Chuyện thời cuộc: Chọn lớp – cho con hay cho bố mẹ!?

16:29 03/07/2018

Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII (1996) đã nêu rõ: Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học, không tổ chức trường chuyên ở cấp tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao.

Tuy vậy, trên thực tế, tại các trường vẫn tồn tại những "lớp chọn" dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau như “lớp chọn, lớp đầu khối”… Song đều là lớp tập hợp các học sinh khá, giỏi và được các giáo viên uy tín giảng dạy.

Nhiều phụ huynh vì mong muốn con được hưởng môi trường giáo dục “nhỉnh hơn” đã tìm mọi cách vận dụng các mối quan hệ để xin xỏ, thậm chí chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để con mình được đứng trong hàng ngũ “tinh túy” đó.

Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là phụ huynh thường chỉ quan tâm đến việc con được học lớp chọn có sự cạnh tranh liên tục, được học các thầy cô có chuyên môn giỏi nhất trường mà không màng tới năng lực thực sự và việc con mình có thích học với lớp chọn hay không.

Với những cháu học sinh đã quá trình học tập còn có thể khảo nghiệm qua kết quả học lực. Còn với những cháu vừa hoàn thành chương trình mầm non bước vào lớp 1, đang từ môi trường học ít chơi nhiều thì có cơ sở nào để đánh giá khá và giỏi về học lực để bố mẹ “đẩy” con vào “lò luyện”?!

Vì vậy đã xảy ra nhiều trường hợp, có cháu học sinh lớp 1 được bố mẹ “chấm” vào lớp chọn trong khi khả năng học tập của cháu là thấp. Lâu dần sức ép bài vở hàng ngày khiến cháu sợ việc học tập. Mỗi lần đưa cháu đến lớp là cả một cực hình với phụ huynh và cô giáo khi cháu phản ứng bằng cách ăn vạ, khóc lóc không chịu vào lớp hay trong giờ học nhất quyết không làm bài tập. Nhiều cháu học bậc THCS và THPT, học lớp chọn với cường độ căng thẳng, môi trường cạnh tranh cao cảm thấy mình "quá đuối" so với bạn bè, thường xuyên bị thầy cô nhắc nhở lâu dần bị ức chế về tâm lý và chỉ có mong ước làm sao được chuyển xuống lớp thường học cho vừa sức càng sớm càng tốt...

Bấy lâu trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta vẫn thấy những học sinh nghèo ở những vùng quê, vùng ngoại thành đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Điều đó chứng minh một chân lý đơn giản là các thầy cô ở những trường bình thường nhưng tâm huyết với học sinh, với nghề cũng vẫn có thể đào tạo nên những trò giỏi. Và để đạt được thành tích học tập toàn diện của mỗi học sinh, thì ngoài việc học ở trường lớp còn luôn cần sự quan tâm sát sao từ phía mỗi gia đình chứ không chỉ phó mặc tất cả cho nhà trường.

Vậy nên đã đến lúc các bậc phụ huynh cần thay đổi suy nghĩ bằng mọi giá “phải chạy, phải xin” cho con vào lớp chọn. Hãy để trẻ phát triển đúng với năng lực của mình, để mỗi ngày các cháu đến trường với tâm lý thoải mái, hứng khởi. Đừng áp đặt suy nghĩ chủ quan khiến cho việc chọn lớp cho con trở thành chọn lớp cho chính cha mẹ!

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông