Chuyện thời cuộc: Thế trận lòng dân

10:46 25/12/2021

Những ngày này, Công an các đơn vị, địa phương trên địa bàn cả nước đồng loạt tổ chức ra quân, thực hiện đợt cao điểm trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT dịp tết Nguyên đán. Đây đã trở thành hoạt động thường niên của lực lượng Công an Nhân dân nhiều năm qua, đồng thời cũng phản ánh tính chất phức tạp trong việc giữ gìn ANTT dịp tết truyền thống.

(Ảnh minh họa)

          Với những gì đã diễn ra theo thời gian, có thể nói dịp tết Nguyên đán truyền thống là thời điểm mọi hoạt động được đẩy lên với cường độ cao, mật độ dày, khối lượng lớn hơn rất nhiều so với mọi thời điểm khác trong năm. Chính vì thế, bên cạnh những yếu tố tích cực mang tính tổng kết và chuyển giao giai đoạn, khởi nguồn cho những điều mới mẻ, tình hình đó cũng khiến cho vấn đề ANTT tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp.

Chẳng hạn trên lĩnh vực trật tự xã hội, dịp cuối năm thường diễn ra nhiều dạng hình sinh hoạt cộng đồng, trong niềm vui chung cũng có không ít những mâu thuẫn phát sinh, việc giải quyết các mối mâu thuẫn thường chuyển hóa thành các vụ việc nổi cộm về ANTT.

Cùng với đó, nhu cầu kiếm tiền, mua sắm của người dân gia tăng, cũng tạo cơ hội cho các đối tượng tội phạm, chưa kể bản thân các đối tượng phạm tội cũng phát sinh tâm lý “nhu cầu” trong dịp này. Đồng thời, dịp này cũng là thời điểm hoạt động mạnh của các tội phạm liên quan đến mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ các loại.

Trên lĩnh vực kinh tế, cuối năm thường là điểm đáo hạn của nhiều hợp đồng và thỏa thuận dân sự khác. Những mâu thuẫn tiềm ẩn mất ANTT thường phát sinh trong quá trình thanh lý hợp đồng, rất dễ dẫn đến những hành vi vi phạm trong việc tranh chấp lợi ích, đòi nợ thuê. Chưa kể, cuối năm cũng là thời gian thị trường hoạt động với tần suất rất cao, tiềm ẩn các nguy cơ về sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng kém chất lượng và buôn lậu.

          Trên lĩnh vực giao thông, như đã nói ở trên, mọi hoạt động xã hội đều được đẩy lên với cường độ cao, đồng nghĩa với đó là mật độ người và phương tiện tham gia giao thông cũng tăng theo. Một phần là nhu cầu di chuyển của người dân về quê ăn tết, một phần là nhu cầu lưu thông hàng hóa, vừa tăng lưu lượng, vừa dễ tạo cơ hội cho các hoạt động như “xe dù, bến cóc”. Nhưng tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất trật tự an toàn về giao thông phổ biến nhất, có lẽ chính là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng đồ uống có cồn.

Nói như vậy, nghĩa là những vấn đề về ANTT dịp tết Nguyên đán truyền thống có thể phát sinh trên mọi lĩnh vực và bất cứ lúc nào, đòi hỏi yêu cầu đảm bảo ANTT là hết sức quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy, để giảm thiểu các nguy cơ về ANTT cũng như phát huy hiệu quả trong trấn áp tội phạm, lực lượng CAND với vai trò nòng cốt luôn dựa vào sức mạnh toàn dân, tiêu biểu là thông qua phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc”.

Đây cùng là vấn đề mà trong Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh,  “Sự nghiệp đảm bảo ANTT là của toàn dân, trong đó lực lượng CAND là nòng cốt”. Cho thấy, trong dịp tết Nguyên đán nói riêng và các thời điểm khác nói chung, vai trò của người dân là hết sức quan trọng, việc phát huy nhận thức về ANTT trong mỗi người dân không chỉ đảm bảo an toàn cho chính mình, mà còn góp phần đảm bảo anh ninh, an toàn cho cộng đồng xã hội.

Tin tưởng rằng, trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 năm nay, lực lượng Công an thành phố HẢi Phòng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, dựa vào thế trận lòng dân, giữ gìn cho một cái tết thực sự an toàn, thực sự hứng khởi, để “dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ Công an nhiều hơn”.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông