08:58 29/06/2022 Theo báo cáo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân 2,58% só với cùng kỳ năm trước, riêng CPI của tháng 5 tăng 3,21% so với tháng 5 năm 2021. Đây là mức tăng khá cao so với những năm gần đây trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Giá xăng dầu tăng cao đang gây áp lực rất lớn trong kiểm soát lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng CPI được sử dụng để đo lường mức độ biến động của giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của thị trường, trên cơ sở những nhóm hàng có mối quan hệ mật thiết với sinh hoạt cộng đồng. Nghĩa là chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao đồng nghĩa với việc mức giá trung bình của hàng hóa, dịch vụ tăng, và ngược lại. Biến động chỉ số CPI cũng là cơ sở quan trọng bậc nhất để phản ánh diễn biến tăng hoặc giảm phát của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, trong nền kinh tế thị trường, mức tăng CPI thường tỷ lệ thuận với mức độ trao đổi, giao dịch của thị trường hàng hóa, liên quan đến các hoạt động sản xuất, lưu thông, phân phối và bán lẻ cũng như hình thành thành giá cả, vận động dựa vào quy luật cung cầu.
Như vậy, nhìn từ ý nghĩa tích cực, chỉ số tiêu dùng CPI tăng ổn định và trong vòng kiểm soát (thường dưới 2 con số), sẽ có tác dụng kích cầu thị trường, tạo cơ hội cho sản xuất, lưu thông phát triển. Tuy nhiên CPI tăng cao, cường độ mạnh và bất thường, sẽ gây rất nhiều tiêu cực cho thị trường nói riêng cũng như nền kinh tế cói chung.
Trở lại với chỉ số CPI của Hải Phòng nêu trên, tác động gia tăng CPI được cho là ảnh hưởng từ biến động mạnh của giá xăng dầu trên thế giới cũng như trong nước.
Bên cạnh đó, thời gian qua sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn thành phố trở lại bình thường và tương đối sôi động, kéo theo sự gia tăng của thị trường hàng hóa liên quan. Đặc biệt là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu được tiêu thụ thường xuyên, có liên quan trực tiếp đến cước vận chuyển và các hoạt động sinh hoạt, dịch vụ.
Ở tầm vĩ mô, kinh tế thành phố vẫn có bước tăng trưởng ổn định và tương đối tốt. Tuy nhiên đi vào cụ thể đời sống hàng ngày, điều dễ nhận thấy là thu nhập của người dân đang giảm sút đáng kể, nhất là nhóm người yếu thế vốn đã bị tác động rất nhiều từ dịch bệnh Covid-19, khi mưu sinh chỉ dựa vào những công việc thiếu bền vững.
Trong khi đó, cũng theo số liệu thống kê thì trong 11 nhóm hàng tiêu dùng được chọn làm cơ sở tính chỉ số CPI trên địa bàn Hải Phòng, có đến 8 nhóm hàng tăng giá mạnh mẽ thời gian qua. Rõ ràng đây là áp lực không hề nhỏ.
Trước mắt, nỗi lo lớn nhất vẫn là diễn biến giá xăng dầu, khi tiên tiếp từ đầu năm nhóm hàng có vai trò chi phối thị trường này tăng liên tục, hiện mức giá đang gấp gần 3 lần mức thấp nhất của năm 2020, thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19. Giá xăng dầu tăng cao đang gây khó khăn cho cả cộng đồng, từ doanh nghiệp đến người dân, và ngày càng tạo nhiều hệ lụy phản ứng dây chuyền trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh này, thành phố cần đề xuất những cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm ổn định an sinh xã hội, bình ổn thị trường. Điều quan trọng là phải đảm bảo kiểm soát được chỉ số giá tiêu dùng CPI, không để dẫn đến hệ lụy lạm phát ngoài ý muốn.
Hoàng Minh
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024