14:28 09/04/2022 Những ngày này, người dân Việt ở trong nước cũng như ở nước ngoài đang hướng về tỉnh Phú Thọ, háo hức chờ đợi ngày Quốc Tổ, sau hơn hai năm những hoạt động liên quan bị gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19. Theo lịch đã được công bố, tính cả ngày nghỉ theo kỳ thì dịp giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có tới 3 ngày nghỉ liên tục, vì vậy rất nhiều người đã lên kế hoạch, sẵn sàng hành hương đến hội đền Hùng.
(Ảnh minh họa)
Truyền tích kể lại trong “Hồng Bàng Thị Truyện” (Truyện họ Hồng Bàng) nói về Lạc Long Quân – Âu Cơ và các triều đại Hùng Vương, là một trong những tác phẩm được coi là cổ nhất trong kho tàng văn hóa Việt Nam, cũng bởi đượm nét cổ nên khó tránh khỏi màu sắc của thần thoại.
Nhưng một điều không thể phủ nhận, là trải qua hàng nghìn năm người Việt vẫn dựa vào đó để khẳng định tinh thần từ tôn, tự lực, tự cường, tạo riêng cho mình một nền văn hiến. Đó là giá trị tinh thần vô song, mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được.
Đó là về thời kỳ sơ khai của dân tộc Việt, sau này nhờ kết quả nghiên cứu và khảo cổ của khoa học hiện đại, người ta đã có những cơ sở xác đáng để minh chứng cho một thời kỳ văn hiến của nước Văn Lang. Khu di tích Đền Hùng là tiêu điểm về thời đại các vua Hùng, các ngôi đền thờ vua Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh, thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Theo các tài liệu ghi nhận, vùng đất này xưa kia là khu vực trung tâm của nước Văn Lang, có nhiều sông ngòi ao hồ, đồi núi, lại có những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu, vừa thuận lợi cho cuộc sống định canh định cư, vừa an toàn cho việc phòng thủ, tạo thành chiến lũy thiên nhiên khổng lồ bao bọc lấy cố đô của các vua Hùng.
Từ Đền Hùng, phong tục giỗ Tổ đã có từ rất lâu, đi qua biết bao thăng trầm của lịch sử, ở chế độ nào giỗ Tổ Hùng Vương cũng đều được coi trọng, khắc sâu nét đẹp “uống nước nhớ nguồn”, rưng rức sôi trong mỗi tâm hồn dân Việt, cao hơn là khẳng định nền tự tôn của dân tộc.
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng Mười tháng Ba”, bao năm qua câu ca ấy đã thấm sâu vào lòng mỗi người dân Việt, rằng cứ ngày ấy, tháng ấy, hẹn về chân núi Nghĩa Lĩnh, thành kính dâng hương, tưởng về Quốc Tổ…
Người Việt hướng về núi Nghĩa Lĩnh là hướng về cố đô, nơi ngọn cờ dựng nước đầu tiên được khởi tạo, để từ ấy dẫu bị đô hộ trăm năm hay ngàn năm, kẻ thù không bao giờ làm cạn được dòng máu Việt. Vì theo truyền lại, thời kỳ Văn lang trải qua 18 đời Hùng Vương, như đã nói vì thủa hoang sơ không có sử tích ghi lại, nên ngày sinh hay mất của các Hùng Vương đều rất khó xác định.
Bởi vậy từ năm 1917, vua Khải Định nhà Nguyễn lấy ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm làm ngày Quốc Lễ, thể chế hóa ngày giỗ tổ Hùng Vương bằng luật pháp.
Ngày 2-9-1945 khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến, nhưng giá trị nguồn cội với Quốc tổ Hùng Vương không hề thay đổi. Vào ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 22/SL-CTN, quyết định tiếp tục tổ chức ngày giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch.
Ngày 2-4-2007, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ Luật lao động, cho người lao động được nghỉ làm việc vào ngày giỗ tổ Hùng Vương.
Giờ đây, tiếp nối truyền thống cha ông để lại, người dân Việt dù ở Nam hay Bắc, dù trong hay ngoài nước, đều hướng về Ngày giỗ tổ Hùng Vương.
Và ngày ấy trên đỉnh cao núi Nghĩa Lĩnh lại vang lên lời Bác Hồ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, như một lời tuyên ngôn bất hủ, rằng miền đất này là của chúng ta, của dân tộc Việt Nam anh hùng suốt hàng nghìn năm lịch sử.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024