bên kia bờ sông Cấm.

Rồi sau này, vùng đất phía bắc sông Cấm sẽ là thành phố mới Thủy Nguyên; là nơi hội tụ trung tâm hành chính-chính trị thành phố; trung tâm hội nghị-biểu diễn; là những khu đô thị mới, trung tâm thương mại sầm uất mọc lên.

Như thế, bến cảng cũ mất đi để mở ra những chân trời mới rộng mở hơn. Chưa hết, khu bến cảng còn lại sau này theo quy hoạch sẽ là các công trình công cộng, cây xanh; các khu đô thị mới, cầu Nguyễn Trãi… Và để bù lại, Cảng Hải Phòng sẽ tiến dần ra biển lớn, cụ thể là tiến ra tới Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Trước mắt, Công ty CP Cảng Hải Phòng đã được chấp thuận đầu tư bến số 3 và số 4 với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 7000 tỷ đồng; năng lực hàng hóa thông qua sẽ tăng lên tới hàng trăm triệu tấn chứ không chỉ là hàng chục tấn như hiện nay. Bến cảng gắn bó với người dân Hải Phòng hàng trăm năm nay không còn nhưng  rõ ràng tiềm năng phát triển lại rộng mở hơn rất nhiều.

Cũng như vậy, với bến xe Niệm Nghĩa, sau 45 năm vẫn còn nằm trong nội đô, nhất là giữa khu dân cư đông đúc là không còn phù hợp. Dù nhiều người luyến tiếc bởi bến xe nằm tại đây sẽ thuận tiện hơn cho việc đi lại nhưng cũng đến lúc không thể cố níu kéo thêm được nữa. Bến xe 45 tuổi dời đi để thành phố đẹp hơn, an toàn giao thông tốt hơn mới là mục tiêu phấn đấu, là ước nguyện của cả thành phố.

Hơn nữa, bến xe Niệm Nghĩa không còn nhưng thay vào đó là bến xe Thượng Lý; bến xe Vĩnh Niệm và một số bến xe khác đã được quy hoạch…, để vận tải hành khách đường bộ của Hải Phòng sẽ an toàn, văn minh, hiện đại hơn; người dân Hải Phòng được phục vụ chu đáo, tận tình hơn. Bến xe dời đi cũng tức là thành phố đã có thêm một bước phát triển ở tầm cao hơn. Theo dự kiến, bến xe Lạc Long và bến xe Niệm Nghĩa sẽ được quy hoạch xây dựng các bãi đậu xe hiện đại, văn minh.

Chợ Sắt được rất nhiều thế hệ người Hải Phòng nhung nhớ. Có thời, người Hải Phòng đi tới đâu cũng mang chợ Sắt ra khoe. Người tỉnh khác gặp người Hải Phòng cũng luôn hỏi về chợ Sắt với sự ngưỡng mộ trong thấy rõ. Nhưng theo thời gian, theo quá trình phát triển, thành phố thay đổi, chợ Sắt cũng phải  đổi thay.

Tại đây, chợ Sắt cũ không còn nhưng sẽ mọc lên một công trình mới, hiện đại, tầm cỡ, được quy hoạch 40 tầng nổi và 2 tầng hầm trên diện tích 15.200 m2; tổng vốn đầu tư khoảng 6000 tỷ đồng, để  xứng tầm đô thị Hải Phòng, phát huy được giá trị tại một khu đất được coi là “vảng ròng” của thành phố, hứa hẹn rất sầm uất, khang trang; rất đông vui, tấp nập sau này, có thể sánh ngang với các trung tâm thương mại tầm cỡ trong khu vực.

 Như thế, người Hải Phòng đang cảm thấy mừng vui hơn là  tiếc nuối, chạnh lòng. Những địa danh cũ không còn ở chỗ cũ nhưng mãi mãi còn trong ký ức, trong tâm khảm của người Hải Phòng. Hơn tất cả, khi những địa danh đó khép lại, mở ra một chân trời mới, một tương lai sán lạn, một thành phố hiện đại, văn minh, thông minh thì đó chính là sự phát triển, là yêu cầu của thực tế khách quan.

Và như thế, người Hải Phòng mãi mãi có quyền tự hào, càng thêm yêu mến vùng đất cửa biển kiên trung, anh dũng, luôn đi đầu trong nhiều lĩnh vực và luôn biết vượt lên phía trước./.

Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông