Chuyện thời cuộc: Thấu đáo

09:34 14/05/2019

Mùa nắng nóng mới bắt đầu, song nhiều hộ dân, doanh nghiệp còn thấy gay gắt hơn khi hoá đơn tiền điện tháng đầu tiên khi áp dụng giá mới tăng từ 1,5 đến 3 lần.

Tập đoàn điện lực Việt Nam cần tính toán thấu đáo khi điều chỉnh giá điện

Đơn cử chỉ tính riêng thành phố Hồ Chí Minh, tổng đài chăm sóc khách hàng của Công ty điện lực thành phố đã nhận được gần 3.000 lượt khách hàng gọi đến yêu cầu tra cứu thông tin về giá điện, tra cứu chỉ số và đối soát hoá đơn tiêu thụ. Đến nay cũng có 714 khách hàng thắc mắc về chỉ số tiêu thụ và hoá đơn tiền điện tháng 4 tăng cao hơn gấp 1,5 lần so với tháng trước.

Chưa hết, liên tiếp tại các cuộc tiếp xúc cử tri tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, cử tri đều có ý kiến về việc tăng giá điện làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân. Không ít nhà quản lý, chuyên gia kinh tế nhận định: Tăng giá điện vào thời điểm hiện tại là chưa hợp lý!

Được biết, trước đó giá xăng dầu, giá gas, sách giáo khoa và giá một số dịch vụ y tế cũng đã tăng liên tiếp trong những tháng đầu năm. Và việc tăng giá điện vào đúng tháng nắng nóng đã tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, người dân. Chưa kể đến, Tập đoàn điện lực Việt Nam lại đưa ra những lý do của việc tăng giá điện chưa thuyết phục và có những thông tin về việc chưa minh bạch trong tài chính?!

Trước phản ánh của người dân, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Sẽ thành lập Đoàn kiểm tra giá điện và xem xét điều chỉnh biểu giá điện luỹ tiến cho phù hợp với tiêu dùng của người dân.

Tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Thanh tra Chính phủ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua. Các cơ quan này cũng có trách nhiệm làm rõ đúng-sai của việc tăng giá điện và báo cáo Thủ tướng trong tháng 6 tới.

Có thể thấy, việc tăng giá điện không nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp, người dân là do lâu nay Tập đoàn điện lực Việt Nam chưa minh bạch, công khai về giá thành sản xuất, chuyển tải và phân phối điện. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế thì người tiêu dùng sẽ tâm phục, khẩu phục khi ngành điện đưa ra những căn cứ hợp  lý và quan tâm hơn đến lợi ích của người dân. Giá điện chỉ có thể điều chỉnh khi giá vật tư đầu vào tăng chứ không thể bù lỗ cho những hoạt động quản lý yếu kém của ngành!

Âu đây cũng là bài học về sự thấu đáo trong những quyết định liên quan đến những sản phẩm, mặt hàng thiết yếu tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống nhân dân. 

 Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông