Công bố môn thi thứ tư Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT: Học sinh cần ôn gì về môn Lịch sử

    10:11 31/03/2019

    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ có khoảng 21 nghìn học sinh dự thi, trong đó theo thông lệ hàng năm sẽ có khoảng 2/3 số này thi đỗ vào trường THPT công lập, số còn lại sẽ được phân luồng để học tại các trường THPT dân lập, trường nghề. Bên cạnh việc đã ôn luyện 3 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, ngay khi Sở Giáo dục và đào tạo TP Hải Phòng vừa tổ chức bốc thăm và công bố môn thi thứ 4, các nhà trường và trên 2 vạn học sinh đã tập trung khẩn trương ôn luyện môn Lịch sử...

    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019

    Môn thi “bất ngờ”…

    Đúng 16h30 ngày 26-3, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hải Phòng tổ chức bốc thăm và công bố môn thi thứ 4 Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020. Để lễ bốc thăm đảm bảo công khai, minh bạch, buổi lễ có sự tham dự của đại diện Ban giám đốc sở, Phòng Giáo dục một số quận, huyện và đại diện một số trường THPT, giáo viên và học sinh trên địa bàn.

    Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường nhấn mạnh,  thực hiện việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đổi mới phương thức, nội dung học và thi, trong những năm qua, Hải Phòng luôn đổi mới để đáp ứng yêu cầu việc học và thi một cách công khai, minh bạch. Việc Sở tổ chức bốc thăm môn thi thứ 4 vào cuối tháng 3 là nhằm mục đích để nhà trường và học sinh tổ chức dạy và học đủ các môn trong chương trình lớp 9, đảm bảo lượng kiến thức toàn diện.

    Thời điểm công bố môn thi đến lúc thi cũng còn hơn hai tháng, đủ thời gian để học sinh ôn tập. “Việc tổ chức thi vào 10 là kỳ thi để sát hạch, phân luồng học sinh. Sau kì thi, học sinh có thể học các trường công lập, dân lập hoặc học nghề” Giám đốc Sở GD-ĐT nói.

    Ngoài 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh, tất cả các môn thi còn lại gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đều được Trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Hoàng Văn Đức niêm phong lá thăm và đưa vào thùng phiếu để bắt thăm.

    Em Vũ Xuân Đức Anh, học sinh lớp 9A1 trường THCS Trần Phú (quận Lê Chân) đại diện bốc thăm và kết quả em đã bắt trúng môn thi thứ tư là môn Lịch sử. Ngay sau khi có môn thi thứ 4, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có thông báo tới phòng giáo dục quận, huyện, thông báo chỉ đạo tới các trường THCS thuộc quyền quản lý để tuyên truyền hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh có kế hoạch học tập, ôn luyện phù hợp, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT năm học 2019-2020.

    Từ Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT chọn phương án thi Toán, Văn và Tổ hợp 2 môn (môn Tiếng Anh và 1 môn bốc thăm trong 6 môn còn lại) được dư luận đánh giá khách quan, giảm bớt áp lực cho các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào 10 THPT. Dự kiến, Kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 sẽ tổ chức thi vào tháng 6-2019, trước Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.

    Khi nhận thông tin môn thi thứ tư sẽ là môn Lịch sử, nhiều phụ huynh chia sẻ với phóng viên rằng cảm thấy bất ngờ. Lâu nay nhiều phụ huynh và học sinh quay lưng lại với môn Lịch sử, chỉ xem Lịch sử là một… môn phụ. Hàng nghìn điểm 0 trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 đã minh chứng cho điều này. Ngoài ra, năm 2018, phổ điểm bài thi môn Lịch sử tiếp tục có điểm thấp nhất với hơn 83% thí sinh có điểm dưới trung bình.

    Chính vì thế câu chuyện dạy Lịch sử và học Lịch sử được mổ xẻ nhiều và được ngành giáo dục đặc biệt quan tâm. Nhiều Hiệu trưởng trường THPT cho rằng, cần phải lấy điểm đầu vào môn Lịch sử cao hơn để có đầu vào tốt hơn, chuẩn bị cho học sinh có điểm cao môn Lịch sử tại Kỳ thi THPT quốc gia sau 3 năm học bậc THPT.

    Năm học này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng bốc thăm và  xác định lịch sử là môn thi thứ tư trong Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 cũng là điều bất ngờ, song cần thiết để các nhà trường THCS và học sinh lớp 9 tập trung hơn nữa vào môn học được coi là “khó” này.

    Đón chờ các thí sinh sau khi làm bài thi

    Cách nào học Sử giỏi

    Môn Lịch sử là bộ môn có ít tiết học ở bậc học THCS. Ngoài ra, trong quá trình ôn tập học sinh lớp 9 để chuẩn bị cho Kỳ thi vào lớp 10 năm học 2019-2020, ngoài ba môn thi bắt buộc thì trong sáu môn thi còn lại, các nhà trường thường tập trung vào các môn Tự nhiên, như: Vật lý, Hóa học và Sinh học, bởi đây là những môn học đòi hỏi kiến thức vững vàng và có tính kế thừa từ những năm học trước. Thầy Trịnh Doãn Toản, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng) cho hay, học sinh trường mình năm trước tập trung ôn thi các môn Tự nhiên ngay từ sớm nên khi môn bốc thăm rơi vào môn Vật lý, các em đã làm bài thi rất thuận lợi.

    Học sinh nhà trường đạt điểm bình quân môn Vật lý là 7,8 - điểm môn bốc thăm cao nhất này so với các trường THCS trên địa bàn quận Hồng Bàng. Kế thừa và phát huy phương pháp ôn luyện đó, ngay từ đầu năm, trường tập trung vừa dạy, vừa ôn luyện để học sinh “học đến đâu, chắc đến đấy” các môn Tự nhiên, nhất là môn Sinh học - được cho là hóc búa và học sinh e ngại nếu môn bốc thăm rơi vào môn này.

    Khi nhận được thông tin môn thi thứ tư được bốc thăm rơi vào môn Lịch sử, nhà trường đã lên kế hoạch để các em có thời gian ôn tập môn này cùng với ba môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh. “Khoảng đầu tháng 4, nhà trường sẽ tập trung ôn thi cho các em để chuẩn bị cho Kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp tới. Môn Lịch sử ”, thầy Toản nói.

    Môn Lịch sử được coi là môn khó. Do nhiều học sinh sợ những bài học dài, nhiều con số, đặc biệt với phương pháp “học vẹt”, học chay khiến bộ môn này trở nên “khó nhằn” đối với những học sinh ngại học thuộc lòng. Những năm qua, khắc phục nhược điểm phương pháp dạy học Lịch sử “cô đọc, trò ghi” khô khan trên lớp, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT hướng dẫn các nhà trường xây dựng các chuyên đề “Học lịch sử địa phương”.

    Thay vì phải học thuộc lòng hàng trăm trang sử với những con số khô khan, khi tham gia chuyên đề, học sinh có thể đến di tích tham quan để hình dung lại quá trình lịch sử; hoặc có thể tự nghiên cứu thông qua sách vở tại thư viện, hoặc sưu tầm qua mạng Internet để hiểu biết và viết chuyên đề. Với cách học này, việc học Lịch sử địa phương trở nên dễ dàng hơn. Tự hào về truyền thống địa phương, phương pháp học mới cũng là nền tảng để các em tiếp thu tốt môn Lịch sử ở bậc học cao hơn…

    Theo cô Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (quận Lê Chân), “Dân ta phải biết sử ta” -  như lời Bác Hồ dạy, việc học môn Lịch sử là cần thiết để các em có thêm vốn hiểu biết, giúp các em có tình yêu quê hương, tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc, thành phố và các địa phương.

    Việc chọn môn thi thứ tư là môn Lịch sử không hẳn là khó, nếu không nói là dễ. Các em chỉ cần dành thời gian ôn tập chăm chỉ, chịu khó thu thập, ghi nhớ kiến thức từ đó có được suy luận của mình về các sự kiện lịch sử, các mốc son trên trang sử vàng dân tộc… là có thể hoàn thành tốt bài thi, nhất là đây là bài thi trắc nghiệm.

    Môn Lịch sử cũng có thể gây khó đối với các học sinh trước đó đã dành quá nhiều thời gian ôn tập các môn: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Tiếng Anh…, do vậy các em cần đổi hướng nhanh trong hai tháng ôn tập tới. “Các thầy cô giáo cũng cần rà soát lại các kiến thức cần thiết, bổ sung lịch sử địa phương để các em hoàn thành bài thi tốt nhất”, cô Hương nói.

    HẢI HẬU

     

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông