15:08 10/10/2022 Kể từ Đại hội 6 của Đảng năm 1986, với chủ trương đổi mới, mở cửa nền kinh tế, mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam đã từng bước tiến sâu vào hội nhập quốc tế. Kết quả của 36 năm qua, chúng ta “chưa có bao giờ có cơ đồ, uy tín, vị thế như ngày nay”, nói theo cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tuy nhiên, Đảng ta cũng đã chỉ rõ, bên cạnh những yếu tố tích cực, quá trình mở cửa cũng du nhập nhiều hệ lụy tiêu cực, thực sự là thách thức lớn không chỉ riêng với nền kinh tế, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác.
Đòi hỏi tính bản lĩnh, thận trọng, có cân nhắc, có lựa chọn nhưng đồng thời dám nghĩ, dám làm, dám chớp thời cơ và dám chịu trách nhiệm. Đó chính là quan điểm mang tính chiến lược trên lộ trình hội nhập.
Nhìn lại 36 năm đổi mới, có lẽ giai đoạn khó khăn nhất mà Đảng, Nhà nước và quân dân ta gặp phải, cũng chính là thời kỳ đầu, khi chúng ta xóa bỏ nền quản lý quan liêu, bao cấp, kinh tế tập trung, chuyển sang hướng mở cửa, hội nhập, vận động nền kinh tế theo thị trường.
Giữa bối cảnh tình hình chính trị thế giới diễn biến mau lẹ và tác động mạnh mẽ tới Việt Nam, mà đáng chú ý nhất là sự đổ vỡ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu.
Nhưng chúng ta đã vượt qua, rút được những bài học quý báu, kết thành một ý thức mới từ chủ trương vĩ mô đến hoạt động vi mô, xác định con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, một mô hình chưa từng có trong tiền lệ.
Nhờ kết quả đó, trong từng thời điểm, từng thời kỳ khác nhau, chúng ta đã vận dụng linh hoạt bản sắc riêng, giữ vững lập trường và vận hành đất nước vững vàng trong mọi hoàn cảnh biến thiên của tình hình thế giới.
Điều đó càng được thể hiện rõ trong những năm qua, khi cả thế giới bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, tiếp đến là ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine. Khủng hoảng kinh tế xảy ra ngay trong lòng các nền kinh tế lớn, ngay lập tức khiến cả thế giới chao đảo, các chuỗi cung ứng đứt đoạn, lạm phát gia tăng… nhưng Việt Nam vẫn lần lượt bẻ gãy từng mũi thách thức.
Trong một báo cáo mới đây, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới, được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's nâng mức xếp hạng tín nhiệm kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Đánh gía về kết quả nêu trên, các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước cho rằng, một trong những yếu tố quyết định đó là phương thức điều hành chủ động, trong đó mở cửa đúng thời điểm, có lộ trình là quyết sách mạnh bạo nhất và hiệu quả nhất của Chính phủ, với quan điểm coi ổn định vĩ mô là trụ cột giữa vòng xoáy tác động của thế giới.
Quyết sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa kinh tế đã nhanh chóng khơi thông luồng thương mại, sản xuất, kinh doanh, luồng vốn đầu tư, tạo cú hích giúp nền kinh tế phục hồi.
Nổi bật là các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thiết kế khá toàn diện, với gói kích thích tài chính-tiền tệ có dung lượng lớn chưa từng có ở Việt Nam.
Đó là kết quả của ý chí kiên định, kiên trì và kiên tâm được đúc rút từ những bài học cả thành công và chưa thành công trong quá khứ, mang đậm bản sắc và tinh thần Việt Nam.
Vẫn biết trong thời gian tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhưng với những gì đã đạt được, tin tưởng rằng kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục trụ vững và bứt phá, tự tin trên tiến trình hội nhập quốc tế.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024