Chuyện thời cuộc: Nợ xấu

08:59 25/04/2022

Lâu nay trong giao dịch ngân hàng, người ta thường nhắc đến khái niệm “nợ xấu”, nhằm chỉ những khoản nợ khó thu hồi, thậm chí là ít có khả năng thu hồi, đây là một hệ lụy không riêng của ngành ngân hàng, mà còn phản ảnh một thực trạng tiêu cực trong nền kinh tế.

(Ảnh minh họa)

Nợ xấu được hiểu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không thể trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng, thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày.

Theo quan điểm của những người trong cuộc, nợ xấu được hình thành từ nhiều nguồn, có thể là do việc đầu tư kinh doanh không hiệu quả; do người vay không cân đối được tài chính như mong muốn hoặc sử dụng tiền vay sai mục đích; do những hành vi tiêu cực nhằm chiếm dụng hay chiếm đoạt vốn vay…

Nhưng trong bài viết này, người viết muốn nhắc đến dạng nợ xấu được hình thành bởi sự ngộ nhận, khi người vay tham gia trào lưu đầu tư bất động sản.

Nhìn lại trong quãng thời gian khoảng 15 năm qua, trên địa bàn Hải Phòng cũng như cả nước có ít nhất 3 làn sóng đầu tư bất động sản, chủ yếu là đất, mà người trong cuộc hay dùng tiếng nóng là “sốt đất”.

Phải thừa nhận, kinh doanh bất động sản đã khiến nhiều người giàu lên nhanh chóng, bao gồm cả người có năng lực trình độ chuyên môn, cho đến những người ít kinh nghiệm nhưng có tham vọng và dám đầu tư. Nhưng đầu tư bất động sản cũng khiến nhiều người tán gia bại sản.

Thoạt đầu, đa số người tham gia đều có vẻ thận trọng, với sự đầu tư trong hạn mức hoặc vượt một chút nguồn vốn tự có. Nhưng từ những thành công ban đầu, lòng tham đã khiến nhiều người vượt qua giới hạn, quá tin tưởng vào năng lực nhận thức của mình, bắt đầu huy động nguồn vốn tái đầu tư hoặc mở rộng đầu tư, kỳ vọng giàu bứt phá.

Do cơ chế mở hiện nay, thủ tục vay vốn ngân hàng cũng như huy động vốn từ các nguồn vay khác không còn là quá khó, người tham gia kinh doanh bất động sản càng đông, nguồn vốn huy động càng lớn.

Vấn đề ở chỗ, cũng nhìn lại những đợt nổ “bong bóng bất động sản”, khi những người năng lực tài chính yếu nằm vào điểm rơi, đã phải vỡ nợ. Thực tế cho thấy nhiều người mang theo số nợ cao gấp hàng chục lần tài sản thực mà họ có, bởi vậy khả năng thu hồi nợ xấu là rất khó.

Hơn nữa, trong quá trình thẩm định, nguồn vốn vay thường được xác lập trên tỷ lệ giá trị bất động sản rất cao, nhưng khi vỡ nợ vào thời điểm bất động sản lao dốc, chủ nợ dù có “siết” được tài sản thế chấp, cũng khó phát mại vì không thể bù đắp vốn gốc, chưa nói đến lãi suất cho vay.

Thực trạng trên diễn ra đã từ rất lâu, nhưng ngày càng có vẻ phổ biến, nhất là trong những năm gần đây, khi thành phố triển khai nhiều công trình, dự án lớn, cùng với sự điều chỉnh quy hoạch phát triển, thị trường bất động sản càng thêm sôi động.

Sau mỗi cuộc đầu tư không thành công, nợ xấu lại hình thành, không chỉ của riêng ngành ngân hàng mà còn kéo theo cả hệ thống tín dụng “đen”, của các mối quan hệ họ hàng, bạn bè, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn xã hội.

Thiết nghĩ, nhu cầu làm giầu là khát vọng bình thường, việc đầu tư kinh doanh tạo giá trị gia tăng cũng là bình thường, các mối quan hệ dân sự liên quan đến tài chính cũng là bình thường, nhưng để vượt quá tầm kiểm soát đã không còn là chuyện bình thường nữa.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông