Công an nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự năm 2021

09:52 28/12/2021

Ngày 27/12, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77 đã tập trung thảo luận các chuyên đề công tác. Hầu hết các ý kiến tham luận đều thống nhất cao với những nội dung đánh giá kết quả công tác đã đạt được trong năm qua, gắn với công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa đảm bảo an ninh, trật tự, vừa phòng chống dịch Covid-19.

Đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ caoBộ Công an, đồng chí Trung tướng Nguyễn Minh Chính - Cục trưởng phát biểu tham luận với nội dung: “Giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động đăng tải thông tin tiêu cực, xấu độc, gây phức tạp về an ninh trật tự của các hội, nhóm trên không gian mạng”, cho biết: Năm 2021, nước ta diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội Đảng XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025, cùng với thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại các địa phương phía Nam.

Lợi dụng tình hình trên, các thế lực thù địch, đối tượng, tổ chức phản động, chống đối đã lợi dụng hội nhóm trên không gian mạng để tổ chức các hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước, đăng tải nhiều nội dung tin, bài viết có  nội dung xấu độc, phá hoại tư tưởng, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự. Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao đã chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các hội, nhóm trên không gian mạng, kịp thời tham mưu, phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai có hiệu quả về công tác an ninh đối với các hội nhóm trên không gian mạng, góp phần nâng cao nhận thức quần chúng nhân dân, giữ vững môi trường lành mạnh trên không gian mạng.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, phát biểu tham luận

Đồng chí cũng cho biết thêm: Hiện nay, công tác đấu tranh với hoạt động của các hội, nhóm trên không gian mạng hiện nay còn khó khăn nhất định, nhiều nhóm hoạt động dưới các vỏ bọc từ thiện, nhân đạo; các đối tượng thường sử dụng nhiều thủ đoạn che giấu thông tin cá nhân, sử dụng thông tin “ảo” để tạo lập tài khoản; chủ yếu sử dụng dịch vụ mạng xã hội gây khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý… Thời gian tới, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ tiếp tục tham mưu Bộ Công an đề xuất với Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định quản lý về hội, nhóm trên không gian mạng; đồng thời chú trọng bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho Công an các đơn vị, địa phương.

Đại diện Công an Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an Thành phố phát biểu tham luận với nội dung: “Thành phố Hồ Chí Minh với nhiệm vụ kép phòng chống dịch và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn Thành phố”, cho biết: Với đặc thù là trung tâm kinh tế - xã hội, đầu mối giao thông của khu vực và cả nước, với mật độ dân cư cao và số lượng người nhập cư lớn, TP. Hồ Chí Minh cũng là địa bàn phức tạp về an ninh, trật tự.

Trong năm 2021, trước làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng mới bùng phát, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Điều này đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho lực lượng Công an thành phố; nhiều vấn đề mới phát sinh, chưa từng có tiền lệ đòi hỏi tinh thần, trách nhiệm, bản lĩnh, quyết tâm chính trị, sáng tạo và linh hoạt trong triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, tình hình dịch, bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát; an ninh chính trị được giữ vững, các hoạt động kinh tế- văn hóa- xã hội từng bước phục hồi.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh tại Hội nghị.

Để đạt được những kết quả bước đầu, Công an Thành phố đã rút ra một số bài học kinh nghiệm. Trong đó phải đảm bảo, thống nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng chống dịch và đảm bảo an ninh, trật tự  từ Trung ương đến cơ sở, phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, không cứng nhắc trong giải quyết tình huống. Đồng thời phải xác định lấy địa bàn cơ sở làm chiến trường, tuyến đầu, xây dựng địa bàn cơ sở thành “pháo đài” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phòng chống tội phạm.

Trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt và huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, quần chúng nhân dân, thực hiện tốt việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân; Đẩy mạnh và thống nhất triển khai ứng dụng kỹ thuật – công nghệ vào công tác đảm bảo an ninh, trật tự và phòng chống dịch bệnh; Chủ động kịp thời, chính xác trong công tác nắm và dự báo tình hình, kịp thời cung cấp thông tin chính thống về các mặt công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an ninh trật tự cho người dân nhằm định hướng thông tin, phản bác, chống luận điệu xuyên tạc…

Đại diện Công an tỉnh Long An, đồng chí Đại tá Lâm Minh Hồng, Giám đốc Công an tỉnh phát biểu tham luận với nội dung: “Thực trạng và giải pháp đấu tranh hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia trên địa bàn tỉnh Long An”, cho biết: Trong công tác đấu tranh, phòng ngừa các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an, ngay từ đầu năm 2021, Công an tỉnh Long An đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự trên tuyến biên giới; triển khai các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh. 

 Đại tá Lâm Minh Hồng, Giám đốc Công an tỉnh Long An 

Đồng chí Giám đốc nhấn mạnh: Ngoài yếu tố khách quan do tuyến biên giới dài, với nhiều cửa khẩu và đường mòn, lối mở nên việc qua lại biên giới thuận lợi thì hiện nay đối tượng môi giới, tham gia đưa đón người xuất, nhập cảnh trái phép chủ yếu là người địa phương, có đời sống khó khăn; kiến thức pháp luật còn hạn chế, bị lôi kéo tham gia các hành vi phạm tội; các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép có thủ đoạn rất tinh vi; luôn tìm mọi biện pháp để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, trong khi lực lượng bảo vệ biên giới còn mỏng phải triển khai nhiều mặt công tác, áp lực công việc cao…

Vì vậy, quá trình đấu tranh với hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên địa bàn đòi hỏi lực lượng chức năng cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Đại diện Công an thành phố Hà Nội, đồng chí Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố, phát biểu tham luận với nội dung: “Hoàn thiện quy trình, quy chế công tác hệ thống, liên thông, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả các mặt công tác của Công an thành phố Hà Nội”, cho biết: Sau kiện toàn tổ chức bộ máy theo Nghị định số 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Công an TP. Hà Nội là một trong các đơn vị có quy mô lớn trong lực lượng Công an nhân dân. Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải có một hệ thống quy chế, quy trình công tác đồng bộ, chặt chẽ để tạo ra hành lang pháp lý nội bộ, hữu hiệu để quản lý, lãnh đạo điều hành một cách tập trung, thống nhất, xuyên suốt đến cấp cơ sở.

Công an TP. Hà Nội đã tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại, định danh lại các văn bản có tính quy chế, quy trình hiện có; trên cơ sở đó bãi bỏ những văn bản đã hết hiệu lực hoặc ban hành trái thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung các văn bản cùng điều chỉnh về một nội dung công tác, tránh tình trạng chồng chéo, trùng dẫm. Đồng thời, nghiên cứu ban hành mới các quy trình, quy chế đảm bảo tính hợp pháp, hợp hiến, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn của Công an, đảm bảo tính hệ thống, liên thông, đồng bộ, đảm bảo "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ hiệu quả, đồng thời có sự linh hoạt cao". 

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội.

Qua tổ chức thực hiện, các quy trình, quy chế mới của Công an thành phố Hà Nội bước đầu đã phát huy tác dụng, hiệu quả: Đã tạo ra hành lang pháp lý nội bộ trong công tác quản lý, điều hành tập trung, thống nhất, xuyên xuốt từ Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố đến Công an các xã, phường, thị trấn, sự gắn kết, nhịp nhàng linh hoạt trên các mặt công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức Công an thành phố; tinh thần, ý thức trách nhiệm trong công tác, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ đã có sự chuyển biến rõ rệt; tạo dựng môi trường làm việc trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, công bằng, bình đẳng, nhân văn để cán bộ, chiến sĩ an tâm, nỗ lực công tác, cống hiến…

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an.

Bên lề Hội nghị, đồng chí Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thêm: Trong năm 2021, lực lượng Công an nhân dân với tinh thần chủ động, nhanh chóng, linh hoạt “chuyển trạng thái”, phát huy vai trò nòng cốt, tuyến đầu xung kích, tích cực tham gia, đóng góp toàn diện trong phòng, chống dịch Covid-19, ổn định xã hội. Trong đó đã chủ động nắm tình hình về kinh nghiệm phòng chống dịch Covid-19 ở các nước và dư luận quốc tế về phòng, chống của Việt Nam để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước chỉ đạo, điều hành.

Tích cực thực hiện “ngoại giao vắc- xin”, đẩy mạnh hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật các nước về phòng, chống dịch Covid-19. Tổ chức viện trợ, trao tặng phương tiện, thiết bị, vật tư y tế cho Công an các nước bạn Lào, Campuchia; cử đoàn công tác hỗ trợ Cuba triển khai công tác bảo đảm an ninh mạng trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19. 

Các đại biểu thống nhất khẳng định: những kết quả, thành tích, chiến công của lực lượng Công an nhân dân có ý nghĩa quan trọng để giữ vững ổn định chính trị, xã hội, góp phần đắc lực thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại của đất nước. Đó chính là thắng lợi của tinh thần đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng của cấp uỷ, lãnh đạo chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ từ Bộ đến Công an xã, phường, thị trấn...

Theo Hoàng Thanh/Cổng thông tin điện tử Bộ Công an
Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích