| Ông Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) |
Chiều 26/4, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo công bố danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở 184 đơn vị bầu cử trong cả nước để bầu 500 đại biểu Quốc hội khóa XIV. Chủ trì cuộc họp báo có các đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia; Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia. Hơn 200 lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế tham dự cuộc họp báo. Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã công bố Nghị quyết danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Trong tổng số 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV theo từng đơn vị bầu cử, có 197 người do Trung ương giới thiệu, 673 người do địa phương giới thiệu, đạt 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu (trong đó có 11 người tự ứng cử). Cơ cấu chung của cả nước như sau: Người ứng cử là phụ nữ: 339 người ( đạt 38,97%); Người ứng cử là người dân tộc thiểu số: 204 người ( 23,45%); Người ứng cử là người ngoài Đảng: 97 người (11,15%); Người ứng cử là đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử: 168 người (19,31%); Người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 268 người (30,80%).
Trong số 197 người ứng cả đại biểu Quốc hội khóa XIV ở Trung ương: Khối cơ quan Đảng 12 người ( đạt 6,09%); Khối cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp 5 người (2,54%); Khối các cơ quan của Quốc hội 113 người (57,36%); Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ 17 người (8,63%); Bộ Quốc phòng (gồm cả Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng) 15 người (7,61%); Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an) 3 người (1,52%); Kiểm toán Nhà nước 1 người (0,51%); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên 31 người (15,74%). Đáng chú ý, trong số người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương, số người ứng cử là phụ nữ có 310 người ( chiếm 46,06%); người ứng cử là người dân tộc có 187 người (chiếm 27,79%); người ứng cử là người ngoài Đảng (chiếm 13,37%); người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) chiếm 262 người (chiếm 38,93%) và số đại biểu Quốc hội khóa XIII tái cử là 67 người ( chiếm 9,96%). Quang cảnh họp báo công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV. (Ảnh: An Đăng/TTXVN) Trao đổi, làm rõ hơn nội dung phóng viên hỏi về việc phân bổ ứng cử của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều được phân bổ đồng đều về các vùng miền trên cả nước. Băn khoăn của phóng viên về việc thực hiện quyền công dân của các trường hợp người bị tam, tạm giữ, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đối với những cử tri bị tam giam, tạm giữ, luật cho phép được bầu cử bởi theo luật định những người này chưa mất quyền công dân. "Sẽ có nhiều hình thức bỏ phiếu để đảm bảo người đó được bỏ phiếu, trong quá trình lập danh sách cử tri đều được công khai," Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tạo điều kiện cho các ứng cử viên là phụ nữ, người dân tộc để xây dựng chương trình hành động vận động bầu cử, ông Trần Văn Túy cho biết, đây là vấn đề được Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Mặt trận Tổ quốc các cấp... đặc biệt quan tâm bằng những việc cụ thể.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có chương trình tập huấn riêng, các địa phương cũng có chương trình tập huấn cho các đối tượng này để truyền đạt kinh nghiệm. Gần đây, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhóm nữ nghị sỹ cũng tổ chức hai diễn đàn để trao đổi kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức cho những người ứng cử. Theo TTXVN |