Cơ hội vượt khó của thương mại, dịch vụ

09:08 27/12/2021

Theo thống kê, tính đến hết tháng 11-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Hải Phòng đạt 139.493 tỷ đồng, tăng 6,86% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu vui cho ngành thương mại, dịch vụ, trước những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Ngành thương mại vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19

Giữa vòng xoáy của dịch bệnh

          Bước sang năm 2021, thương mại thành phố mang theo hành trang không mấy không mấy khả quan bởi tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, cũng như những ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cả nước.

Thực trạng là tổng cầu xã hội tiếp tục giảm, hàng tồn kho cao làm trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt đoạn. Trong bối cảnh đó, thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp, vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi kinh tế, trong đó ngành thương mại đóng góp một phần quan trọng.

          Nhìn lại từ đầu năm, bên cạnh chỉ số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng như đã nói ở trên, nhiều chỉ số khác vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng. Có thể kể như doanh thu dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 39.900,4 tỷ đồng, tăng 8,86%; khối lượng hàng hoá vận chuyển đạt 216,2 triệu tấn, tăng 9,06%; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 133,15 triệu tấn… tăng 6,29% so với cùng kỳ năm 2020. 

Điều quan trọng là, giữa vòng xoáy của dịch bệnh Covid-19, các giải pháp phòng chống dịch bệnh ở Hải Phòng cũng như nhiều địa phương khác của cả nước có những thời điểm rất quyết liệt, đã tác động trực tiếp đến lưu thông hàng hóa, nhưng giá cả thị trường thành phố vẫn cơ bản ổn định.

Điều này được thể hiện qua chỉ số CPI bình quân 11 tháng qua chỉ tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước. Ở thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, chỉ số CPI tăng như vậy được coi là khiêm tốn, nhưng hiện nay đó là dấu hiệu tích cực, với thực trạng thị trường toàn cầu đang chìm sâu trong nền kinh tế suy giảm kéo dài.

Các số liệu thống kê cũng cho thấy, kết quả trên tiếp tục ghi dấu sự đóng góp rất lớn của khu vực thương mại, dịch vụ  nhà nước, với tỷ trọng chiếm tới gần 90%  tổng doanh thu, đạt tốc độ tăng trưởng gấp hơn hai lần các khu vực còn lại, đã giúp kiểm soát tốt tình hình thị trường nội địa.

Mặc dù vậy, dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho một số ngành dịch vụ tổn thất khá lớn, do phải hoạt động gián đoạn, cầm chừng, thậm chí có những lúc ngưng trệ. Số liệu thống kê cũng cho thấy rõ, đơn cử trong lĩnh vực dịch vụ vận tải có thể kể: khối lượng hàng hóa luân chuyển 11 tháng đạt 96.179,1 triệu tấn, giảm 0,38%; khối lượng hành khách vận chuyển đạt 30,7 triệu lượt, giảm 32,93%;  khối lượng hành khách luân chuyển đạt 1.259,8 triệu Hk.km, giảm 30,65%... 

Trong khi đó, hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực du lịch còn đìu hiu hơn nhiều, chẳng hạn như phân ngành dịch vụ lưu trú, lữ hành, trong 11 tháng qua chỉ phục vụ được khoảng 3.674,8 nghìn lượt, giảm 48,05% với với năm 2020.

Thị trường dịp cuối năm sẽ là cơ hội tốt cho thương mại, dịch vụ bứt tốc

Kỳ vọng vào trạng thái bình thường mới

Trở lại với các chỉ tiêu về hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng trưởng từ khu vực này đã phản ánh khá rõ sự khởi sắc của ngành thương mại thành phố trong năm 2021.

Trong đó, nhiều nguyên nhân quan trọng đã được khẳng định: việc tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, nâng tỷ trọng đóng góp của yếu tố tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), giảm dần bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm thúc đẩy, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện… Chứng tỏ hướng đi đúng trong triển khai thực hiện “nhiệm vụ kép” của thành phố.

Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 đã đem đến nhiều hệ lụy xấu cho thương mại, dịch vụ, không những làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung – cầu, mà trong thời gia qua những sự kiện lớn như lễ hội, du lịch, vốn dĩ có kahr năng kích cầu thị trường cũng không thể diễn ra.

Đáng mừng là, trong hoàn cảnh ấy nỗi lo về yếu tố tâm lý tác động vào thị trường đã không xảy ra đối với Hải Phòng, kể cả những lúc xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực về tình hình dịch bệnh, về biến động giá những mặt hàng thiết yếu mang tính chi phối như xăng dầu. Nhất là những tháng gần đây, nhóm hàng đặc biệt như vàng và ngoại tệ tăng giá mạnh mẽ, thì thị trường hàng hóa cũng không bị chao đảo như những năm trước.

          Tuy nhiên, nhìn vào cục diện thị trường hiện nay, khi Hải Phòng cũng như cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, thì những tháng cuối năm chính là cơ hội tốt cho ngành thương mại, dịch vụ, nhất là thị trường nội địa. Mùa xây dựng sẽ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm liên quan như xi măng, sắt thép, nội thất… đồng thời sức mua đối với đa số sản phẩm tiêu dùng theo thông lệ sẽ tập trung vào dịp tết Nguyên đán truyền thống.

Đối với thị trường xuất khẩu, thông thường mật độ đáo hạn các hợp đồng cũng dày hơn vào thời điểm này, chưa kể các hoạt động thanh khoản và xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ khiến thị trường tiền tệ thêm nhộn nhịp. Tần suất giao dịch tiền tệ gia tăng là yếu tố rất quan trọng, tác động đến tăng trưởng thương mại.

          Về chính sách, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, được thông qua tại kỳ họp HĐND mới đây, với quyết tâm tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, liên quan đến thương mại là tích cực giải quyết  kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh.

Hy vọng rằng đây là những bước đà nền tảng, tạo điều kiện cho ngành thương mại, dịch vụ phục hồi và bứt tốc khi bước vào năm 2022.       

Hoàng Minh                            

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích