Chuyện thời cuộc: Nông nghiệp, nông thôn

19:24 20/10/2022

Như tin đã đưa, tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 13 đã bàn, thông qua và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó tiếp tục khẳng định “Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Cơ giới hóa góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

          Theo khái niệm chung, công nghiệp hóa nông nghiệp là quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp một cách toàn diện về mọi mặt như thực hiện việc chăn nuôi công nghiệp, hay cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quá trình canh tác, sản xuất theo hình thức canh tác hiện đại, hiệu quả nhờ vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng của nông sản.

          Nhìn lại thời gian, Việt Nam vốn dĩ xuất phát là một quốc gia nông nghiệp, nên ngay từ những thời điểm đất nước còn vô vàn khó khăn thách thức với nhiệm vụ kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

       Chỉ có điều, phương thức quản lý tập trung bao cấp đã không phù hợp và bộc lộ bất cập, đó cũng là một trong những lý do để Đảng ta chủ trương công cuộc đổi mới, mở cửa.

          Đáng kể, từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20, phong trào Hợp tác xã nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, đi đôi với quá trình công nghiệp hóa tư liệu sản xuất, đã để lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu. Mà thế hệ trẻ hiện nay không nhiều người biết rằng cách đây 60 năm trước, nông dân Việt Nam đã quen thuộc với máy kéo, máy cày, máy cấy, máy làm cỏ, máy tuốt lúa, máy xay xát, máy tẽ ngô…

          Tuy nhiên sau giai đoạn đó, trong một thời gian khá dài chúng ta mải mê với nền kinh tế mở, khái niệm “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nông thôn có phần nhạt phai. Thậm chí ở cơ sở, không ít cán bộ địa phương cho rằng công nghiệp hóa là việc “đưa sản xuất công nghiệp về nông thôn”, dẫn đến ở nhiều khu vực xuất hiện những mô hình sản xuất công nghiệp hoạt động tự phát, không những gây khó cho công tác quản lý, thất thu ngân sách, mà còn khiến bộ mặt nông thôn trở thành nham nhở.

          Bên cạnh đó, thời gian qua một phần không nhỏ diện tích đất nông nghiệp, nông thôn đã được đưa vào phục vụ các dự án hạ tang công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng đô thị mới. Đồng thời, một lực lượng không nhỏ nông dân đã chuyển sang thành công nhân, làm việc tại các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, nhưng vẫn sinh sống tại khu vực nông thôn. Sự giao thoa này đã mở ra một yêu cầu mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với bối cảnh hiện tại.

          Trên nền tảng đó, cách đây 15 năm, Trung ương Đảng khóa 10 đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được khởi động và thực sự trở thành phong trào rộng khắp cả nước, đã đem đến một diện mạo hoàn toàn khác cho nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.   

          Từ những bài học kinh nghiệp thực tiễn, việc Trung ương Đảng khóa 13 ban hành Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông thôn và nông dân được xác định là hết sức quan trọng. Nhằm tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông thôn cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

          Nhưng điều quan trọng hơn là Nghị quyết của Đảng phải được nhanh đưa vào cuộc sống với tinh thần trách nhiệm cao, sự năng động, linh hoạt và sáng tạo, như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị”.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông