Chuyện thời cuộc : Nhà ở xã hội

10:28 12/04/2022

Theo chương trình kế hoạch, ngày 12-3-2022 kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) HĐND thành phố Hải Phòng khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức. Trong tổng số 21 nội dung quan trọng được kỳ họp lần này thảo luận, có nội dung xây dựng nhà ở xã hội kết hợp với giải quyết nhà ở cho các hộ sinh sống tại chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

(Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, thành phố Hải Phòng trở thành địa phương đi đầu cả nước, trong việc chuyển hóa các khu chung cư cũ, xuống cấp thành các công trình chung cư mới văn minh, hiện đại, được dư luận đánh giá cao.

Cụ thể, thành phố đã phá dỡ 18 chung cư cũ, xây dựng 7 chung cư mới với quy mố lớn hơn, cung cấp 2.654 căn hộ tái định cư cho người dân. Nhiều khu chung cư xứng đáng là biểu tượng đô thị mới như ở phường Đồng Quốc Bình, hay tới đây sẽ là các tòa 36 tầng đang được triển khai tại phường Vạn Mỹ, cùng quận Ngô Quyền.

Theo thống kê, Hải Phòng hiện có 205 chung cư cũ với 8.074 căn hộ, phân bố trên hầu hết các quận.

Nhìn lại thời gian, bản chất các khu chung cư cũ (trước kia được gọi là khu nhà ở tập thể) vốn dĩ là sản phẩm nhà ở xã hội được xây dựng trong thời kỳ kinh tế tập trung, thiết kế cũng như kết cấu công trình phụ thuộc vào nhu cầu của từng thời kỳ tạo lập, nhiều công trình đã có tuổi đời hơn 60 năm.

Nguồn gốc các khu chung cư cũ cũng do nhiều nhà đầu tư, dẫn đến chủ sở hữu khác nhau, có công trình thuộc quản lý nhà nước, nhưng cũng có không ít công trình thuộc sở hữu tập thể, là phúc lợi của các doanh nghiệp nhà nước cũ.

Từ diễn biến lịch sử đó, bên cạnh sự xuống cấp, giảm dần giá trị sử dụng, các khu chung cư cũ cũng có không ít bất cập trong quá trình hình thành và hoạt động.

Chẳng hạn như việc cơi nới thay đổi kết cấu, công trình xây dựng lấn chiếm không gian, việc chuyển nhượng quyền sử dụng qua nhiều đời chủ sở hữu không tuân thủ theo quy định pháp luật…

Chưa kể có những chung cư bị “bỏ rơi” trong quá trình chuyển đổi doanh nghiệp, từ sở hữu nhà nước sang sở hữu tập thể hoặc tư nhân hóa, cùng với việc có nhiều hộ gia đình đã sinh sống nhiều năm trong khuôn viên các chung cư cũng nhưng trong tay không có giấy tờ hợp lệ... Là thách thức không hề nhỏ trong việc xác định và chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người dân liên quan, trong quá trình triển khai tái định cư.

Điều cần lưu ý nữa là, trong bối cảnh thành phố đang thay da đổi thịt hàng ngày, thì đa số người dân ở chung cư cũ có cuộc sống bấp bênh, họ thuộc diện yếu thế trong việc làm và thu nhập.

Từ thực tiễn những công trình chung cư đã thực hiện, không ít người dân đã phải ngậm ngùi tìm chỗ ở mới phù hợp hơn, bởi nguồn tài chính không đủ cho tái định cư trong chung cư mới xây dựng, khi họ không còn nguồn thu nào khác ngoài khoản đền bù nhà cũ, kể cả được hỗ trợ vay vốn ngân hàng cũng rất ít có khả năng trả nợ.

Đây cũng chính là thách thức lớn khiến mục tiêu về nhà ở xã hội chưa đạt kết quả như mong muốn, không riêng đối với Hải Phòng.

Được biết tại kỳ họp HĐND TP lần này, đề án về xây dựng nhà ở xã hội kết hợp với giải quyết nhà ở tại chung cư cũ trên địa bàn thành phố được thảo luận, với mục tiêu bảo đảm cho người dân đang sinh sống tại các chung cư cũ có chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ.

Các số liệu được đưa ra mang tầm vĩ mô, được điều chỉnh dưới góc độ công trình xây dựng, nhưng rõ ràng ngoài yếu tố này, có nhiều vấn đề khác rất cần được quan tâm liên quan đến an sinh của người dân trong diện thụ hưởng.

 Thiết nghĩ, cùng với chính sánh về nhà ở, nhân dịp này thành phố cũng cần nghiên cứu song hành các chính sách liên quan khác, với sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành để hiệu quả đi sát với thực tiễn, thể hiện sâu sắc hơn một chương trình đầy tính nhân văn của thành phố cũng như của Đảng, Nhà nước.

Hoàng Minh

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông