Chuyện về những người thầy cầm phấn sau song sắt: Khi trang giáo án là tấm lòng nhân ái

21:00 20/11/2024

“Người quản giáo, một người thầy bản lĩnh/ Tóc bạc dần dù không bụi phấn bay/ Trang giáo án là tấm lòng nhân ái/ Trò học xong không quay lại nơi này”. Trong không khí sôi nổi, ấm áp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, những vần thơ ấy gieo lên như một nốt trầm lắng đọng gửi gắm bao lời tri ân tới những người tuy không phải là quản giáo, không mang trên mình sắc phục màu xanh nhưng với trách nhiệm và lòng nhân ái, họ vẫn miệt mài cầm phấn giảng dạy sau song sắt tại Trại giam Xuân Nguyên, Thuỷ Nguyên, trở thành người lái đò đưa các “học trò” từng lầm đường, lạc bước, trở về với nẻo thiện.

Vượt lên những khó khăn trong giảng, dạy

Trại giam Xuân Nguyên hiện là nơi chấp hành án của hàng nghìn phạm nhân ở nhiều độ tuổi, thành phần, mức án khác nhau. Những năm qua, công tác quản lý giam giữ, giáo dục, dạy nghề cho người đang thi hành án phạt tù luôn được quan tâm đặc biệt. Hiện, trại đang liên kết với Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng mở các khoá học, cấp chứng chỉ cho phạm nhân, chia làm 7 lớp đào tạo trình độ sơ cấp về điện dân dụng và kỹ thuật xây dựng.

Bắt đầu được phân công giảng dạy tại phân trại từ năm 2019, sau 5 năm gắn bó, thầy Nguyễn Văn Tiến, giáo viên khoa Điện kỹ thuật của nhà trường vẫn dành nhiều cảm xúc mỗi khi nhớ về tiết dạy đầu tiên sau cánh cổng trại giam. Dù đã từng có kinh nghiệm đứng lớp tại Cơ sở cai nghiện ma tuý Gia Minh, nhưng là một thầy giáo trẻ lại lần đầu tiếp xúc với các phạm nhân đa phần lớn tuổi hơn, với nhiều nét mặt và mảng tâm lý, thái độ học tập khác nhau khiến thầy Tiến không khỏi bỡ ngỡ, lo lắng. Theo thầy, đào tạo nghề cho đối tượng là phạm nhân không quá vất vả, bởi mỗi giáo viên đều phải chuẩn bị tốt bài giảng sao cho phù hợp với nhiều trình độ để học viên dễ tiếp thu.

Tuy nhiên, phần thực hành lại thường gặp phải một số khó khăn nhất định, đòi hỏi giáo viên phải phối hợp chặt chẽ với các quản giáo trong việc quản lý, kiểm đếm dụng cụ thực hành. Do đặc thù học nghề điện nên học viên thường xuyên tiếp xúc với tua vít, kìm, dây thép... nếu không sát sao, cẩn thận trong quá trình hướng dẫn sẽ dễ gây nguy hiểm hoặc nảy sinh những vấn đề phức tạp, thậm chí người giảng khi dạy về máy biến áp còn phải đếm từng lá thép trong lõi làm sao bảo đảm đủ số lượng học cụ sau mỗi buổi học.

Các phạm nhân trong một tiết học kỹ thuật điện. Ảnh minh hoạ

Các phạm nhân trong một tiết học kỹ thuật điện. Ảnh minh hoạ

 

Cô Nguyễn Thị Hồng Ngân, hiện là Trưởng khoa Điện kỹ thuật, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng, cũng từng có quãng thời gian dài gắn bó với công việc giảng dạy tại Trại giam Xuân Nguyên, chia sẻ: “Đào tạo nghề cho các phạm nhân không đơn thuần chỉ là việc đến truyền đạt kiến thức. Cũng có những trường hợp học viên tỏ ra không hứng thú với việc học nghề. Bởi vậy, trước hết chúng tôi phải làm công tác tư tưởng, giúp phạm nhân có quan niệm đúng đắn hơn về lao động và quý trọng những giá trị mà lao động đem lại, từ đó giúp họ dần thay đổi và có thái độ tích cực hơn trong học tập.

Tuy nhiên, do đặc thù của nghề điện nên các lớp có 100% phạm nhân là nam tham gia học, điều này ít nhiều đặt ra áp lực và một số hạn chế cho các giáo viên nữ. Nhất là trong các tiết thực hành, cầm tay chỉ việc với nhiều dụng cụ sắc, nhọn cũng như tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhóm tính cách mạnh mẽ, giáo viên nữ ngoài một tinh thần vững vàng còn phải tự trang bị các kỹ năng xử lý nhất định. Nếu thấy học viên có biểu hiện bất thường, cần kịp thời báo cho quản giáo để giải quyết”. Nhưng cũng theo cô Ngân, trong nhiều năm giảng dạy tại đây, các phạm nhân phần lớn chấp hành tốt nội quy, quy định của phân trại, cùng với đó là sự đồng hành, hỗ trợ tăng cường từ phía cán bộ quản giáo nên các buổi học đều được bảo đảm diễn ra an toàn, thông suốt và hiệu quả.

Khi trang giáo án là tấm lòng nhân ái

Phía sau song sắt, bên trong tấm áo đặc thù kia, mỗi phạm nhân đem theo một tính cách, một mảnh đời, một câu chuyện về những lầm lỡ trong quá khứ. Có trường hợp phạm tội do vô tình, hoặc vì một phút nông nổi, bồng bột, song cũng không ít đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự hằn sâu trên mình những vết sẹo tội ác nghiêm trọng… tất cả được tập trung trong lớp học nghề, có người sợ hãi, tự ti, cũng có kẻ bất cần, buông xuôi với cuộc đời.

Thầy Nguyễn Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng cho biết, hành trình 7 năm gắn bó, giảng dạy tại các phân trại thực sự đem lại cho thầy nhiều cung bậc cảm xúc. Thầy Thành từng dạy những học viên đã thi hành án tới 15-20 năm, cảm nhận được khát khao mãnh liệt được học lấy một cái nghề để mong mỏi ngày trở về hoàn lương tự nuôi sống bản thân khi đó đã về già. Điều này đã thôi thúc thầy đến với lớp học đặc biệt, không chỉ dùng phấn trắng, bảng đen để truyền đạt kiến thức mà còn bằng những trang giáo án dệt lên từ tấm lòng nhân ái, thấu hiểu cho lầm lỡ của học trò để nỗ lực tìm ra phương pháp cảm hoá, giáo dục phạm nhân nhận ra lỗi lầm, bớt đi mặc cảm, định hướng cho họ hiểu về giá trị sâu sắc của lao động cũng như thắp lên hy vọng về cuộc sống hoàn lương, được cộng đồng và xã hội chấp nhận.

Thầy Thành vui vẻ chia sẻ câu chuyện, một lần thầy được một người đàn ông chào một tiếng: “Thầy! Thầy có nhớ em không?”. Tuy không thể nhận ra nhưng người đàn ông ấy rất hồ hởi giới thiệu từng học lớp điện công nghiệp của thầy khi còn thi hành án trong trại, giờ đây đã tái hoà nhập cộng đồng và không quên “khoe” hiện đã làm thợ điện dân dụng cùng với một đội thợ chuyên nghiệp tay nghề cao, có công việc đều đặn, tự nuôi sống được bản thân và chờ đợi một cơ hội lập gia đình. Thầy Thành không khỏi xúc động bởi “mầm” thiện thầy đã gieo trong người học trò từng lầm lỡ ngày ấy nay đã cho ra trái thơm quả ngọt.

Tập thể giáo viên Trường trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng trong Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025

Tập thể giáo viên Trường trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng trong Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025

 

Đối với các thầy cô ở Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Hải Phòng đang giảng dạy tại Trại giam Xuân Nguyên, động lực lớn nhất để phấn đấu và gắn bó với nơi đây chính là niềm tin và hy vọng sau này khi mãn hạn tù, những phạm nhân trong trại sẽ có một công việc ổn định, có thể kiếm được những đồng tiền chính đáng từ mồ hôi, công sức của mình, trở thành người có ích cho xã hội.

Trại giam chính là trường học hoàn lương cho những người lầm lỗi. Tin tưởng rằng, những ngày ở trại được học, được sống trong tình cảm bao dung, nhân ái của những người thầy sẽ giúp họ tự tin sau khi được cởi bỏ chiếc áo tù sẽ hoà nhập với cộng đồng, xã hội. Nhân ngày 20/11, xin gửi lời chúc thân thương nhất đến các nhà giáo nói chung, đến những người thầy trực tiếp giảng dạy tại các trại giam nói riêng lời chức sức khỏe, hạnh phúc, luôn giữ vững lửa nghề, xứng đáng là những người soi đường, chỉ lối cho những mảnh đời lầm lỡ tìm về với nẻo thiện.

Kim Anh

 

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông