Cơ chế đặc thù, đặc biệt để phát triển thành phố Hồ Chí Minh

20:35 08/06/2023

Chiều 8-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Theo đó, nhiều đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến, gợi mở giải pháp, cơ chế để thành phố phát triển đột phá, mang lại hiệu ứng tích cực đối với các vùng miền và đất nước.

                                               Cần có  có cơ chế đặc biệt phát triển thành phố Hồ Chí Minh

           Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắc Nông) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị,  tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý, phát huy mạnh mẽ nội lực, huy động tối đa nguồn lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, biến tiềm năng thành khả năng cho sự phát triển, tạo động lực mới, tác động dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế vùng phụ cận Đông Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và cả nước, tạo đột phá mới, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội TP Hồ Chí Minh trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắc Nông) 

          Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, các chính sách đề xuất trong dự thảo nghị quyết có sự kế thừa Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, nhưng chưa thực sự vượt trội mạnh mẽ, chưa đột phá như mong muốn và kỳ vọng của nhiều đại biểu và cử tri. Đại biểu cho rằng, cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa trong tổ chức bộ máy, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để rút ngắn tối đa các thủ tục hành chính.

          Đại biểu cho rằng, thành phố Hồ Chí Minh có vai trò, vị thế đặc biệt nên không chỉ cần có chính sách đặc thù mà cần có cả  cơ ché đặc biệt. Chính sách mới cần mang tính đột phá, vượt trội theo đúng tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị , Nghị quyết 81/2023/QH15 của Quốc hội, nhưng cần khả thi, có trọng tâm, không dàn trải, tránh lợi dụng chính sách gây thất thoát, lãng phí. Các chính sách có tính lan tỏa, tác động sâu rộng không chỉ đối với Thành phố mà cần mang lại hiệu ứng tích cực đối với các vùng miền và đất nước.

          Góp ý về một số quy định cụ thể, đai biểu Dương Khắc Mai tán thành với các cơ chế tài chính đối với Công ty đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh, trong đó quy định HĐND thành phố bố trí nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để tăng vốn điều lệ cho công ty là chưa đủ.

                     

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

     Đại biểu cho rằng, công ty tài chính với vai trò cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, trong khi nhu cầu lĩnh vực ưu tiên là rất lớn. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng cơ chế tài chính đặc thù, nguồn tài chính cho công ty tài chính thành phố như phát hành trái phiếu quốc tế và ưu tiên đầu tư cho một số chương trình, dự án cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, chống ngập, việc tạo thêm cơ chế tài chính đặc thù cho công ty tài chính thành phố cho phát triển đường sắt đô thị, vừa giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay; đồng thời phát triển các ngành công nghiệp đường sắt đô thị trước mắt và trong dài hạn.

          Đối với đề xuất áp dụng hợp đồng BOT để xây dựng nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu, nhiều đại biểu tán thành cần có một cơ chế đặc thù để phát triển, hiện đại hóa công trình đường bộ của thành phố. Tuy nhiên, ngay trong dự thảo nghị quyết cần quy định chặt chẽ điều kiện để khi triển khai các dự án BOT trên địa bàn thành phố, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nhất là người dân sống gần khu vực BOT, tránh phát sinh những khiếu kiện phức tạp.

          Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, đề xuất này mặc dù trái với Nghị quyết 43 của Quốc hội, tuy nhiên, việc nâng cấp, mở rộng đường đối với thành phố là cần thiết để giảm ách tắc giao thông, đầu tư kinh phí lớn, nhất là giải tỏa đền bù cần có sự đóng góp của người dân, cho nên áp dụng hình thức BOT là hợp lý. Đại biểu đề nghị dự án đường chỉ được nâng cấp mà không mở rộng thì không được áp dụng BOT, tránh thất thu ngân sách gây dư luận không tốt như thời gian qua.

                               

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) 

          Về tài chính ngân sách, nhiều đại biểu thống nhất trong dự thảo gồm 11 khoản theo đề xuất của Chính phủ, như cho phép UBND thành phố bố trí khoản chưa phân bổ từ 2 đến 4% tổng thu ngân sách quận giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND quận để chi phòng, chống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói, quốc phòng, an ninh nhưng phải đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, chi sai mục đích.

          Về quy định HĐND thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách theo quy định của thẩm quyền thực hiện cơ chế tạo nguồn, cải cách tiền lương theo quy định; Quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất liên vùng. Đại biểu băn khoăn việc cho phép thu các loại phí, lệ phí ngoài danh mục loại phí cần nêu rõ loại phí nào để cho đại biểu Quốc hội cùng cử tri của thành phố dễ hình dung.

          Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình cao với quy định tại khoản 7, Điều 5 dự thảo Nghị quyết. Theo đó, HĐND phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn Thành phố; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong các trường hợp cần thiết.

                                     Tạo nguồn lực về cán bộ và nguồn lực vật chất thực hiện nghị quyết

           Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) tán thành sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết và cho rằng đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp.

          Theo đại biểu Lã Thanh Tân, Nghị quyết này quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù, cho nên đặt trong tổng thể mối quan hệ với hệ thống pháp luật thì nội dung dự thảo Nghị quyết sẽ khác với quy định của pháp luật hiện hành hoặc pháp luật hiện hành chưa có quy định; nhưng phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013.

        Qua rà soát, đại biểu nhận thấy, dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW…; bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

           Về cơ bản, đại biểu Lã Thanh Tân thống nhất với các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hồ Chí Minh được thể hiện tại dự thảo Nghị quyết, bao gồm các cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy.

     Các cơ chế, chính sách này đều có tính vượt trội và được lựa chọn, đề xuất trên cơ sở yêu cầu thực tiễn của thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều cơ chế, chính sách đã được áp dụng thí điểm cho một số tỉnh, thành phố.

                          

Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng)

        Đại biểu  cho rằng, phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) là mô hình phổ biến hiện nay ở nhiều nước trên thế giới. Đây là vấn đề lớn, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông đi đôi với quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở và quản lý dân số của TPHCM nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công trình công cộng, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

          Vấn đề lớn nhất đặt ra cho TP Hồ Chí Minh khi phát triển mô hình TOD này đó chính là  nguồn lực để thực hiện. Do đó, Nghị quyết này cần chú trọng đến việc đưa ra cơ chế để tạo nguồn lực cho việc phát triển TOD.

          Bên cạnh các cơ chế thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông được thể hiện tại khoản 2 Điều 4 dự thảo Nghị quyết, đại biểu Lã Thanh Tân  đề nghị mạnh dạn bổ sung một số cơ chế đặc thù.

          Thứ nhất, ngoài các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận thành phố thì nghiên cứu rà soát, mở rộng phạm vi các dự án áp dụng cơ chế thí điểm này; cho phép thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD)trên địa bàn TPHCM theo cơ chế dự án phát triển đô thị và dự án giao thông nằm trong một tổng dự án; cho phép TPHCM được giữ lại nguồn lực từ đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, không gian ngầm, không gian trên cao của điểm kết nối giao thông và vùng phụ cận và được phân bổ toàn bộ kinh phí thu được vào xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phát triển hệ thống giao thông.

           Thứ hai, về áp dụng pháp luật (Điều 11 dự thảo Nghị quyết), để bảo đảm tính ổn định của các chính sách trong quá trình thí điểm cũng như mục tiêu của việc thí điểm, cần thiết phải có quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật tại Nghị quyết này nhằm giải quyết các xung đột pháp luật xảy ra giữa Nghị quyết này với các luật, nghị quyết khác có liên quan.

       Theo đó, trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết này. Trường hợp Văn bản quy phạm pháp luật  khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì giao HĐND Thành phố quyết định việc áp dụng để bảo đảm tính linh hoạt.

          Thứ ba, với quan điểm “xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung”, cần nghiên cứu để thể chế hóa một số cơ chế, chính sách đặc thù về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung và thực hiện thí điểm cho thành phố Hồ Chí Minh.

         Điều này sẽ  tạo cơ sở pháp lý, động lực, động viên đội ngũ cán bộ của thành phố tích cực phát huy trí tuệ sáng tạo, mạnh dạn đề xuất ý tưởng, cách làm đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung của thành phố; thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh trước, để từ đó hình thành cơ sở thực tiễn cho quá trình nghiên cứu, đánh giá và xây dựng cơ chế, chính sách chung về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, áp dụng trong phạm vi cả nước.

          Giải trình các vấn đề được đại biểu Quốc hội đưa ra, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, sẽ tiếp tục cùng TP. Hồ Chí Minh và các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu, nhất là trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề mới thiết thực và phù hợp hơn, mạnh hơn sẽ báo cáo với Quốc hội.

          Cùng với hồ sơ dự án Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp này, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết ngay sau khi được Quốc hội thông qua. Với sự vào cuộc tích cực, khẩn trương này, đại biểu Quốc hội tin tưởng, sau khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố sẽ sớm hiện thực hóa một cách sinh động, hiệu quả quan điểm, chủ trương nghị quyết của Đảng, của Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống, để TP. Hồ Chí Minh - "hòn ngọc Viễn Đông" mãi tỏa sáng với các sắc màu tươi mới, ngày càng rực rỡ hơn./.

                                                                                                                                 Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông