19:42 20/05/2014
Những năm qua, khối các doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả, chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm kinh tế của đất nước. Riêng ở Hải Phòng, thống kê sơ bộ hiện có 380 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 282 công ty có 100% vốn nước ngoài, trong đó có 168 doanh nghiệp có người Trung Quốc đang hoạt động. Mới gần đây phải kể đến Nhà máy sản xuất máy văn phòng của Công ty Kyocera, Công ty Fuji Xerox, Công ty chế tạo Zeon, nhà máy sản xuất lốp xe ô-tô Bridgestone… của Nhật cũng đã đi vào hoạt động. Những đóng góp của các dự án nước ngoài đã góp phần quan trọng vào việc đưa chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (CPI) của thành phố năm 2013 đạt 59,76 điểm, đứng thứ 15 cả nước, tăng 35 bậc so với năm 2012 và đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng. Theo báo cáo của UBND TP, tính đến ngày 21-3-2014, đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hải Phòng có 11 dự án đăng ký đầu tư mới với tổng mức đầu tư là 105,4 triệu USD, 5 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng 130 triệu USD; tổng số vốn thu hút trên địa bàn đạt 235,4 triệu USD. Số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn thành phố là 382 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 9.157,1 triệu USD. Ngoài các số liệu đã nêu, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã giải quyết nhu cầu việc làm cho hàng vạn lao động, hỗ trợ tốt các chính sách xã hội. Thế nhưng vừa qua, trước bối cảnh Trung Quốc cố tình hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou - 981) trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trái phép trên biển Đông, người dân Việt Nam đã phản đối việc làm ngang ngược đó và khối các doanh nghiệp này đã có ngày “dậy sóng”. Trong các ngày từ 12 đến 15-5-2014, một số tỉnh, thành phố như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh đã tự phát biểu tình, tuần hành phản đối. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng quá khích đã có hành vi đập phá, hủy hoại tài sản, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của nhân viên ở một số tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tại các địa bàn trên, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ANTT tại các địa phương này mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tại Hải Phòng, trong những ngày qua trên địa bàn cũng đã xuất hiện những cuộc diễu hành tự phát, khá đông người tham gia, trong đó có hàng trăm người từ tỉnh Thái Bình kéo về. Kiên quyết không để xảy ra biểu tình trái pháp luật, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng tình hình đó có hành vi xúi giục, mua chuộc, kích động người biểu tình và gây rối ANTT…, nghiêm túc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Điện lệnh của Bộ Công an và kế hoạch của Giám đốc CATP Hải Phòng, từ ngày 10-5-2014, công an các đơn vị, địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp công tác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động tuần hành, biểu tình trái pháp luật, đảm bảo tuyệt đối an toàn về ANTT trên địa bàn, đặc biệt là với các CQDN và người nước ngoài tại Hải Phòng. Trong những ngày sôi động này, sáng 18-5, nhóm phóng viên nội chính chúng tôi đã lên đường đến một số tuyến, địa bàn trọng điểm của thành phố. Đúng ngày chủ nhật nhưng 100% CBCS công an các đơn vị nghiệp vụ chủ công và các quận, huyện đều có mặt và sẵn sàng làm nhiệm vụ. Gặp chúng tôi, với đôi mắt còn ngái ngủ, thượng tá Lê Hồng Thắng - Phó trưởng Phòng CSĐT hình sự cho biết: Toàn lực lượng CATP đều có mặt tại đơn vị để nhận nhiệm vụ cấp trên giao. Đêm qua, lính hình sự kết hợp với Công an các quận nội thành, bắt đầu từ 11 giờ đêm tiến hành các biện pháp tuần tra vũ trang tại các tuyến, tụ điểm phức tạp về ANTT, yêu cầu các hàng quán, các điểm vui chơi giải trí không nên hoạt động quá khuya. Đây là một trong những cách để lực lượng bảo vệ ANTT giữ môi trường trong sạch, phòng ngừa việc phát sinh biểu tình, tuần hành trái pháp luật ngay từ cơ sở. Tôi có gọi điện đặt lịch làm việc với đại tá Lương Thế Ngọc - Trưởng phòng An ninh kinh tế - CATP nhưng anh hẹn sẽ tiếp sau một chút. Cũng thông cảm thôi, bởi những ngày này anh đang cùng đơn vị triển khai Kế hoạch về của Giám đốc CATP tăng cường công tác đảm bảo ANTT và bảo vệ các cơ sở kinh tế. Các đơn vị nghiệp vụ đã lập tức triển khai một khối lượng lớn công việc như: phối hợp với công an các địa phương và các đơn vị chức năng của Bộ Công an, thành phố và CATP làm tốt công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn và các CQDN, trường học… Điểm nóng đầu tiên chúng tôi có mặt vào sáng 18-5 là ở huyện Thủy Nguyên. Trên địa bàn huyện hiện có 13 công ty và nhà máy với 343 người Trung Quốc đầu tư, làm việc tại 6 xã, thị trấn; ngoài ra còn có KCN Vsip với gần hai chục doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất gia công các mặt hàng giày da, túi xách, túi bóng, bao bì, thiết bị văn phòng… Khá nhạy bén với tình hình, ngay từ ngày 11-5, BCH Công an huyện đã có phương án phân công lực lượng bảo vệ người nước ngoài và các cơ sở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Thủy Nguyên, thành lập 5 tổ công tác đặc biệt. Các tổ công tác đều có quân số trên dưới chục CBCS được lấy từ các đội nghiệp vụ, có trách nhiệm kết hợp với lực lượng công an các xã, thị trấn (ít nhất mỗi xã có từ 5 đồng chí) và lực lượng bảo vệ tại chỗ của các công ty, doanh nghiệp tổ chức tiến hành nắm tình hình, hướng dẫn, xây dựng kế hoạch bảo vệ cụ thể tại địa phương; phân công thành viên trực tiếp phối hợp nắm tình hình đảm bảo ANTT tại các công ty, nhà máy... và đảm bảo thường trực 100% quân số. Trung tá Trần Đình An - Phó trưởng Công an huyện cho chúng tôi biết: Tất cả các tổ công tác đều lên phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cơ sở vật chất, người nước ngoài tại các công ty doanh nghiệp. Chẳng hạn: KCN Vsip lập tới 3 lớp hàng rào vừa cố định, vừa cơ động bảo vệ; nếu không được phép của lực lượng bảo vệ thì các phương tiện không thể ra vào, nếu có sự cố thì cũng góp phần giảm đến mức thấp nhất về thiệt hại. (còn nữa) PV |