Chuyện thời cuộc: Tiền mất, tật mang

21:08 15/09/2022

Những ngày vừa qua, vụ việc được cho là “vỡ họ” hàng trăm tỷ đồng tại xã Ngũ Phúc (Kiến Thụy) đã vượt ra ngoài không gian một vùng quê yên tĩnh, trở thành đề tài thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

Vụ việc qua mô tả như sau, mấy ngày qua có rất đông người dân tập trung vây nhà bà Nguyễn Thị T. (SN 1972, trú thôn Xuân Chiếng, xã Ngũ Phúc). Qua xác minh ban đầu được biết, bà Nguyễn Thị T. là người hành nghề “chủ họ” lâu năm, thời gian gần đây, bà T. đã nhận tiền “đóng họ” của nhiều người, chủ yếu là người dân xã Ngũ Phúc và người dân một số địa phương lân cận.

          Tuy nhiên ngày 8-9, người dân biết tin bà T. đã rời khỏi địa phương, đến nay không rõ ở đâu, mọi thông tin liên lạc với bà T. đều không có kết quả. Trước sự việc này, hàng trăm người dân kéo đến tập trung, vây nhà bà T. để đòi nợ. Bước đầu qua thông tin dư luận thì số tiền người dân tham gia “họ” do bà T. làm chủ lên tới hơn 200 tỷ đồng.

          Nhìn lại thời gian, câu chuyện “vỡ họ” không phải lạ lẫm đối với người dân Hải Phòng cũng như cả nước. Tại địa bàn Hải Phòng, những năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ “vỡ họ” với số cực lớn, đáng kể như vụ việc ở xã An Thắng (An Lão) hay vụ việc ở phường Anh Dũng (Dương Kinh) vào năm 2019, và giờ đây là ở xã Ngũ Phúc. Trong chốc lát, nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh tán gia, bại sản, những địa bàn xảy ra vụ việc cũng liên đới khi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT.

          “Chơi họ” hay “chơi hụi”, là cách gọi tùy theo từng địa phương, bản chất là một hình thức huy động vốn vay đã xuất hiện từ rất lâu. Về mặt tích cực, phương thức này giúp cho những thành viên trong một “bát họ” luân phiên nhau có được khoản tiền lớn, để dễ dàng thực hiện các mục đích kinh tế hoặc mua sắm đồ dùng, sửa chữa nhà cửa. Nói cách khác đó là mô hình phát triển được thực hiện trên nền tảng quy tụ thế mạnh liên kết cộng đồng.

          Tuy nhiên, phương thức “chơi họ” cũng làm phát sinh không ít hệ lụy, khi thành viên hoặc “chủ họ” vì lý do nào đó không có khả năng thanh toán vốn, hoặc nảy sinh lòng tham mà chiếm dụng, đã “ôm họ” bỏ trốn. Sự việc sẽ càng phức tạp khi hình thức họ biến tướng thành dạng “tín dụng đen”, nghĩa là huy động vốn cho vay lại với lãi cao, từ đó tạo ra phản ứng dây chuyền trong cộng đồng.

        Dẫn đến việc góp họ không đơn thuần là vì mục đích nhận hỗ trợ theo tập quán, mà là dạng cho vay nặng lãi từ lòng tham mong có lợi nhuận nhanh. Thực tế không ít thành viên đã đứng ra huy động tiền của gia đình, người thân, thậm chí là vay lãi suất thấp từ ngân hàng để tham gia “họ”. Để rồi khi “vỡ họ”, số tiền mỗi vụ việc đều rất lớn, mà các vụ việc nêu trên có thể chỉ là ví dụ.

          Những năm qua Nhà nước ta hết sức coi trọng các chương trình phát triển kinh tế trong Nhân dân, cũng như thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Việc người dân cần nguồn vốn không còn quá khó khi cả các ngân hàng thương mại đến ngân hàng chính sách xã hội đều có thể đáp ứng. Bên cạnh đó còn nhiều quỹ phát triển cộng đồng khác mà mọi người dân dù ở hoàn cảnh nào cũng dễ dàng tiếp cận. Vì vậy, hình thức “chơi họ” thuần túy có lẽ không còn nhiều lợi thế.

          Hy vọng rằng, người dân cần hiểu rõ điều này, cân nhắc kỹ lưỡng khi tham gia các hình thức góp vốn dễ phát sinh rủi ro, thậm chí là đồng lõa phạm tội, để khi vụ việc vỡ lở không những tiền cũng mất mà tật phải mang.

          Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông