Có một Vĩnh Bảo nơi miền sơn cước

02:13 14/02/2013

Câu chuyện bắt đầu từ chuyến đi “Hành trình về nguồn”. Anh bạn cùng thời đại học với tôi hiện đang công tác tại Báo Tuyên Quang bật mí: “Tết này ông lên đây, tôi “bán cái” cho ông đề tài viết bài đăng Báo Tết nhé. Miễn chê! Chuyện người dân Vĩnh Bảo quê ông lên đây “lập ấp” trồng chè, làm nên thương hiệu chè Vĩnh Tân đặc sản nổi tiếng có một không hai trên đất cách mạng Tân Trào...”.
Câu chuyện bắt đầu từ chuyến đi “Hành trình về nguồn”. Anh bạn cùng thời đại học với tôi hiện đang công tác tại Báo Tuyên Quang bật mí: “Tết này ông lên đây, tôi “bán cái” cho ông đề tài viết bài đăng Báo Tết nhé. Miễn chê! Chuyện người dân Vĩnh Bảo quê ông lên đây “lập ấp” trồng chè, làm nên thương hiệu chè Vĩnh Tân đặc sản nổi tiếng có một không hai trên đất cách mạng Tân Trào...”.

thôn nữ hái chè vĩnh tân
thôn nữ hái chè vĩnh tân

Trong nắng xuân vàng óng, những đồi chè xanh mướt nối tiếp nhau như những chiếc bát men ngọc úp giữa đất trời tạo lên một khung cảnh nên thơ, thanh bình của riêng vùng đất nơi đây. Xã Tân Trào, huyện Sơn Dương tuy không phải là vùng đất xa xôi, đắm chìm giữa bao la trời mây non nước nhưng lại ôm ấp điều bí ẩn với chúng tôi và không ít người. Đấy là lời lý giải vì sao vùng đất thôn Vĩnh Tân lại sản sinh ra một giống chè thơm ngon được xếp vào hàng đầu ở đất Tuyên (Tuyên Quang), thậm chí ngang bằng chè Thái (Thái Nguyên) cạnh bên. Hơn nữa, thương hiệu chè Vĩnh Tân thành đặc sản vùng đất cách mạng Tân Trào kia lại chẳng phải do người “bản xứ” làm ra, mà lại từ bàn tay của con cháu hậu duệ những người Vĩnh Bảo quê tôi làm nên…

Vẫn chất giọng trầm nặng, đặc sệt Vĩnh Bảo, anh Phạm Văn Tuyến, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào, hồ hởi vào đầu câu chuyện. Xã Tân Trào (Sơn Dương) có 8 thôn bản nhưng người dân thôn Vĩnh Tân vốn không phải là người bản xứ. Năm 1977, 54 hộ dân thôn Kim Ngân, xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng, di cư lên xã Tân Trào làm kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và nhà nước. Những người cao tuổi trong làng ghép chữ “Vĩnh” ở quê cũ với chữ “Tân” nơi đây để thành tên làng mới. “Vĩnh Tân” với ý nghĩa buộc chặt tình thương nhớ quê cha đất tổ “Vĩnh Bảo”, “Vĩnh An” với niềm mến yêu “Tân Trào” quê hương cách mạng.

Cũng ngày ấy, trong nội bộ người “Vĩnh Tân” xảy ra cuộc đấu tranh giữa những người quyết tâm ở lại với một số ít đòi bỏ về vì không chịu nổi cuộc sống hoang vu nơi rừng thiêng nước độc.  Nhưng phẩm chất, cốt cách người Hải Phòng “hiên ngang, chỉ biết ngẩng đầu” đâu dễ dàng chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn gian khổ là động lực để giúp phần đông người thôn Vĩnh Tân bảo nhau quyết bám trụ, xây dựng đời sống mới trên quê hương cách mạng Tân Trào.

Người thôn Vĩnh Tân sống quần tụ và khai hoang dần về hướng sông Phó Đáy, nơi có những khu đất bằng phẳng, màu mỡ. Nhận thấy đất đồi có thể thích hợp cho cây chè và có một tiềm năng rất lớn nên mọi người bắt đầu chuyển hướng trồng trọt.

Dần dần qua bàn tay lao động không mệt mỏi của con người, chè đã trở thành cây trồng chủ lực của người dân Vĩnh Tân với đủ các loại chè quý, ngon như san tuyết, bát tiên, PH1. Để rồi, đến một ngày, người gốc xứ Tuyên “giật mình” nhận ra rằng chè Vĩnh Tân thơm ngon ngang với các loại chè quý hiếm ở đất mình và thường chọn chè Vĩnh Tân để uống hoặc làm quà cho khách quý phương xa. Đến cả người xứ Thái, dù không thiếu những loại chè ngon, cũng phải “nghiêng ngả” vì mùi thơm lạ, riêng biệt của chè làng Vĩnh Tân. Tiếng thơm đồn xa, du khách đến Sơn Dương đều tìm mua chè Vĩnh Tân về làm quà cho người thân. Và cứ thế cứ thế, chè Vĩnh Tân theo chân người sành chè vượt ra khỏi những khoảng cách địa lí, trở thành “thương hiệu” của Sơn Dương.


****


Đứng giữa ngã ba đường vào thôn, anh Tuyến khoe: Làng Vĩnh Tân có tổng số 65ha chè. Năng suất thu hoạch bình quân đạt 14 tấn chè tươi/ha/năm. Giá thành bình quân 70.000 đồng/kg chè tươi; nhẩm tính cứ 1ha chè mỗi năm cho thu hoạch ngót 100 triệu đồng. Làng Vĩnh Tân “thay da đổi thịt”, giàu lên từng ngày nhờ cây chè. Ví như hộ gia đình bác Phạm Văn Viện trồng gần 1ha chè, mỗi năm cho 2-3 lượt hái, doanh thu mang lại cho cả gia đình ngót trăm triệu đồng. Từ hai bàn tay trắng, anh Viện đã xây được căn nhà 3 tầng, mua sắm đầy đủ đồ đạc tiện nghi như máy giặt, tủ lạnh và “tậu” cả chiếc xe tải nhẹ để làm dịch vụ thu mua chè…

Anh kỹ sư nông học Phan Quốc Toản - cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang giải thích ngắn gọn: “Chè Vĩnh Tân thơm ngon kết tinh từ 2 yếu tố là đất và người”. Theo kỹ sư Toản, đất trồng ở khu vực Vĩnh Tân rất đặc biệt, màu đỏ tươi đặc chất ba-zan, chứ không màu đen tro, nhiều mùn như những khu vực lân cận. Phải chăng mảnh đất nơi đây được thẩm thấu từ nguồn nước ngầm trong mát của dòng sông Phó Đáy? Còn người dân Vĩnh Tân chăm chỉ, không quản ngại mưa nắng, chăm bẵm cây chè như… “chăm con”. Búp chè lúc nào cũng xanh mơn mởn, căng đầy sức sống.


***


Làng Vĩnh Tân hiện có 106 hộ với 416 nhân khẩu, chủ yếu là con cháu hậu duệ của những người quê hương vùng đất Trạng Trình năm xưa xung phong di dân lên Tân Trào xây dựng vùng kinh tế mới. Cụ ông Phạm Văn Phầu, 82 tuổi, bùi ngùi nhớ lại: Chuyến đi ly hương năm ấy (1977) vào ngày 10-7 (âm lịch), cả thảy có 54 hộ dân với 220 người lớn nhỏ thuộc 4 dòng họ đều thuộc thôn Kim Ngân (Vĩnh An, Vĩnh Bảo). Hơn 1/3 thế kỷ lập làng, người Vĩnh Tân sinh con đẻ cái, tính đến nay đã 4 thế hệ. Thế hệ đầu tiên, đứng vai trò chủ hộ lên đây lập làng như cụ Phầu đều đã già cả, nhiều người đã khuất núi về với tổ tiên. Thế hệ thứ hai lớp người trạc tuổi 45-50 lớn lên trên quê hương mới Vĩnh Tân như anh Tuyến, chị Hoa…, ai ai cũng thành thạo công việc trồng, chế biến chè.

Tiếp đón chúng tôi bằng một ấm trà nóng hổi, anh Lương Văn Lâm, sinh 1976, đại diện cho lớp người thế hệ thứ 3 ở Vĩnh Tân, đang làm chủ một cơ sở sản xuất chè bộc bạch: Chè sản xuất theo phương pháp thủ công hay cơ giới đều phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật của từng công đoạn, từ diệt men, vò và sàng tơi, sấy chè, phân loại chè và đánh hương. Chè xanh phải được hái vào ngày không mưa theo tiêu chuẩn 1 tôm (búp), 2 - 3 lá non. Búp chè sau khi hái để ráo nước nhưng không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng.

Trong mỗi công đoạn chế biến thì người làm chè phải nhạy cảm để nắm đúng thời điểm để chè thơm nhất, ngon nhất, đẹp mắt nhất. Chỉ cần qua một, hai ngày là vị tươi mới của chất đất, vị ngọt của búp chè và vị thanh khiết của hương rừng sẽ bị thay đổi. Nước chè khi pha phải có màu xanh tươi mát, hương cốm nhẹ, vị chát đượm, dịu và ngọt mới được coi là chè ngon. Hộ anh Lâm đã phải thay đổi  lò sấy đến lần thứ 3 vì các yêu cầu công nghệ đòi hỏi như khối lượng, tốc độ quay, độ thoáng để chè chín đều... theo đúng quy chuẩn công nghệ sản xuất chè Tân Cương nổi tiếng ở Thái Nguyên.

Trưởng thôn Vĩnh Tân là anh Nguyễn Khánh Liêm, cho biết: Ở Vĩnh Tân, tỉ lệ hộ nghèo không quá 8%; trên 60% hộ xây được nhà tầng kiên cố; tại thôn có gần chục đầu xe ô tô các loại; 98% hộ dân có xe máy, ti-vi, tủ lạnh, máy giặt. Về cơ sở hạ tầng, thôn Vĩnh Tân đã bê-tông hóa gần 80% đường trục nội bộ trong làng, ngõ xóm theo cơ chế nhân dân đầu tư là chính, nhà nước hỗ trợ một phần. Làng Vĩnh Tân có nhà văn hóa, sân vận động riêng. Nhiều năm liền Vĩnh Tân không tồn tại các loại tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm. Hàng năm, có 80-90% hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa.

Từ năm 2001 đến nay, Vĩnh Tân duy trì tốt các tiêu chí “Làng văn hóa” cấp huyện và đang chuẩn bị đón danh hiệu “Làng văn hóa” cấp tỉnh. Làng được huyện Sơn Dương chọn triển khai xây dựng mô hình nông thôn mới. Còn theo ông Hoàng Cao Khải - Phó chủ tịch UBND xã Tân Trào, làng Vĩnh Tân là địa phương đi đầu của xã trong phong trào xây dựng Nông thôn mới. Tất cả đều xuất phát từ gốc truyền thống đất học Trạng Trình mà những người con Vĩnh Bảo chăm chút, gìn giữ, lưu truyền cho hậu thế. 

ĐOÀN LANH


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông