17:53 02/12/2017 Nam Định là vùng đất của nhiều lễ hội mùa thu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, có sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Theo thống kê, tỉnh Nam Định có hơn 30 lễ hội mùa thu, nổi bật là Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Chùa Keo làng Hành Thiện và Lễ hội Chùa Cổ Lễ huyện Trực Ninh. Với mong muốn mang đến sự bình yên, thanh thản khi đến ba lễ hội này,các lực lượng Công an tỉnh Nam Định luôn căng mình đảm bảo tốt tình hình ANTT trên địa bàn.
Chùa Keo làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định là ngôi chùa duy nhất không có sư với kiến trúc 400 năm tuổi. Từ ngày mùng 9 đến hết ngày 16 tháng 9 âm lịch hàng năm, nơi đây diễn ra lễ hội tưởng nhớ Thiền sư Không Lộ và các bậc tiền nhân có công khai ấp, lập thôn. Đây cũng là dịp để người dân trong làng đoàn tụ, sum họp cùng chơi hội, cùng động viên nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp mà vẫn giữ vững, phát huy làng nghề truyền thống.
Thi bơi chải – nét độc đáo của Lễ hội chùa Keo, làng Hành Thiện
Lễ hội Chùa Keo làng gồm phần lễ với những hoạt động tế, rước kiệu trang nghiêm và phần hội với những tiết mục văn hóa văn nghệ, những trò chơi dân gian. Đặc sắc nhất trong lễ hội là giải bơi chải đứng với sự tham gia của 15 xóm trong làng, diễn ra vào ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch. Hoạt động này nhằm tưởng nhớ lúc sinh thời Đức Thánh Tổ Không Lộ làm nghề chài lưới. Với nhiều hoạt động phong phú nên lễ hội thu hút rất đông khách đến tham gia.
Chính vì vậy, công tác đảm bảo ANTT rất được coi trọng. Việc đảm bảo ANTT được Ban công an xã Xuân Hồng chủ trì. Công an huyện Xuân Trường hỗ trợ, tăng cường thêm lực lượng cảnh sát hình sự của huyện.
Đồng chí Đội trưởng Đội cảnh sát Hình sự Công an huyện trực tiếp chỉ đạo các trinh sát nằm vùng tại Chùa Keo trong suốt một tuần diễn ra các hoạt động lễ hội. Lực lượng công an từ huyện đến xã, rồi lực lượng an ninh của Ban tổ chức lễ hội thường xuyên tuần tra bất kể đêm ngày, nhằm giữ vững một lễ hội truyền thống với những giá trị lịch sử và ý nghĩa cao đẹp.
Còn lễ hội Chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh được tổ chức từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 9 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội để tưởng niệm Thiền sư Nguyễn Minh Không - một vị sư nổi tiếng về tài chữa bệnh hóa thân. Trong Lễ hội Chùa Cổ Lễ ngày nay, vẫn giữ được nhiều lễ nghi cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, thi bơi chải…
Lực lượng Công an Nam Định thường xuyên tuần tra đảm bảo an ninh, an toàn suốt thời gian diễn ra lễ hội
Do Chùa Cổ Lễ nằm ngay sát Quốc lộ 21A nên suốt thời gian diễn ra các hoạt động của lễ hội, lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự Công an huyện Trực Ninh phải bám sát mọi hoạt động và có phương án xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. Năm nay, lễ hội diễn ra vào ngày cuối tuần, du khách về dự lễ đông hơn do đó công tác đảm bảo ANTT, ATGT rất được Công an huyện Trực Ninh chú trọng để lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn.
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Kiên, phó trưởng Công an huyện Trực Ninh, hơn 40 cán bộ chiến sỹ Công an huyện thường xuyên cắm chốt tại chùa Cổ Lễ, kết hợp cùng công an cơ sở tổ chức tuần tra, tuyên truyền du khách cẩn thận trong giữ gìn tài sản, đề phòng kẻ gian trà trộn móc túi. Công tác an ninh được thắt chặt, du khách về dự lễ rất tin tưởng và yên tâm.
Anh Nguyễn Thanh Bình, một du khách đến từ Thái Bình cho biết: Năm nào anh cũng về Trực Ninh dự Lễ hội Chùa Cổ Lễ. Năm nay anh thấy công tác an ninh được lực lượng công an huyện làm rất tốt. Ở đâu cũng bắt gặp lực lượng an ninh đi tuần nên anh và những du khách khác rất yên tâm.
Đến thời điểm này, Lễ hội Chùa Keo làng Hành Thiện và Lễ hội Chùa Cổ Lễ huyện Trực Ninh đã khép lại với những dấu ấn đẹp về một lễ hội an toàn, trang nghiêm, giữ được tính lịch sử và có giá trị giáo dục thế hệ trẻ sâu sắc. Kết quả này chính là động lực để Công an tỉnh Nam Định thêm quyết tâm bảo vệ an toàn các lễ hội mùa thu trên địa bàn tỉnh trong những năm tới.
Các lễ hội ở tỉnh Nam Định được tổ chức vào mùa thu, thể hiện sự gắn bó cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Các lễ hội chính là ngày để những người con xa quê có dịp trở về, hòa vào những giá trị truyền thống của quê hương. Lực lượng Công an Nam Định tự hào khi bảo vệ được an ninh, an toàn trong suốt thời gian diễn ra các lễ hội, góp phần thu hút du khách thập phương về dự lễ và vãn cảnh.
BÍCH MẬN
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão