Chuyện thời cuộc: Trở lại chuyện Tiếng Việt

16:07 13/09/2018

Trở lại với những câu chuyện xoay quanh tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục, vốn dĩ gây ra nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua.

(ảnh minh họa)

Trong khuôn khổ làm việc của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 12-9 vừa qua, vấn đều nêu trên đã được nhiều đại biểu đề cập. Tại buổi làm việc này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, hiện Chính phủ chưa có chủ trương cải cách Tiếng Việt, ít nhất là trong giai đoạn một số năm tới đây.

Như vậy, quan điểm của Chính phủ đã rất rõ ràng, tuy nhiên trên các trang mạng xã hội, nhiều người vẫn tiếp tục chia sẻ, bình luận theo chiều hướng tiêu cực, quy kết trách nhiệm theo cảm tính thiếu căn cứ.

Trong đó, nhiều trang mạng có xuất xứ nước ngoài thậm chí xuyên tạc, cố tình bịa ra thông tin giả mạo gắn với mưu đồ chính trị, được người trong nước chia sẻ, mặc dù không được kiểm chứng. Điều dễ nhận thấy là trong số những người tỏ ra phản đối mạnh mẽ, có rất nhiều người chỉ nhìn qua cách thể hiện đã thấy họ không hiểu, hoặc cố tình không hiểu bản chất của vấn đề.

Chẳng hạn nhiều bậc phụ huynh vẫn ngỡ rằng, đây là cách dạy mới được áp dụng đại trà từ năm học 2018-2019 này? Nhưng khi hỏi ra, thì chính những trẻ nhỏ con họ đã học từ cách đây nhiều năm, cho thấy không ít người rất bàng quan với việc học của con cái mình, nhưng lại tỏ ra rất “sốt sắng” trước “vận mệnh giáo dục” của dân tộc.

Câu chuyện đang bị đẩy đi quá xa, xuất hiện nhiều yếu tố cho thấy sự dàn dựng và kích động có dụng ý xấu, nhằm bôi nhọ hoặc chống lại chủ trương của Đảng và nhà nước, bất kể là chủ trường gì.

Cần phải nhắc lại rằng, tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục không phải là vấn đề mới, đã được nghiên cứu cách đây mấy chục năm, được đưa vào thực nghiệm từ năm học 2006-2007 ở Lào Cai, sau đó được mở rộng tới 49 tỉnh, thành phố trong nước, đến này đã có khoảng 800 nghìn học sinh học qua chương trình này.

Vì vậy trong hơn 10 năm qua, hệ thống giáo dục tồn tại hai loại tài liệu lớp 1, một là sách giáo khoa đại trà áp dụng từ năm 2000 và một là tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. Thiết nghĩ đây chính là vấn đề mà ngành giáo dục phải điều chỉnh rút kinh nghiệm, như ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi “thực nghiệm gì mà mấy chục năm như vậy”?.

Trong bối cảnh nêu trên, dư luận đang rất cần những tuyên bố chính thức và chính thống từ các cơ quan quản lý nhà nước, làm rõ những nội dung liên quan, thay vì chỉ chỉ là hai thế lực “đối đầu” giữa một bên là phản đối, một bên là bênh vực trên mạng xã hội thời gian qua.

Quan trọng hơn, nếu mọi chuyện kết thúc mãn nguyện, mọi suy diễn sẽ bị triệt thoái, những kẻ cơ hội cũng như thế lực thù địch cũng không còn đất diễn để kích động.

                                                                             Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông