Chuyện về những sĩ quan tham mưu

00:39 16/04/2016

 

...
...

Trong tác nghiệp, phóng viên chúng tôi thường gặp gỡ các cán bộ, nhân viên văn phòng của các đơn vị, cơ quan; trong lực lượng công an, đó là những sĩ quan tham mưu. Bởi họ là đầu mối các thông tin về hoạt động trong mọi lĩnh vực của một đơn vị. Nói văn vẻ, họ là “bộ óc thứ 2”, là “cánh tay nối dài” của lãnh đạo, chỉ huy. Rộng hơn, họ chính là quân sư, là người nghiên cứu, phát kiến, đề xuất các vấn đề, chuẩn bị mọi mặt để thủ trưởng đưa ra các quyết định, mệnh lệnh. Chả thế mà sĩ quan tham mưu dù khá trẻ vẫn có thể truyền đạt ý kiến chỉ đạo của các đồng chí trong Ban Giám đốc CATP chỉ huy điều hành lực lượng tác chiến trong từng vụ việc cụ thể…

Tâm sự với chúng tôi, trung tá Nguyễn Khánh Toàn - Phó trưởng phòng Tham mưu CATP cười hiền: Công việc của sĩ quan tham mưu giai đoạn lịch sử cách mạng nào của Công an Hải Phòng cũng đều vất vả, tất bật. Từ những năm tháng gian khổ, ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, qua thời kỳ bao cấp nghèo khó, đến giai đoạn đổi mới hiện nay, công việc vừa phải chỉn chu, trầm tĩnh, lại âm thầm, nhiều lúc khá căng thẳng.

Theo văn bản mới nhất của Tổng Cục chính trị Bộ Công an thì công tác tham mưu CAND có 15 nhóm chức năng, nhiệm vụ như: tổ chức công tác thông tin; nghiên cứu tổng hợp, phân tích, xử lý thông tin, dự báo và báo cáo tình hình; chuẩn bị cho lãnh đạo ra quyết định; hướng dẫn tổ chức triển khai, đôn đốc kiểm tra thực hiện các chủ trương, mệnh lệnh công tác; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm các mặt công tác công an…

Đội nào cũng có vất vả riêng theo tính chất công việc. Tôi có anh bạn ở Đội nghiên cứu chuyên đề an ninh, trước công tác ở đơn vị cơ sở vẫn thăm hỏi, có lúc rủ nhau đi đây đi đó vào ngày nghỉ. Nhưng từ khi Phòng Tham mưu chọn anh lên thì thời gian thư giãn thưa dần rồi mất hẳn. Nghe anh kể, công việc bù đầu cả ngày, lắm buổi chiều muộn vừa định về thì lại có điện khẩn, công văn hỏa tốc chỉ đạo cần phải xử lý ngay, phục vụ công tác chỉ huy, lãnh đạo của cấp trên; thế là “cày” đến 9-10 giờ tối, thậm chí có khi đến 12 giờ đêm.

Trung tá Khánh Toàn xác nhận: Tất cả CBCS ở các đội tham mưu tổng hợp của các phòng nghiệp vụ công an các quận, huyện cũng như các đội công tác của Phòng tham mưu CATP như tổng hợp, các đội nghiệp vụ chuyên đề cảnh sát… đều thế cả. Cứ “mảng” công việc của anh nào thì anh ấy chịu trách nhiệm. Lắm anh hết giờ hành chính đi chơi thể thao, thậm chí đang vui vẻ với bạn bè, khi có việc bị “gọi giật” về để xử lý công việc thì như một cái nếp đã được rèn luyện, anh em đều tự giác gác những việc riêng, lẳng lặng trở lại cơ quan bắt tay vào công việc với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm.

Vào ca trực 24/24h ở Trung tâm thông tin chỉ huy hay trực ở Đội Cơ yếu thì phải thường trực ở đó suốt. Có điện khẩn, điện mật khẩn trương giải quyết thì dù đêm hôm hay mưa gió bão bùng, dù thủ trưởng đang ở đâu cũng phải nhanh chóng đến giao tận tay để kịp xử lý. Còn trực ban Giám đốc, một ca trực có thể xử lý cả “núi” thông tin phòng chống tội phạm từ nhiều nguồn, ai cũng phải có trách nhiệm cao, kịp thời tiếp nhận và tham mưu cho Giám đốc xử lý thông tin, nhiều vụ việc mang tính chiến đấu ngay và luôn.

...
...

Còn nhớ vào đêm 1, rạng ngày 2-1-2012, nhận tin thượng sỹ Đỗ Đăng Long bị bọn côn đồ nổ súng sát hại khi đang làm nhiệm vụ, sĩ quan trực ban chính là người xử lý từng thông tin về đối tượng gây án, về biển số xe thủ phạm đang đi, kết nối chỉ đạo của Giám đốc CATP với các lực lượng nghiệp vụ, CAH Thủy Nguyên đã mau chóng phá án, bắt hung thủ cùng toàn bộ tang vật ngay trong đêm. Hay vụ cháy ở xưởng da giày tại huyện An Lão làm 13 người chết thảm; trực ban nhận được thông tin vợ chồng chủ xưởng đang trên đường bỏ trốn ra biên giới phía Bắc đã kết nối mệnh lệnh của lãnh đạo CATP với các đơn vị cơ sở và Công an tỉnh Quảng Ninh bắt gọn đối tượng khi họ mới chạy đến huyện Đầm Hà…

Phải khẳng định, hoạt động tham mưu luôn gắn liền với hoạt động lãnh đạo chỉ huy cả về vấn đề mưu lược và quyết sách, trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, tổng hợp những tin tức tài liệu, giúp lãnh đạo kịp thời ra các chủ trương, kế hoạch, biện pháp giải quyết thích hợp nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ANQG và giữ gìn TTATXH. Tham mưu như “máy cái” guồng quay kéo theo cả một hệ thống được vận hành trơn tru, thống nhất từ ý chí đến hành động trong toàn lực lượng. Quan trọng là thế, vậy sĩ quan tham mưu CAND cần những tố chất gì?

Theo trung tá Khánh Toàn, công tác tham mưu là lao động trí óc, do vậy sĩ quan tham mưu phải thông minh và có tư duy mạch lạc, nhạy bén, sắc sảo, sáng tạo; có khả năng phát hiện vấn đề; có năng lực phân tích, tổng hợp, khái quát nhanh và đưa ra dự báo; có kiến thức chuyên sâu một số lĩnh vực trên cơ sở tri thức rộng nhiều mặt. Sĩ quan tham mưu phải có tác phong nghiêm túc, tỉ mỉ, sâu sát, không bỏ sót việc; biết tổ chức mọi công việc hợp lý, khoa học, năng động, khẩn trương; có bản lĩnh, dám bảo vệ cái đúng… 

70 năm qua, lực lượng tham mưu Công an Hải Phòng thực sự là công cụ sắc bén của Đảng ủy và lãnh đạo CATP trong các mặt công tác công an, có mối quan hệ phối hợp tốt với các ngành, các cấp, phục vụ Đảng bộ và chính quyền thành phố phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động trong cuộc đấu tranh bảo vệ ANTT, đóng góp tích cực vào việc giữ vững ổn định ANCT, phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và thành phố. Chỉ tính từ năm 1998 đến nay, lực lượng tham mưu CATP đã giúp Giám đốc tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về đổi mới công tác bảo vệ ANTT trên địa bàn; xây dựng phòng tuyến ANQG, biên giới cảng biển, hải đảo; xây dựng thế trận ANND; các kế hoạch tăng cường công tác bảo vệ an ninh nội bộ, chống sự phá hoại của các thế lực thù địch trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa tư tưởng; tổ chức diễn tập thực binh; tham mưu và xây dựng các kế hoạch giúp Giám đốc CATP mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, giải quyết tệ nạn xã hội; chỉ đạo các lực lượng triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm kiềm chế TNGT; các phương án xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp như gây rối, biểu tình, bạo loạn, phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn; các kế hoạch chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác công an.

Hằng năm điểm lại các đầu việc, sĩ quan tham mưu nhiều khi không thể tưởng tượng nổi mình đã kham được một khối lượng công việc “khủng” đến vậy! Hầu như các hoạt động công tác công an, những thành tích, chiến công của lực lượng CATP đều có bàn tay và khối óc của những sĩ quan tham mưu; họ từng ngày, từng giờ cần cù như những chú ong thầm lặng xây chiến công.

Ôn cố tri tân, tôi từng nghe các anh, các bác thời kỳ trước (khi chưa có công nghệ thông tin hiện đại như bây giờ) kể lại: Ấy là khi soạn thảo văn bản cho các thủ trưởng, sĩ quan tham mưu đều phải viết tay. Các đồng chí lãnh đạo sửa hoàn chỉnh rồi mới đưa vào máy inroneo đánh giấy than, có khi một văn bản được duyệt phải viết đi viết lại nhiều lần với vài chục trang, thật kỳ công! Vậy nên, một trong những tố chất của sĩ quan tham mưu thời nào cũng vậy, chính là năng khiếu viết, có gì đó gần giống với nghề làm báo của chúng tôi. Nghe thủ trưởng nói, thu thập thông tin tài liệu từ các nguồn, nắm bắt đầy đủ ý tưởng rồi soạn thảo báo cáo, kế hoạch làm sao để văn bản ấy, bố cục như một bài văn, bài báo có sức thuyết phục, để người khác nghe, hiểu được.

Việc chẳng dễ dàng gì, bởi nghề viết là một loại lao động trí óc “khổ sai”; có khi nghĩ ngợi trong đầu thì hay nhưng khi diễn đạt thành câu chữ thì không truyền tải hết tư tưởng của thủ trưởng, có khi khô khan. Thế nhưng, tôi đã từng gặp và làm việc với nhiều sĩ quan tham mưu, nhất là các đồng chí đội trưởng tổng hợp các phòng nghiệp vụ CATP, công an các quận, huyện có khả năng nắm bắt nhanh vấn đề, nói năng lưu loát, hành văn trong sáng như: trung tá Khánh Toàn, thượng tá Nguyễn Văn Chung - nguyên Đội trưởng PC44, trung tá Lê Cao Tùng Sơn - Đội trưởng CAQ Ngô Quyền… Được làm việc với những người như thế thú vị lắm, công việc viết báo của mình nhàn hẳn đi.

Vào khoảng năm 2008-2009, tôi đã "sản xuất" được một bài báo “ngon lành”, khi được đồng chí Hùng - nguyên Đội trưởng tổng hợp CAQ Hồng Bàng cung cấp số liệu kết quả thực hiện chuyên đề mà đơn vị làm rất tốt, tiêu biểu cho cả CATP lúc bấy giờ. Điều khâm phục và ngạc nhiên là thông tin đồng chí Hùng đọc ra rất khúc triết từng nhận định, đánh giá, mọi số liệu đều ở trong đầu, không cần sổ sách, văn bản tài liệu gì; dường như mọi thứ của chuyên đề ấy đã ngấm sâu vào trí não, từng đường gân, mạch máu của anh.

Tôi cũng từng gắn bó với trung tá Phạm Quang Minh - nguyên Đội trưởng tổng hợp CAH Thủy Nguyên, một sĩ quan tham mưu thông minh, mẫn cán, viết giỏi. Anh chấp bút viết văn bản của đơn vị, từ báo cáo ngày, tuần, quý, các sơ kết, tổng kết, các bài phát biểu của lãnh đạo đơn vị, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện trong các hội nghị có liên quan đến vấn đề bảo vệ ANTT.

Tôi không thể quên kỷ niệm lần làm việc với đồng chí Đỗ Hữu Ca - thiếu tướng, Giám đốc CATP, vào khoảng năm 2002 hay 2003, khi ấy đồng chí đang là Chánh Văn phòng CATP. Hiểu được sự cấp thiết của bài báo cho số Tết Nguyên đán khi thời gian không còn nhiều, nghe tôi đặt vấn đề xong, đồng chí đã cung cấp tình hình, kết quả công tác nổi bật, số liệu sống động, biết nói, những nhận định, đánh giá, dự báo sâu sắc về ANTT thành phố. Rồi như một người anh - một người thầy, đồng chí hướng dẫn cho tôi cách viết bài báo quan trọng để làm sao ghi nhận công sức phấn đấu cả năm của hàng ngàn CBCS CATP, mang lại bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là những kỉ niệm đáng nhớ, là bài học về nghề quý giá đối với nhà báo chúng tôi.

XUÂN NGỌC


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông