Công nghiệp phụ trợ

16:43 19/07/2022

Gần đây, Hải Phòng nổi lên là trung tâm công nghiệp chế tạo, với những thương hiệu sản phẩm được khẳng định trên thị trường trong và ngoài nước. Có thể kể như các sản phẩm tàu thủy, điện tử, ô tô… Nhưng cùng với đó, một vấn đề được nhiều người quan tâm lại được đặt ra, đó là cơ hội nào cho sản phẩm phụ trợ thương hiệu Việt trong các sản phẩm này?
Một số sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Hải Phòng

Theo khái niệm chung, công nghiệp phụ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh, là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng

Cụm từ “công nghiệp phụ trợ” hay “công nghiệp hỗ trợ” được nhắc nhiều trong các văn bản liên quan đến phát triển của ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Về mặt lý thuyết, việc phát triển công nghiệp phụ trợ được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài hàng chục năm qua, ngành công nghiệp phụ trợ của Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung chưa đáp ứng được như mong đợi.

Còn nhớ thời điểm tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam hoạt động tốt, Hải Phòng là nơi tập trung nhiều nhà máy đóng tàu nhất của Vinashin, chiếm tới trên 50% tổng lực của cả nước. Cùng với việc thực hiện những dự án đóng tàu tải trọng lớn, Vinashin cũng triển khai các dự án công nghiệp phụ trợ.

Chẳng hạn như dự án sản xuất thép Cửu Long Vinashin, với mục tiêu cung cấp các loại thép đặc chủng tạo lên kết cấu khung tàu. Đồng thời một loạt những nhà máy vệ tinh khác cũng ra đời với sản phẩm que hàn, dây điện, sơn… đáng tiếc, những dự án phụ trợ này chưa kịp khẳng định, đã sụp đổ cùng đế chế Vinashin.

Những năm gần đây Hải Phòng là một trong những địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ mạnh mẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế đến nay có rất ít doanh nghiệp FDI đầu tư thực sự cho công nghiệp phụ trợ, hoặc nếu có cũng là các nhà máy sản xuất gia công nhằm phục vụ nội ngành hoặc xuất khẩu, tận dụng giá nhân công rẻ ở Việt Nam.

Sự thiếu đồng bộ giữa sản phẩm chính và sản phẩm phụ trợ đã dẫn tới việc các doanh nghiệp đầu tư những tổ hợp sản xuất rất lớn, nhưng sản phẩm phụ trợ cũng được nhập khẩu gần như toàn bộ, khiến chi phí sản xuất cao nhưng giá trị gia tăng rất thấp.

Tại sao lại như vậy? Theo phân tích của các chuyên gia, thì một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng trên đó là sự chênh lệch quá lớn giữa các sản phẩm phụ trợ Việt Nam và sản phẩm cùng loại nhập khẩu, về chất lượng, về độ chính xác, về công nghệ sản xuất và cả tính ổn định trong sản xuất lẫn cung ứng.

Mặt khác, những thương hiệu lớn kể thường hoạt động trong quy mô đa quốc gia, việc đầu tư khép kín các nhóm sản phẩm phụ trợ cũng đã hình thành hệ thống trong chiến lược đầu tư, nên không thể cứ muốn là thay đổi. Nói cách khác, thị trường mới mang tính quyết định cho mục tiêu phát triển của công nghiệp phụ trợ, chứ không phải cứ hô khẩu hiệu “đầu tư phát triển” mà thành công.

Như đã đề cập ở kỳ trước, công nghiệp phụ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, phụ kiện, phụ tùng linh kiện, bán thành phẩm để phục vụ cho một sản phẩm hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, theo cách định nghĩa này thì sản phẩm phụ trợ có phạm vi rất rộng, bởi trong sản xuất thì bản thân các sản phẩm phụ trợ khi trở thành hàng hóa cũng đòi hỏi hoàn chỉnh và cần sự bổ sung của các sản phẩm phụ trợ khác. Ví dụ để có được sản phẩm cơ khí như khung xe máy phải cần nguyên liệu phụ trợ là thép, que hàn, sơn…

Sản xuất pin cho ô tô điện tại Tổ hợp công nghệ Vinfast

Mặc dù vậy, cũng là công nghiệp phụ trợ, nhưng sản phẩm đôi khi chỉ là hình thức thương mại trá hình. Chẳng hạn cũng ở Hải Phòng, băng dính là một sản phẩm phụ trợ được dùng nhiều trong công nghiệp nhẹ, nhưng các cơ sở trong nước thường nhập khẩu cả cây băng dính có khổ rộng hàng mét nguyên phẩm từ Trung Quốc, Đài Loan… và nhà “sản xuất” Việt chỉ việc cưa mỏng từng kích thước theo yêu cầu đơn hàng.

Rõ ràng cách làm không phải không hiệu quả, nhưng cơ bản không thể xếp vào “công nghiệp phụ trợ” cần khuyến khích phát triển. Thực trạng này cho thấy, vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ với những chính sách ưu tiên không thể đánh đồng với mọi sản phẩm.

Mặt khác, cũng cần phải thay đổi nhận thức về sản phẩm Việt, rất thiếu thiết thực nếu chỉ mải mê niềm tự hào “tự phát triển” khi mà trình độ thế giới đã vượt chúng ta hàng trăm năm. Chẳng khác nào so sánh giữa một ông thợ nguội ngồi rũa cả ngày được chiếc đinh vít, với một hệ thống thiết bị tự động xuất xưởng hàng nghìn sản phẩm đinh vít cùng tiêu chuẩn chỉ trong một phút.

Cũng liên quan đến yếu tố cạnh tranh, hiện hầu hết các sản phẩm phụ trợ tự phát triển trong nước đều khó tranh khách với sản phẩm nhập khẩu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thậm chí cả về giá. Về điều này, một chủ cơ sở nhựa ở Hải Phòng chia sẻ, hiện cơ sở đang dùng máy móc nhập của Trung Quốc, hạt nhựa, hóa chất mua từ Trung Quốc, nhân công giữa ta và họ tương đồng, thì sản phẩm của họ chắc chắn cạnh tranh tốt hơn ta vì họ có nền tảng.

Đó là một trong những lý do mà các nhà sản xuất nước ngoài phải nhập khẩu linh kiện đi kèm, nhất là trên lĩnh vực công nghệ cao. Có thể thấy, việc đầu tư xây dựng nhà máy xơ sợi  xơ sợi polyester Đình Vũ (Hải Phòng) dù với quy mô rất lớn nhưng thất bại ngay từ khi vận hành vì nguyên nhân thị trường tiêu thụ, là một bài học hết sức đắt giá.

Thiết nghĩ, để thuyết phục các nhà sản xuất ngoài nước chấp nhận sản phẩm, công nghiệp phụ trợ không thể đợi họ đi vào sản xuất mới tiếp cận bán hàng, mà cần phải đàm phán đặt ngay từ ban đầu. Nhưng đây là vấn đề vĩ mô, gần như nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và hợp tác xã, nguồn lực chính trong công nghiệp phụ trợ.

Kể từ khi tập đoàn Vin Group khởi công dự án sản xuất ô tô Vinfast tại Hải Phòng, một nguồn lực đầu tư lớn đã được dành cho sản xuất phụ trợ. Rất có thể, đây chính là cơ hội để công nghiệp phụ trợ Hải Phòng tìm ra một hướng tiếp cận khác, định hình cho một giai đoạn phát triển mới.

Trong điều kiện trình độ công nghệ của Việt Nam rất tụt hậu so với thế giới, hướng phát triển chuyển giao công nghệ sẽ giúp cho công nghiệp phụ trợ trong nước theo kịp thời đại. Tuy nhiên, để công nghiệp phụ trợ thực sự phát triển, ở tầm vĩ mô nhà nước cần có động thái cụ thể thiết thực hơn, trước hết là rà soát lĩnh vực cần và có tiềm năng.

Tiếp đó phải có các chính sách mang tính tiêu chuẩn về công nghệ, thiết bị, nguồn nhân lực, nguồn khai thác nguyên phụ liệu và cuối cùng phải là nguồn tài chính. Bởi lẽ, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, công nghiệp phụ trợ thường được đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm lĩnh, trong khi ở Việt Nam thì nguồn tài chính là một trong những yếu tố cạnh tranh yếu nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hy vọng trong thời gian tới, để cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, ngành công nghiệp phụ trợ Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung sẽ tìm được hướng đi thích hợp.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích