Chuyện thời cuộc: Chỉ từ chuyện giá xăng dầu

11:18 24/03/2022

Như vậy là giá xăng dầu nước đã được điều chỉnh giảm vào ngày 21-3, dù chưa thể làm thỏa mãn như kỳ vọng của người tiêu dùng, nhưng điều quan trọng đây là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2022 giá mặt hàng năng lượng nhạy cảm bậc nhất này đã giảm, sau suốt chặng thời gian khá dài liên tục leo thang, gây áp lực lên hầu hết mọi lĩnh vực của cộng đồng xã hội.

(Ảnh minh họa)

          Về hình thức, giá xăng dầu giảm là theo diễn biến thị trường thế giới, khi những ngày qua mặt hàng này có nhiều phiên lao dốc, và đã tiệm cận mức giá như trước thời điểm xảy ra xung đột vũ trang Nga – Ukrane.

Nhưng theo phân tích của những nhà chuyên môn, nguyên nhân biến động của thị trường xăng dầu thế giới không hẳn vì căng thẳng hay xung đột giữa các quốc gia, mà rất có thể chỉ là nạn nhân của những tính toán nhằm “đục nước béo cò” của những thế lực thao túng ngành năng lượng này, nhân chuyện xung đột nêu trên.

          Đấy là chuyện quốc tế, còn ở trong nước, dù diễn biến thị trường thế giới có ra sao, thì trong những ngày qua người dân Việt Nam đã thấy rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với một vấn đề mang tính tác động lớn đối với đất nước.

Trên diễn đàn Quốc hội, hay trong chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, vấn đề làm thế nào để bình ổn thị trường xăng dầu trong nước luôn được đề cập với tinh thần rất quyết liệt.

Từ đó chủ động các tình huống khác nói chung, nhằm hướng tới thị trường tự chủ, kinh tế tự chủ, một chủ trương lớn của đất nước, nhưng vô cùng cụ thể và thiết thực với đời sống xã hội.

          Nhìn lại thời gian qua, khi giá xăng dầu trong nước liên tục tăng, dẫu là sự vận động theo quy luật cung cầu và tình hình chung của thị trường thế giới. Nhưng trên các trang mạng xã hội, thậm chí có cả một số báo chí chính thống, xuất hiện những bài viết với suy diễn cảm tính, so sánh giá xăng dầu và thu nhập của người dân Việt với những nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới.

Sự so sánh không chỉ khập khiễng, không phản ánh đúng bản chất thị trường trong bối cảnh hội nhập, mà còn tạo dư luận không tích cực, như thể đó là lỗi của cơ chế, chính sách nội tại.

Đồng thời xuất hiện những thông tin cường điệu hóa biến động thị trường hàng hóa, cho rằng xăng dầu là yếu tố kích hoạt. Rồi từ những luồng tin kiểu này, một số bài viết tiếp tục suy diễn, xoáy vào cuộc xung đột Nga – Ukraine, tạo những luận điệu nhằm chống phá Đảng, đả kích chế độ ta.

Đáng tiếc, những luận điệu này rất lạc lõng trong những nỗ lực to lớn mà Quốc hội, Chính phủ cũng như các ban, bộ, ngành và cả nước đã và đang thực hiện, khi quyết tâm vượt qua mọi áp lực, nhất là dịch bệnh Covid-19 và những thách thức thương mại toàn cầu.

Cho thấy, dù chỉ là một câu chuyện xăng dầu, nhưng những hệ lụy xung quanh nó đôi khi lại là duyên cớ để những mưu đồ xấu cố ý tạo bất ổn xã hội. Trước tình hình đó, tin tưởng rằng mỗi công dân Việt Nam càng cần tỉnh táo, đề cao tinh thần cảnh giác, đồng hành và tiếp tục cùng Đảng và Nhà nước trong khối đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước vượt qua mọi thách thức, giành thắng lợi trước nhưng mục tiêu đã đề ra.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông