Chuyện thời cuộc: Nghĩ về cán bộ “sợ làm, sợ trách nhiệm”

19:06 29/11/2022

Thời gian gần đây, trên nhiều diễn đàn kể cả diễn đàn Quốc hội, câu chuyện về cán bộ thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám thực thi nhiệm vụ đã trở thành đề tài thảo luận sôi nổi. Tình trạng này hiển hiện ở nhiều lĩnh vực, nhưng có lẽ bộc lộ phổ biến nhất ở ngành Y tế, liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị phục vụ các công tác chuyên môn.

          Điển hình là trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19, có những lúc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, không quản ngày đêm, nhưng ở dưới địa phương, cơ sở, cán bộ lại có tư tưởng cầm chừng. Về nguyên nhân, có những vấn đề nhạy cảm, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, kết quả của công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua, đặc biệt là việc phát hiện xử lý các vụ việc ở Công ty Việt Á hay những vụ việc liên quan đến các chuyến bay giải cứu công dân ở nước ngoài đã tác động không nhỏ đến tâm lý công vụ một bộ phận cán bộ.

          Theo các nhà phân tích, không riêng ở ngành Y tế, mà trong tất cả mọi lĩnh vực, tình trạng cán bộ không dám làm, sợ trách nhiệm đều có những đặc điểm chung. Trong đó có những cán bộ có được vị trí công tác là do chạy chức chạy quyền, đặt mục tiêu “thu hoạch” thông qua những phi vụ “công vụ”, nhưng khi không còn cơ hội thì không còn mặn mà. Lại có những nhóm cán bộ do ý chí yếu, sợ khó, sợ khổ, ngại va chạm mà tìm cách né tránh.

          Cả những nhóm cán bộ do trình độ yếu, không tự tin và sợ không lường trước được hậu quả mà không dám làm, lo vướng vòng lao lý. Nhiều quan điểm cho rằng, đây là thực trạng đáng buồn. Cán bộ biết sợ sai là tốt, như vậy sẽ tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nhưng sợ đến mức  không dám làm, hay làm cầm chừng, đùn đẩy việc thì không thể chấp nhận được.

          Cần phải nhắc lại, trong nhiều năm qua Đảng và Nhà nước chủ trương xây dựng một bộ máy chính quyền kiến tạo, được vận hành bởi đội ngũ cán bộ sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nhưng vấn đề ở chỗ, cán bộ phải có cái tâm trong sáng, không mưu toan, không có mục tiêu vụ lợi cá nhân, toàn tâm toàn ý với công vụ song hành với trình độ tốt thì bộ máy mới vận hành hiệu quả. Như Bác Hồ đúc kết, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém.

          Trở lại với tình trạng cán bộ sợ làm, sợ trách nhiệm nêu trên. Có ý kiến cho rằng cần phải xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ có ý chí mạnh mẽ, dám làm, dám sáng tạo. Thực ra, đây là vấn đề không mới, mà đã được nhắc đến trong nhiều giai đoạn phát triển của đất nước, nổi bật là những bài học trong cơ chế “khoán mới” trước kia, mà Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu. Nhưng điều cần bảo vệ, cuối cùng vẫn phải là thành quả mang lại lợi ích cho dân, cho nước, cho cái chung chứ không phải vì danh lợi hay lợi ích cá nhân.

          Còn thực tế, với những cán bộ chỉ lo yên vị, coi công vụ là một thứ nghề, được lợi thì làm, không lợi thì bỏ, thì cần phải thanh lọc, nói như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, là “đứng sang một bên để bộ máy tiếp tục vận hành”. Tiếc rằng, thực tế cũng cho thấy không có nhiều cán bộ “biết” hoặc “dám” đứng sang một bên, vì tham quyền cố vị một phần, vì cơ hội một phần, nhưng một phần cũng vì trình độ nhận thức.

          Mới hay, bên cạnh sự quyết liệt phòng chống tham nhũng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cũng cần sự quyết tâm không kém; có xây, có chống và có loại bỏ.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông