Chuyện thời cuộc: Thùng mỳ nghĩa tình

20:29 03/01/2022

Ngày cuối năm, thời tiết lạnh hơn kể từ khi mùa đông năm nay đến, giữa những lo âu về tình hình dịch bệnh, gương mặt người qua lại đường phố cũng tất bật hơn, có lẽ vì phần việc dở dang của năm cũ.

(Ảnh minh họa)

Tôi dừng chân ở một cửa hàng ven đường, chợt thấy một bà cụ khuyết tật trạc 70 tuổi đu chiếc xe lăn lại gần thỏ thẻ: “Chú mua hộ chị gói tăm?”. Tôi mở ví, nhưng mà chẳng còn đồng tiền lẻ nào, mới gọi với vào phía trong nhờ vả ông chủ quán. Hiểu ý tôi, ông chủ hàng đưa ra 10 nghìn, tôi vừa dúi vào tay bà cụ rồi nhận lại gói tăm, vừa cười mãn nguyện vì xem như đã làm được một việc tốt.

Bà cụ cảm ơn rồi định đẩy xe đi tiếp, bất ngờ phía ngoài có một chiếc xe máy lao vù qua, rồi cũng bất ngờ phanh xẹt ngay trước xe lăn của bà cụ. Cô gái bê thùng mỳ ăn liền trên võng xe tiến đến trước mặt bà cụ: “Bác ơi, cháu vừa đi mua mỳ về, tiện đây biếu bác mang về ăn sáng”.

Bà cụ nhìn lên, rồi lại nhìn thùng mỳ loại đắt tiền, vẻ mặt ngơ ngác: “Cô cho tôi à?”. “Vâng, cháu đi mua về ăn ở nhà cho tiện, may gặp bác chia sẻ với bác thôi, lát nữa cháu mua thùng khác”. Bà cụ cảm động, run run đỡ lấy thùng mỳ, nhưng chiếc xe lăn chật quá không biết để chỗ nào. Cô gái bèn xăm xắn gọi ông chủ quán xin chiếc túi cho thùng mỳ vào trong, rồi cẩn thận treo vào hai tay đẩy phía sau xe của bà cụ.

Xong rồi cũng như lúc đến, cô gái nói một câu “Cháu đi đây!”, rồi nhảy lên xe phóng hút vào dòng người trên phố. Bà cụ khuyết tật nhìn theo tần ngần: “Cô ấy tốt quá, giờ nhiều người tốt quá…!”. Còn tôi cũng đứng ngẩn người, đúng là dáng vẻ ngang tàng, ăn mặc ngang tàng, thái độ cũng ngang tàng mà tấm lòng chẳng ngang chút nào.

Quả thật, trải qua hai năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đem đến những hệ lụy khôn lường cho toàn xã hội. Nhiều người, nhiều gia đình đã lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhất là những người yếu thế mà bà cụ kể trên chỉ là một vị dụ. Nhưng đúng như người xưa nói “trong tối có sáng”, Hải Phòng cũng như cả nước đã ngời lên những tấm lòng nhân hậu, “lá lành đùm lá rách”, chan chứa tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Dù chỉ là những cử chỉ giản dị, hoặc là những món quà giá trị không lớn, nhưng tinh thần ấy đã hun đúc cho người ta niềm tin đáng sống, chan hòa trong sự đùm bọc sẻ chia. Mà trong hoàn cảnh mới, không chỉ khó khăn về dịch bệnh, nhiều giá trị truyền thống khác đang bị tổn hại, tinh thần ấy càng cần đề cao giá trị, kết tụ thành sức mạnh nội sinh, đó chính là nền tảng văn hóa để chúng ta lo những điều to tát hơn.

Tôi chợt nghĩ, mọi người chắc sẽ cùng mang theo những ký ức tươi đẹp ấy, trong hành trang bước vào năm mới 2022 với niềm tin và khát vọng.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông