03:49 21/09/2014 Con đường đến với học viện HA.GL JMG của Phượng kể ra là cả một câu chuyện dài, đầy nước mắt.
Con đường đến với học viện HA.GL JMG của Phượng kể ra là cả một câu chuyện dài, đầy nước mắt. Thậm chí, người hùng của U19 VN còn suýt no đòn vì dán mắt xem tin tuyển dụng trên TV. Công Phượng sinh ra với cái đói, cái nghèo bủa vây nhưng bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, vợ chồng bà quan tâm và dành tình yêu thương cho Phượng không thua bất cứ ai. Cũng bởi “chiều chuộng” mà Công Phượng mới có nhiều điều kiện tiếp cận được với bóng đá và có cơ hội đến với HAGL Arsenal JMG. Nhà rất nghèo nhưng bà Hoa luôn quan tâm tối đa đến Công Phượng, sẵn sàng bán lúa, đạp xe ra thị trấn mua quả bóng nhựa để mang niềm vui đến cho con trai.
Khi sinh Công Phượng, vợ chồng ông Bảy cũng xác định “chốt” luôn vì trước Phượng đã có tới 4 người con. Là con út (thời điểm ấy) nên Phượng được không chỉ bố mẹ mà các anh, các chị dành sự quan tâm đặc biệt. Ngày ấy nhà nghèo nhưng thấy hai anh em là Nguyễn Công Khoa, Nguyễn Công Phượng đá bóng rơm tội quá, bà Hoa đã đầu tư mua cho quả bóng nhựa, rồi bóng giun, bóng da. “Chúng nó đá ngày, đá đêm nên cứ vài hôm lại hỏng một quả bóng. Chúng tôi là nông dân, tiền mô có nhiều, mà bóng nhựa thì rẻ chứ bóng da thì cũng phải mấy chục ngàn một quả. Cứ liên tục đầu tư như vậy cũng là vấn đề. Nhưng thấy hai đứa đam mê quá, nên có khi tui phải bán cả lúa, đạp xe lên thị trấn mua bóng cho chúng đá”, bà Hoa tâm sự. Rồi nữa, như lời bà Hoa, cũng vì mê đá bóng quá mà hai anh em Phượng “phá” không biết bao nhiêu là tài sản của gia đình. Hũ cà muối, vại tương dù đã đặt ở những nơi cẩn thận cũng bị hai anh em Phượng đá cho bể nát. Mái nhà, ông Bảy cũng phải liên tục sửa lại vì bóng dội nhiều lần làm cho ngói bị vỡ. Mâm bát đĩa, phơi khô chưa kịp cất đi là cũng bị quả bóng tìm đến phá cho tan tành. Xót của nhưng thấy hai anh em chơi vui vẻ, đoàn kết, ông Bảy, bà Hoa cũng không hề trách, ít khi nặng lời với con. Khi Nguyễn Công Khoa mất đi, sự yêu thương của bà Hoa, ông Bảy dành cho Phượng càng lớn hơn. Thời điểm đó, Phượng suy sụp khi mất đi người anh trai, người bạn lớn của mình. Chính bố mẹ đã động viên Phượng ra sân bóng của làng chơi, thay vì quanh quẩn ở nhà. Và cũng vì muốn Công Phượng vui, bà Hoa một thời gian dài cứ một ngày đạp xe 18km đưa Phượng lên thị trấn tập ở lớp năng khiếu rồi chở về. Nhà nông, công việc ngập đầu nhưng vì “chiều chuộng” Công Phượng, bà Hoa sẵn sàng gác lại mọi thứ. Thậm chí, ông Bảy, bà Hoa nói nửa đùa, nửa thật, cũng vì muốn cho Công Phượng vui, ông bà mới sinh tiếp một đứa nữa với suy nghĩ, Phượng có em sẽ cảm thấy bớt đi sự cô đơn. Em gái của Công Phượng nay cũng đã hơn 10 tuổi.
Khi thi tuyển nhưng không trúng vào “lò” Sông Lam, Phượng đã hứa, không để bố mẹ phải khổ vì đam mê của mình nữa. Phượng đã có ý định bỏ học vào Nam với anh chị làm ăn, gửi tiền về nuôi gia đình. Bà Hoa phải làm công tác tư tưởng liên tục và Phượng đồng ý, bỏ chơi đá bóng, tập trung học hành thành tài cho bố mẹ không phiền lòng. Nhưng buổi chiều nọ, đang thu dọn lúa phơi ngoài sân cùng mẹ, nghe nhạc hiệu chương trình thể thao, Công Phượng bỏ dở chạy vào xem. Dán mắt vào ti vi để mặc một mình mẹ làm việc, sau đó còn nằng nặc lôi mẹ vào xem cùng. Nóng nực và mệt nhọc, bà Hoa nổi khùng định tát cho Phượng một cái. Nhưng khi nghe Công Phượng giải thích là có học viện nọ, chuẩn bị khai giảng khoá đầu tiên và đang quá trình tuyển người nên muốn mẹ xem cho ý kiến, bà Hoa mới dịu hơn. Lúc đầu, bà Hoa phản đối vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, là học viện liên kết với nước ngoài nên yêu cầu khắt khe mà một cầu thủ gầy gò, ồm yếu như Công Phượng khó lòng mà trúng tuyển. Thế nhưng nghe Phượng van nài, bà Hoa cũng mủi lòng. Một lần nữa, bà lại phải “chiều chuộng” con. Nhưng cả bà Hoa lẫn Công Phượng cũng không thể ngờ, buổi chiều “định mệnh” ấy đã làm thay đổi cả cuộc đời Phượng. Bà gọi ngay cho ông Bảy, lúc đó đang làm công trình ở thị trấn Đô Lương về gấp. Hai ông bà sau đó gọi điện cho một người quen ở Gia Lai hỏi về việc thi tuyển và được người ấy chỉ bảo cho tận tình. Buổi tối, cả hai vợ chồng lôi hết số tiền trong nhà ra nhưng không đủ, phải sang nhà hàng xóm vay thêm 500 ngàn nữa để lên đường.
Vì không thể chậm hơn được nữa, rạng sáng ngày hôm sau, cha con ông Bảy dậy sớm, được bà Hoa pha cho hai bát mì tôm ăn vội rồi vác ba lô ra đường, bắt xe xuống Vinh để tiếp tục vào Gia Lai. Đến Pleiku lúc 4 giờ sáng ngày kế tiếp, cha con Công Phượng chưa thể liên lạc được với người họ hàng, đành phải ngồi ở cửa SVĐ chờ đến sáng để thi tuyển. Rồi giây phút hàng trăm thí sinh tập trung thi tuyển cũng đến. Ông Bảy ngồi trên khán đài, thấy Công Phượng sau bài thi đối kháng được giữ lại thi tiếp. Cả buổi hôm ấy, thi đối kháng với mấy chục thí sinh khác, Phượng đều dành chiến thắng. Sau buổi thi, tuyển trạch viên người nước ngoài cầm lấy tay Phượng hỏi quê quán và ai là người đưa đến đây. Sau khi có phiên dịch của HAGL giúp đỡ, Phượng dắt đến gặp bố là ông Nguyễn Công Bảy lúc ấy đang ngồi trên khán đài. Nhìn thấy ông Bảy, vị chuyên gia người nước ngoài ấy gật đầu và thông báo luôn, Phượng đã vượt qua được đợt sát hạch đầu tiên. Nhờ sự đóng góp của Công Phượng cùng các con trong gia đình, ông Bảy và bà Hoa sắp có ngôi nhà mới, khang trang hơn.
Sau đó, CLB HA.GL đã đài thọ toàn bộ chi phí, để ông Bảy và Công Phượng trở về Nghệ An, chờ thông báo tiếp theo từ phía HAGL. Khi Công Phượng đã thành tài, những câu chuyện ấy vẫn mãi khắc ghi trong tâm trí của vợ chồng ông Bảy, bà Hoa. Theo Zing |
16:01 21/11/2024
18:51 18/11/2024