Chuyện thời cuộc: Chủ hay nô?!

09:39 18/07/2018

Năm 1876 được coi là cột mốc đánh dấu sự ra đời của điện thoại. Và cha đẻ của chiếc điện thoại đầu tiên - Alexander Graham Bell chắc hẳn cũng chẳng thể ngờ “đứa con” của ông giờ đã có những thay đổi và tác động mạnh mẽ thế nào đối với xã hội loài người.

Giờ đây, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một động tác lướt - chạm, thông qua các ứng dụng, tiện ích của các trang mạng xã hội, con người có thể trao đổi thông tin và trò chuyện không giới hạn thời gian, không gian.

Vì thế ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào, nhà hàng, quán giải khát, nhà ga, trên các chuyến xe khách, trong trường học, thậm chí trong các bữa cơm gia đình, ta có thể dễ dàng bắt gặp những con người thay vì quan sát, giao tiếp với nhau lại đắm mình vào thế giới ảo do chiếc smartphone đem lại.

Giờ đây, có smartphone trong tay, không ít cuộc họp quan trọng, chỉ một thời gian ngắn lúc đầu là tập trung, sau đó là thời gian đại biểu mạnh ai nấy “lướt”… Mặc chủ tọa muốn diễn giải ra sao, mình cứ tha hồ độc thoại.

Nhiều nhóm bạn gặp gỡ nhau tại hàng quán, không khó để thấy cảnh, thỉnh thoảng các cuộc giao tiếp trực tiếp lại bị ngắt quãng bởi những màn độc thoại với smartphone chen ngang. Thậm chí chỉ vài chục giây chờ đèn đỏ tại nút giao thông, cũng không hiếm người không chịu được phải tranh thủ rút điện thoại ra... “lướt” một tí!

Các chuyên gia đã cảnh báo, quá phụ thuộc vào thiết bị thông minh dễ dẫn đến "nghiện". Về lâu dài có thể sinh ra các bệnh lý về tinh thần, trầm cảm, sống ảo, xa rời thực tế; thiếu quan tâm đến mọi người xung quanh, xu hướng thiếu thực tế khi nhìn nhận về bản thân và mọi người. Thậm chí nhiều người cho biết cảm thấy mất phương hướng, bồn chồn, lo lắng, cáu gắt khi không có thiết bị thông minh bên cạnh.

Xã hội luôn vận động và phát triển, điều đó đồng nghĩa với việc sản sinh ra nhiều trang thiết bị, công nghệ hiện đại, đáp ứng những nhu cầu tiện ích cho con người.

Không thể phủ nhận tiện ích của thiết bị công nghệ với đời sống con người. Nhưng thật trớ trêu con người tưởng như phát minh ra công nghệ để làm chủ máy móc, biến nó thành công cụ phục vụ cho cuộc sống tiện ích của mình thì có vẻ giờ đây tình thế này đang có xu hướng bị đảo ngược. Một khi không biết giới hạn mà lạm dụng thái quá sẽ vô tình trở thành lệ thuộc. Lúc đó vị trí “chủ” không biết còn dành cho người hay dành cho máy móc!

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông