Coi trọng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản

02:11 26/08/2016

 

Đồng chí Bùi Thanh Tùng kết luận tại buổi giám sát
Đồng chí Bùi Thanh Tùng kết luận tại buổi giám sát

Chiều 23-8, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa - Phó bí thư thường trực Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Hải Phòng chủ trì buổi giám sát về hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KHCN nhằm thúc đẩy CNH, HĐH giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn mới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo.

Giai đoạn 2005-2015, ngành NN&PTNT thành phố đã xây dựng và tích cực triển khai các giải pháp KHCN nhằm thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và phát triển sản xuất nông nghiệp trong điều kiện diện tích đất sản xuất, lực lượng lao động trong nông thôn ngày càng bị thu hẹp. Trong lĩnh vực trồng trọt, đã có 20 giống lúa lai được tuyển chọn và đưa vào sản xuất.

 Trong chăn nuôi, ngành NN&PTNT đã nghiên cứu, đưa vào sản xuất nhiều tổ hợp lai cho năng suất, chất lượng cao; xây dựng được phác đồ điều trị bệnh hợp lý; đề xuất biện pháp phát hiện và xử lý nhanh các ổ dịch. Đối với lĩnh vực thủy sản, đã có nhiều loại con giống thủy sản mới, có năng suất, chất lượng, giá trị cao được sản xuất thành công tại Hải Phòng. KHCN đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường và góp phần quan trọng trong thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Tại buổi giám sát, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã tập trung tìm hiểu một số vấn đề trọng tâm như: Vốn đầu tư cho các đơn vị khoa học của ngành nông nghiệp trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật; việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển KHCN; vấn đề quan hệ sản xuất; thực trạng mối liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp; các mô hình ứng dụng KHCN thực tiễn tại các địa phương; các sản phẩm sở hữu trí tuệ thuộc ngành NN&PTNT quản lý. Vì sao vấn đề KHCN trong nuôi thủy sản trên biển chưa được quan tâm? Vấn đề quản lý, điều hành và huy động nguồn lực cho các HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động. Công tác quản lý, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và một số vấn đề liên quan...

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao những kết quả về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thành phố.

Đồng chí yêu cầu ngành NN&PTNT nhanh chóng xây dựng giải pháp khắc phục, giải quyết những tồn tại; triển khai hiệu quả mục tiêu của chương trình trong những năm tới; đồng thời tích cực nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với thành phố để tranh thủ nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách của nhà nước, thành phố về phát triển KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản; tập trung củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn và hội nhập; tăng cường mối liên kết giữa các đơn vị khoa học trong ngành và giữa các sở, ngành, địa phương liên quan để nâng cao chất lượng chương trình. Những ý kiến kiến nghị của ngành sẽ được đoàn đại biểu tổng hợp, thông tin tại kỳ họp tới của Quốc hội...

* Tiếp đó, chiều 24-8, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố do đồng chí Bùi Thanh Tùng - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát chuyên đề “Hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy CNH, HĐH giai đoạn 2005-2015; định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” tại Viện nghiên cứu Hải sản, Bộ NN&PTNT.

Giai đoạn 2005-2015, Viện nghiên cứu Hải sản đã thực hiện 19 đề tài, dự án KHCN cấp thành phố thuộc các lĩnh vực khai thác, chế biến, bảo tồn, phát triển nguồn lợi. Trong đó, cần phải kể đến những kết quả nổi bật như nghiên cứu, nhân giống thành công một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm rảo, tôm he Nhật Bản từ nguồn tự nhiên, cá song, cá giò, cá vược, cá bớp, hải sâm đen, tu hài, bào ngư chín lỗ...

Qua đó, góp phần đa dạng hóa, chủ động nguồn lợi thủy sản quan trọng của thành phố, đưa Hải Phòng thành trung tâm nghiên cứu giống thủy sản quan trọng của khu vực miền Bắc.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất, đời sống chưa đồng đều, chưa tạo được động lực thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH. Trình độ CN trong lĩnh vực sản xuất thủy sản còn thấp, chậm đổi mới...

Tại buổi giám sát, đoàn đại biểu Quốc hội đã tập trung làm rõ một số vấn đề trọng tâm như: Công tác chuyển giao KHCN vào sản xuất; việc liên kết “4 nhà” giữa ngư dân - nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý, khai thác, chế biến thủy hải sản; đăng ký sở hữu trí tuệ; khả năng tiếp cận các đề tài nghiên cứu, tiến bộ KHCN của doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh; các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản...

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, đồng chí Bùi Thanh Tùng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Viện nghiên cứu Hải sản trong suốt những năm qua trong việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển KHCN trong lĩnh vực thủy sản của thành phố, đất nước. Tất cả các kiến nghị, đề xuất của Viện sẽ được đoàn đại biểu tổng hợp, trình kỳ họp tới của Quốc hội.

KC


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông