CLB Hải Phòng và câu chuyện an cư, lạc nghiệp

16:56 03/05/2014

 

 

CLB Hải Phòng vẫn loay hoay tìm nơi an cư, lạc nghiệp
CLB Hải Phòng vẫn loay hoay tìm nơi an cư, lạc nghiệp

Từ mùa giải 2014, nhà tài trợ Xi măng Vicem đã chuyển giao đội bóng cho thành phố. Cổ nhân có câu “an cư, lạc nghiệp” nhưng đội bóng đất Cảng vẫn long đong tìm chốn nương thân sau cuộc chuyển giao. Đã có nhiều giải pháp, thời hạn đưa ra để ổn định nơi ăn, chốn ở cho CLB giúp thầy trò HLV Dylan yên tâm luyện tập. Nhưng tất cả còn nằm trên giấy tờ, còn đội bóng đất Cảng vẫn đóng quân ở khách sạn Công Đoàn chờ…

Nghèo mà hoang

Trước đây, do có nhà tài trợ, đội bóng đất Cảng không tiếc tiền để tậu cầu thủ, trả lương, thưởng cao, trở thành miền đất hứa của giới “quần đùi, áo số”. Bóng đá Hải Phòng cũng khiến người ta nhớ đến bằng các vụ chuyển nhượng mà đình đám nhất là thương vụ mang nhà vô địch World Cup 2002 Denilson về Lạch Tray ở giai đoạn 2 V.League 2009. Còn chuyện trước ngày thi đấu ở khách sạn hạng sang, chế độ ăn, ở theo tiêu chuẩn “như Tây” chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng đó là quá khứ, hiện ngân sách nuôi đội bóng giảm tối đa cũng như việc chi tiêu đang bị thắt chặt bởi khó khăn chung của nền kinh tế.

Theo Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Trần Mạnh Hùng, tổng các nguồn kinh phí thì CLB có khoảng 50 tỉ, trong đó có 20 tỉ từ ngân sách của thành phố và 30 tỉ huy động từ sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. “Giờ sống kiểu con nhà nghèo nên CLB phải tính toán để thắt chặt chi tiêu. Hải Phòng có 3 đội bóng mà không có chỗ ở chính thức, phải đi ăn nhờ bởi nhà tài trợ đã trả đội bóng mà vẫn phải ở chỗ cũ thì rất bất tiện.

CLB bóng đá Hải Phòng vẫn đang ở khách sạn với chi phí rất cao
CLB bóng đá Hải Phòng vẫn đang ở khách sạn với chi phí rất cao

Hơn nữa, quãng đường di chuyển quá xa, đưa cầu thủ đi tập rồi lại đón về vài lần trong ngày gây tốn kém về kinh phí di chuyển, khoảng 5-6 tỉ/năm. Thế nên UBND TP Hải Phòng đã ra Thông báo số 41 và 61 để các sở, ngành phối hợp tổ chức bố trí cho đội bóng chuyển về ở tại Trung tâm Đào tạo VĐV, nằm ngay trong SVĐ Lạch Tray…”.

Tuy nhiên hiện nay, toàn bộ BHL và các cầu thủ đều tạm trú ở Khách sạn Công đoàn để chờ nhà mới. Kinh phí duy trì cuộc sống, tập luyện ở khách sạn rất tốn kém với mức khoảng 700 ngàn/người/ngày cho gần 40 thành viên. Đó là một mức giá quá cao trong thời điểm hiện nay nhưng đội bóng ở tình thế bất khả kháng bởi chưa bố trí được nơi ăn, chốn ở. Theo ông Trần Mạnh Hùng, nếu sớm được bố trí như dự kiến (Theo thông báo số 61 của UBND TP là bàn giao nguyên trạng các phòng tại khu nhà 3 tầng thuộc trung tâm ĐT VĐV trước ngày 15-3-2014) thì mức chi phí sẽ giảm hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Hùng, bóng đá là môn thể thao được yêu thích của nhân dân thành phố, duy trì đội bóng là một việc không thể không làm nhưng việc chậm bàn giao quyền quản lý và khai thác khu vực SVĐ Lạch Tray để CLB bố trí, tổ chức ăn, ở, luyện tập cho đội bóng khiến CLB gặp nhiều khó khăn và phát sinh những chi phí rất tốn kém cũng như ảnh hưởng đến tâm lý thi đấu, kế hoạch phát triển xây dựng lại bóng đá Hải Phòng…

Bao giờ hết cảnh ở trọ?

Về việc giao toàn bộ khu vực SVĐ Lạch Tray về cho Công ty cổ phần thể thao HP quản lý, sử dụng, phục vụ hoạt động của CLB bóng đá Hải Phòng, Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng Trần Mạnh Hùng cho biết, quyết định này xuất phát từ việc đội bóng không có chỗ ở sau khi nhà tài trợ rút lui và CLB phải tiết kiệm kinh phí di chuyển trong thời buổi phải thắt lưng, buộc bụng. Hải Phòng cũng tính tới việc làm bóng đá một cách bài bản và căn cơ khi hướng tới việc đào tạo trẻ để có thể sống bằng chính nguồn lực của mình. Bóng đá Hải Phòng đang kiện toàn lại bộ máy huấn luyện và đưa phương pháp huấn luyện của HLV ngoại từ đội 1 xuống đội trẻ để các cầu thủ đội trẻ hằng ngày tập theo giáo án của đội lớn...

“Chúng tôi cũng xác định trong lúc khó khăn này, các cầu thủ dù từ nhiều địa phương khác nhau nhưng khi đã khoác chung một màu áo thì phải thi đấu hết mình, phải làm cho người hâm mộ Hải Phòng hài lòng” - ông Hùng cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay là quá trình chuyển giao diễn ra quá chậm, ảnh hưởng đến nguồn kinh phí duy trì hoạt động của đội bóng. Trao đổi về vấn đề này, ông Đoàn Duy Linh, Giám đốc Sở VH-TT-DL, cơ quan quản lý cơ sở vật chất được dự kiến chuyển giao cho Cty cổ phần thể thao Hải Phòng, đơn vị quản lý CLB bóng đá Hải Phòng cho biết: Việc chuyển giao SVĐ Lạch Tray và các hạ tầng liên quan thuộc sở hữu Nhà nước sang Cty cổ phần thể thao Hải Phòng (thành phần kinh tế ngoài Nhà nước) là một việc hệ trọng cần đảm bảo đúng quy trình. Chính vì vậy, công văn hướng dẫn 314/ STC-VX của Sở Tài Chính chưa đủ các thủ tục cần thiết nên Sở VH-TT-DL đã đề nghị hướng dẫn chi tiết hơn, đồng thời tham mưu cho UBND TP phương án thực hiện để đảm bảo việc quản lý và sử dụng tài sản của Nhà nước an toàn, hiệu quả.

Sân cỏ không đủ điều kiện tập luyện tại khu liên hợp
Sân cỏ không đủ điều kiện tập luyện tại khu liên hợp

Cũng theo ông Đoàn Duy Linh, để tạo điều kiện cho CLB bóng đá Hải Phòng, Sở VH-TT-DL có công văn số 451/SVHTTDL-TCCB gửi UBNDTP và Cty cổ phần thể thao Hải Phòng với nội dung hỗ trợ bố trí chỗ ăn, nghỉ cho BHL và cầu thủ CLB bóng đá Hải Phòng toàn bộ tầng 4 khu nhà 7 tầng tại khu liên hợp thể thao thành phố. Phương án này sẽ giải quyết khó khăn trước mắt cho CLB bóng đá Hải Phòng, đồng thời khu Liên hợp có đầy đủ cơ sở vật chất tập luyện bổ trợ, có nhà ăn cũng như công tác quản lý của CLB đối với đội bóng đá trẻ U19 và U21 đang tập trung tại đây sẽ thuận lợi hơn.

Dù được tạo điều kiện nhưng điều này mới chỉ giải quyết được nơi ăn, nghỉ của CLB bóng đá Hải Phòng. Vấn đề nảy sinh là chi phí cho di chuyển từ Khu liên hợp về SVĐ Lạch Tray khá lớn. Bởi trên thực tế, các sân tại khu liên hợp chỉ tạm sử dụng được cho đào tạo trẻ, còn các cầu thủ thuộc CLB chuyên nghiệp không dám tập trên mặt sân không đủ tiêu chuẩn từ kích cỡ đến mặt cỏ do nguy cơ chấn thương rất cao nên phải tập tại Lạch Tray.

Bóng đá Hải Phòng đang trong giai đoạn tái thiết với định hướng phát triển bền vững xuất phát từ đào tạo trẻ. Có “an cư mới lạc nghiệp” thế nhưng đội bóng đất Cảng vẫn phải hoang phí tiền bạc bởi phải ở khách sạn. Chỉ đến khi nào những người làm bóng đá yên tâm về ngôi nhà của mình thì họ mới có thể dồn hết trí, lực tái thiết bóng đá đất Cảng. Bóng đá là môn thể thao đặc biệt, là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân, chính vì vậy nó cũng cần một quy chế đặc biệt để tạo động lực phát triển. Với thực tế hiện nay, công tác chuyển giao khó có thể nhanh chóng nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành liên quan dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo UBND TP.

Phan Anh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông