17:28 04/10/2022 Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XIII đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị lần này, là tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X “về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị”.
Về nội dung này, trong bài phát biểu tại Hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Báo cáo tổng kết đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X), chỉ ra những kết quả, thành tựu to lớn, toàn diện, rất ấn tượng đã đạt được. Đồng thời, cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém tồn tại và phân tích rõ nguyên nhân.
Về những hạn chế, yếu kém, theo Tổng bí thư, còn có việc một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng trong công tác lãnh đạo, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; vẫn còn tình trạng bao biện, áp đặt, làm thay hoặc né tránh, sợ trách nhiệm, buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Công tác tổ chức, cán bộ và thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên có mặt còn hạn chế; chưa thật sự bảo đảm tính dân chủ, minh bạch, thiếu cơ chế phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng, trọng dụng nhân tài; chưa kiểm soát tốt được quyền lực trong công tác cán bộ.
Tổng Bí thư cho rằng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp còn thiếu gương mẫu, ảnh hưởng xấu đến uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng tuy đã có nhiều đổi mới và đột phá trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhưng Tổng bí thư cho rằng “vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; chất lượng, hiệu quả chưa đều ở các cấp, việc tự kiểm tra, giám sát còn hạn chế”.
Điều đó có thể thấy rõ từ kết quả đánh giá 10 năm phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy Đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động, tăng cường chỉ đạo, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; xử lý cả cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu, cả cán bộ cấp cao và cán bộ trong lực lượng vũ trang; làm một cách nghiêm minh từ trên xuống dưới, có trọng tâm, trọng điểm; kỷ luật đảng đi trước, tạo tiền đề, mở đường cho kỷ luật hành chính và cho công tác thanh tra, điều tra, xử lý hình sự theo pháp luật.
Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức Đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng; đã kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Uỷ viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Có thể nói, những con số trên đã thể hiện quyết tâm cao của Đảng trong công tác trong sạch hóa đội ngũ, trong sạch hóa tổ chức, nâng cao uy tín và sức chiến đấu trong Đảng.
Tuy nhiên trên thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tiếp tục “tự diễn biến, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lôi sống, tha hóa biến chất. Mà việc hàng loạt cán bộ từ Trung ương đến cơ sở đang bị xem xét xử lý vì liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới đây là một ví dụ điển hình.
Cho thấy, công tác cán bộ tiếp tục là một vấn đề lớn, trọng tâm của nhiệm vụ xây dựng Đảng, đây cũng là nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 6 đang diễn ra.
Tin tưởng rằng, tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ thảo luận và ban hành những quyết sách mới phù hợp hơn, hiệu quả hơn, khắc phục triệt để hạn chế, yếu kém tồn tại.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024