Chuyện thời cuộc: Nông dân bỏ ruộng

10:14 17/12/2021

Những năm gần đây, tình trạng nông dân bỏ ruộng đã trở thành vấn đề thời sự của Hải Phòng cũng như một số địa phương khác trong cả nước, đến nỗi nội dung này đã xuất hiện như một tiêu điểm chính trong báo cáo hoạt động định kỳ của một số huyện trên địa bàn thành phố.

Ruộng bỏ hoang trên địa bàn Hải Phòng

          Về khu vực ngoại thành, không còn thấy nhiều những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát, mướt xanh lúc thời con gái hay vàng ruộm thời điểm rộ mùa nữa. Thay vào đó, là những cánh đồng hoang, nơi cỏ cây mọc um tùm, chỗ lau sậy vươn cao tầng tầng lớp lớp, khiến nhiều người cảm giác hụt hẫng. Thậm chí cũng không ít người khó tưởng tượng ra rằng, trước kia đó chính là những cánh đồng gieo cấy lúa, là điểm tựa sống cho bao gia đình.

          Ngược dòng thời gian, chỉ cách đây vài chục năm, Việt Nam là một nước nông nghiệp, nhưng luôn vật vã trong tình cảnh thiếu lương thực. Kể từ khi phương thức “khoán mới” được áp dụng trong nông nghiệp, “người cày có ruộng” đã phát huy mạnh mẽ tinh thần làm chủ, lương thực dồi dào, nước ta không những thoát đói mà còn trở thành một trong những cường quốc thế giới về xuất khẩu gạo nói riêng và nông sản nói chung.

          Những tưởng ruộng sẽ gắn bó “ăn đời ở kiếp” với nhà nông, nhưng rồi làn sóng thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước trỗi dậy, công nghiệp - thương mại – dịch vụ - xây dựng phát triển, tràn về nông thôn.

Nhu cầu thu hút lao động phổ thông ngày càng cao, kể từ đây nguồn lao động nông nghiệp chảy dần về các khu cụm công nghiệp, các tụ điểm dịch vụ, các công trình xây dựng… với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần công việc gieo cấy truyền thống.

Tại Hải Phòng, vấn đề thu nhập và việc làm không còn trở lên bức bách, khoảng cách về sinh hoạt giữa đô thị và nông thôn được thu hẹp, xem như đó là điều đáng mừng.

          Nhưng mặt trái của điều đó, như đã nói chính là việc nông dân bỏ ruộng, bởi công việc nhà nông không chỉ vất vả, lam lũ, thu nhập thấp mà còn bấp bênh. Theo tính toán, trong điều kiện hoàn hảo, thì thu nhập bình quân của một nông dân trồng lúa chưa đạt nổi 1 triệu đồng/tháng, sau khi đã trừ các chi phí.

Trong khi đó thu nhập bình quân của một lao động phổ thông, đơn cử ở Khu công nghiệp Tràng Duệ (huyện An Dương) đã là 6 triệu đồng/tháng, công việc cơ bản rất ổn định. Lẽ đương nhiên không ai lại chọn việc vất vả và thu nhập thấp hơn, và việc nông dân bỏ ruộng cũng là điều dễ hiểu.

          Vẫn biết là như thế, nhưng thực trạng trên đang là bước cản rất lớn trong chủ trương phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn, thật khó chấp nhận việc một diện tích khổng lồ ruộng đất màu mỡ khi xưa nay trở thành những cánh đồng, thậm chí là cánh rừng hoang.

Mà đâu có đơn giản thế, vì thành phố vẫn tiếp tục phát triển, nhu cầu sử dụng quỹ đất cho các dự án vẫn rất lớn, nhưng mỗi khi triển khai dự án, việc giải phóng mặt bằng lại gặp khó, đất hoang đấy nhưng “đụng phải” là trở thành “đất vàng”, đem lại không ít hệ lụy.

          Và rồi, tình trạng doanh nghiệp thiếu mặt bằng kinh doanh, công trình dở dang vì không tiếp nhận đủ diện tích, nhiều gia đình vẫn sinh sống chật chội… khi mà ruộng hoang tiếp tục bao la, bạt ngàn thực sự là bài toán đầy mâu thuẫn. Lời giải đang rất cần một cơ chế đủ tầm, nhất quán và đồng bộ.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông