Công an tỉnh Bắc Giang: Khởi tố vụ buôn bán hàng nghìn ống nhựa giả mang nhãn hiệu Nhựa Tiền Phong

16:38 13/12/2017

Ngày 20-11, từ kiến nghị của cơ quan quản lý thị trường, căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh và tài liệu thu thập, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định khởi tố vụ buôn bán hàng nghìn ống nhựa giả nhãn hiệu Nhựa Tiền Phong xảy ra tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Hiện, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, mở rộng vụ án theo quy định của pháp luật. Đây là một quyết tâm chống hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong...

Lực lượng công an cũng vừa bắt giữ một vụ sản xuất, buôn bán ống nghi giả ống Nhựa Tiền Phong

Quyết tâm chống hàng giả

Trước đó, từ nguồn tin tố giác tội phạm, ngày 8-6, tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cán bộ Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phối hợp cùng tổ công tác Đội Quản lý thị trường chống hàng giả (Chi cục QLTT Bắc Giang); Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Bắc Giang) phát hiện nghi vấn và tiến hành kiểm tra xe hàng BKS 29L-8056 do tài xế Nguyễn Văn Thế, địa chỉ tại thôn Tiên Hội, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội điều khiển, trên xe vận chuyển nhiều ống nhựa ghi nhãn hiệu “Nhựa Tiền Phong”.

Chủ hàng là bà Nguyễn Thị Luân, địa chỉ tại thôn Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc số ống nhựa trên. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định trên xe hàng BKS 29L-8056 có tổng cộng 2.120 ống nhựa u.PVC các loại, trong đó có 10 cây ống nhựa phi 140; 27 cây ống nhựa phi 110; 196 cây ống nhựa phi 90;  121 cây ống nhựa phi 75;  215 cây ống nhựa phi 60; 220 cây ống nhựa phi 48; 431 cây ống nhựa phi 42; 260 cây ống nhựa phi 34; 640 cây  ống nhựa phi 27, chiều dài mỗi ống 4 mét.

Số ống nhựa bị Công an Bắc Giang tạm giữ

Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành kiểm tra kho hàng của cửa hàng Toàn Phương, địa chỉ tại thôn Chính Ngoài, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, Bắc Giang do ông Phạm Văn Toàn làm chủ hộ kinh doanh; phát hiện tại đây có khoảng 1.000 ống nhựa u.PVC các loại, trong đó có 6 ống nhựa phi 200; 1 ống nhựa phi 160; 6 ống nhựa phi 140; 33 ống nhựa phi 110; 85 ống nhựa phi 90; 130 ống nhựa phi 75; 196 ống nhựa phi 60; 151 ống nhựa phi 48; 95 ống nhựa phi 42; 133 ống nhựa phi 34; 33 ống nhựa phi 27, chiều dài mỗi ống 4 mét.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa trên và đề nghị phía Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (đơn vị chính hãng) cử cán bộ đến phối hợp kiểm tra, giám định sơ bộ số ống nhựa thu giữ. Ngày 12-6, căn cứ đề nghị của Đội Quản lý thị trường chống hàng giả (Chi cục QLTT Bắc Giang), Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã cử cán bộ phòng quản lý chất lượng và cán bộ chuyên trách chống hàng giả trực tiếp đến Chi cục QLTT Bắc Giang tiến hành phân loại, kiểm tra. Kết quả cho thấy, hơn 3.000 sản phẩm ống nhựa nói trên đều không có xuất xứ từ công ty như nhãn hiệu của sản phẩm cho biết...

Cơ quan điều tra vào cuộc

Theo các cán bộ quản lý chất lượng của Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) cho biết, dù đã sản xuất ra vô vàn ống nhựa thì mỗi chiếc ống mang thương hiệu Nhựa Tiền Phong đều có “tên tuổi”, được đánh dấu nguồn gốc, xuất xứ bằng mã vạch trước khi xuất xưởng ra thị trường.

Do vậy, việc xác định ống có nguồn gốc từ Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền Phong hay không là khá rõ ràng. Khi nhận được đề nghị phối hợp kiểm tra, giám định từ Đội Quản lý thị trường chống hàng giả (Chi cục QLTT Bắc Giang), cán bộ công ty đã tiến hành xem xét, đánh giá các dấu hiệu, ký mã hiệu, quy cách sản phẩm, chữ in và đưa ra nhận định: thứ nhất, sản phẩm không có đầy đủ hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ được sản xuất tại Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong.

Thứ hai, về hình thức, mẫu mã sản phẩm xấu, màu sắc thiếu sự đồng nhất. Thứ ba, logo trên sản phẩm không giống với logo chuẩn của Nhựa Tiền Phong. Ngoài ra, chữ in không sắc nét, không phù hợp với Font chữ tiêu chuẩn của Nhựa Tiền Phong, các sản phẩm có dãy số mã hoá không trùng khớp với tiêu chuẩn của Nhựa Tiền Phong và không trùng khớp về thời gian sản xuất... Đây là những dấu hiệu đặc trưng cho thấy, toàn bộ lô sản phẩm trên là hàng hoá giả mạo nhãn hiệu Nhựa Tiền Phong.

Phía công ty cũng khẳng định, không ủy quyền cho bất kỳ đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất nào trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sản xuất các loại sản phẩm nêu trên, việc phân phối chỉ được thông qua các đơn vị có ký hợp đồng Đại lý chính thức với Nhựa Tiền Phong. 

Số ống nhựa bị Công an Bắc Giang tạm giữ

Nhận thấy có dấu hiệu vụ án hình sự, Đội quản lý thị trường chống hàng giả (Chi cục QLTT Bắc Giang) đã chuyển hồ sơ, kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án hình sự về tội buôn bán hàng giả. Ngày 7-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định phân công cán bộ giải quyết theo tin báo tố giác tội phạm.

Ngày 11-7, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ra quyết định phân công kiểm sát về vụ việc trên. Ngày 11-8, Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định trưng cầu giám định số 195/PC46 gửi đến Viện Khoa học hình sự Bộ Công an đối với số ống nhựa ghi nhãn hiệu Tiền Phong đang tạm giữ của bà Nguyễn Thị Luân và ông Phạm Văn Toàn.

Ngày 22-8, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang ra quyết định trưng cầu định giá tài sản số 1816/PC46 đối với số ống nhựa ghi nhãn hiệu Tiền Phong đang tạm giữ của bà Nguyễn Thị Luân và ông Phạm Văn Toàn.

Ngày 4-10, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an có kết luận giám định số 4124/C54 (P4) xác định mẫu ống nhựa ghi nhãn hiệu Tiền Phong đang tạm giữ của bà Nguyễn Thị Luân và ông Phạm Văn Toàn gửi giám định là giả. Ngày 9-11, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bắc Giang có kết luận định giá tài sản số 04/2017/KL-HĐĐG định giá 2.120 ống nhựa của bà Nguyễn Thị Luân bị tạm giữ có trị giá tương đương với hàng thật là 159.486.000 đồng; 869 ống nhựa của ông Phạm Văn Toàn bị tạm giữ có trị giá tương đương với hàng thật là 100.655.000 đồng.

Căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh và tài liệu thu thập được xác định hoạt động buôn bán ống nhựa giữa Nguyễn Thị Luân và Phạm Văn Toàn là hoạt động buôn bán ống nhựa giả nhãn hiệu Nhựa Tiền Phong của Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền Phong, ngày 20-11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Giang ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn bán hàng giả theo điều 165 Bộ luật hình sự, xảy ra tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Hiện, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, mở rộng vụ án theo quy định của pháp luật.

NHẬT LAM

 

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông