Cơ chế đặc thù – động lực lớn để Hải Phòng phát triển bứt phá

09:11 27/12/2021

Ngày 13-11-2021 vừa qua, Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15, về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Như vậy cùng với Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành trước đó, đây sẽ là nhóm định hướng chiến lược ở tầm vĩ mô cao nhất, thực sự trở thành động lực cơ yếu, để Hải Phòng bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.

Trải qua hơn 130 năm kể từ ngày thành lập, Hải Phòng luôn giữ vị thế là cửa ngõ giao thương, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn bậc nhất cả nước. Chính vì vậy dù ở giai đoạn nào, Hải Phòng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương. Với quan điểm nhận thức, Hải Phòng là đầu tàu của khu vực duyên hải Bắc Bộ, là động lực nguồn trong cơ chế phát triển của cả nước, đầu tư phát triển Hải Phòng chính là đầu tư cho cả nước.

Quan điểm này càng được khẳng định khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 5-8-2003 về xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, qua 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW cho thấy, mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng Hải Phòng chưa thực sự rõ nét trở thành “đầu tàu”.

Bài học kinh nghiệm cũng cho thấy, Hải Phòng cần phải có cơ chế, chính sách đặc thù, để tương xứng với vai trò này. Đây là vấn đề lớn, đã được đề xuất từ lâu, ngay từ thời điểm Trung ương tổ chức đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW, để trên cơ sở đó ban hành Kết luận 72-KL/TW, liên quan đến phát triển Hải Phòng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kết luận 72-KL/TW, thành phố đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương đề xuất những nội dung liên quan. Đó chính là căn cứ quan trọng, để Quốc hội thông qua và Chính phủ ban hành Nghị định 89/2017/NĐ-CP ngày 29-7-2017, quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Hải Phòng. Từ nền tảng cơ sở định hướng vĩ mô, Hải Phòng đã được trích lại một phần nguồn thu nhân sách Trung ương tại địa phương, đáng kể nhất là nguồn thu qua cảng.

Đồng thời thành phố cũng trở thành địa phương đi đầu trong cả nước, khi triển khai thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển. Qua đó, mỗi năm ngân sách thành phố được bổ sung hàng nghìn tỷ đồng, đây là nguồn lực vô cùng thiết thực, giúp Hải Phòng triển khai nhiều công trình, dự án trọng điểm thời gian qua.

Có thể nói, sự chủ động và phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, là công tác chuẩn bị kỹ để tạo đà cho một giai đoạn phát triển mới. Thành phố đã hướng tới những mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững.

Kết quả, tăng trưởng kinh tế cao và liên tục, quy mô kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Đây cũng là một trong những tiền đề quan trọng để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cũng từ đây, quan điểm “đầu tư phát triển Hải Phòng chính là đầu tư phát triển cho cả nước” cũng như vấn đề cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng được nhắc đến nhiều hơn, trở thành đề tài thảo luận tại nhiều hội nghị, hội thảo khoa học. Thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cũng như sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà lý luận, dự thảo về cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng đã được định hình, và chính thức được Quốc hội thông qua.

Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực để kinh tế thành phố tiếp tục bứt phá, hướng tới mục tiêu phát triển cao hơn.

Theo đó, Nghị quyết 35/2021/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho thành phố vay lại với tăng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp; Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.

Về thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn, HĐND TP quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí; Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí theo quy định để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác.

Về quản lý đất đai, HĐND TP quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Về quản lý quy hoạch, trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý, thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền; HĐND TP được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong diện thụ hưởng.

Như vậy có thể nói, cùng với Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị và các văn bản liên quan khác của Trung ương, Nghị 35/2021/QH15 của Quốc hội là một sự bổ trợ hoàn hảo, không chỉ giúp Hải Phòng tạo nguồn lực về tài chính, mà còn mở ra hành lang thông thoáng về cơ chế, chính sách để Hải Phòng áp dụng, vận dụng vào thực tiễn phát triển.

Trước thềm năm 2022, một tin vui nữa đến với Hải Phòng khi tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương cơ bản nhất trí với các kiến nghị, đề xuất của Hải Phòng, trong đó có nội dung nhanh chóng hiện thực hóa cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần Nghị quyết 35/2021/QH15.

Tin tưởng rằng, với những định hướng chiến lược nêu trên, thành phố Hải Phòng sẽ vững tin bước vào giai đoạn phát triển mới, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chớp thời cơ thuận lợi, tiếp tục bứt phá tiến tới đích cao hơn.

Hoàng Minh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông