Công tác tuyên huấn trong tầm nhìn chiến lược của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn

22:22 14/01/2016

Gần 30 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí Trần Quốc Hoàn đã có hàng ngàn bài viết, bài nói chuyện được đăng tải trên báo và in thành sách. Trong cuốn “Đồng chí Trần Quốc Hoàn, chiến sĩ Cách mạng trung kiên, nhà lãnh đạo xuất sắc của Công an Việt Nam” do NXB Chính trị quốc gia và NXB Công an nhân dân phối hợp xuất bản năm 2006 có bài nói của đồng chí Trần Quốc Hoàn về công tác Tuyên huấn. Đây là niềm vinh dự cho những người làm công tác Tuyên huấn CAND đồng thời cũng nói lên sự quan tâm sâu sắc và tầm nhìn xa của đồng chí Trần Quốc Hoàn về công tác quan trọng này… 

Đó là bài nói chuyện của đồng chí Trần Quốc Hoàn tại Hội nghị công tác tuyên huấn Công an vào tháng 7 năm 1967. Gần nửa thế kỉ trôi qua nhưng giá trị lí luận và thực tiễn vẫn còn nguyên vẹn, chứng tỏ tầm nhìn rộng lớn và quan điểm sâu sắc của đồng chí Trần Quốc Hoàn đối với công tác tuyên huấn.         

 

  Đồng chí Trần Quốc Hoàn đã xác định, công tác tuyên huấn có nhiệm vụ to lớn và nặng nề, nó góp phần để  “xây dựng một đội ngũ cán bộ Công an vững mạnh, sắc bén và nhạy bén”. Với nhiệm vụ rất cụ thể là “Trong nội bộ công tác tuyên huấn phải tuyên truyền động viên cán bộ chiến sĩ yêu ngành, yêu nghề, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Ngoài nhân dân, công tác tuyên truyền phải biết nâng cao cảnh giác, động viên được cán bộ, công nhân và nhân dân tham gia trấn áp phản cách mạng, giữ gìn trật tự an ninh”. 

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đến thăm một đơn vị công an trước ngày lên đường đi chiến đấu và công tác ở chiến trường miền Nam.

Vấn đề quan trọng mà đồng chí cố Bộ trưởng đề cập trong bài này là công tác tuyên huấn liên quan mật thiết đến nhiệm vụ xây dựng người Công an nhân dân Việt Nam. Đó vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài. 

Đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng chỉ ra rằng, vấn đề đầu tiên trong nhiệm vụ xây dựng người CAND là giáo dục về lí tưởng. Công an là công cụ sắc bén để bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân nên lí tưởng của người Công an cũng chính là lí tưởng của Đảng, không thể có lí tưởng nào khác. Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nói: “Nó làm nên linh hồn của người chiến sĩ Công an, là cơ sở tạo nên quan điểm lập trường, tinh thần và thái độ công tác của người cán bộ chiến sĩ”. 

Nội hàm của lí tưởng Cộng sản chủ nghĩa được cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nêu lên như sau: Phải luôn kiên định, luôn có ý thức để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tỉnh táo, nhạy bén và kiên quyết chống lại mọi sự phản bội, xuyên tạc, ngụy biện. Chống lại mọi âm mưu hoạt động “diễn biến hòa bình”.  

 

 

Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và luật sư Nguyễn Hữu Thọ gặp gỡ thân mật với các đại biểu về dự Hội nghị tuyên dương Anh hùng các lực lượng An ninh miền Nam.

Cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn cũng nhấn mạnh, lí tưởng quan điểm lập trường không chỉ thể hiện trong chiến đấu, mà còn phải được thể hiện bằng phẩm chất đạo đức, tác phong và lối sống theo nội dung 6 điều Bác Hồ dạy. Câu nói nổi tiếng của đồng chí Trần Quốc Hoàn đã trở thành phương châm hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an chúng ta: “Công an phải biết thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống của mình”.

Ngay từ những năm chiến tranh còn ác liệt, cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã định đoán được những năm sau này, khi đất nước đã hòa bình, thế giới sẽ vận hành trong một cuộc cách mạng công nghệ như vũ bão. Những tiến bộ nhảy vọt về khoa hoc kĩ thuật, những thành tựu về công nghệ thông tin, công nhệ sinh học… sẽ làm nên một diện mạo mới của thế giới. Đồng chí cũng đã đặt ra những vấn đề đcần chủ động chuẩn bị tốt hơn. Đó là những định hướng rất quan trọng để xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Một vấn đề mà cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn nói kĩ, đề cập từ chủ trương đến những nội dung  cụ thể trong bài nói chuyện về công tác tuyên huấn là bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ chiến sĩ Công an thông qua các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. 

Theo đồng chí thì phải đồng thời đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong Công an, tăng cường các hoạt động tuyên truyền trong và ngoài ngành như báo chí, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, đẩy mạnh giáo dục thông qua hoạt động thư viện bảo tàng, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, sân khấu… Các hoạt động này phải trở thành phong trào rộng rãi trong cán bộ chiến sĩ, tạo nên cuộc sống tinh thần vui tươi lành mạnh phong phú để nâng cao hiệu quả công tác chiến đấu. Mặt khác phải tạo ra những tác phẩm có giá trị, tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân.

Đồng chí Trần Quốc Hoàn còn chỉ rõ, đây là việc làm lâu dài, có lộ trình, không thể một vài năm mà phải liên tục trong nhiều năm. Trước hết là vừa huy động nội lực vừa tranh thủ sự phối hợp giúp đỡ của các ngành chức năng về văn hóa nghệ thuật, sự giúp đỡ của các trí thức văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa tên tuổi… 

Về vấn đề này, trong bài nói chuyện, đồng chí Trần Quốc Hoàn cũng nói rất kĩ: “Đối với những người thực tâm muốn đi vào Công an để viết về Công an thì chúng ta phải tích cực giúp đỡ. Trước hết phải giúp đỡ họ có nhiệt tình với Công an, yêu Công an và hiểu sâu về Công an để sáng tác được dễ dàng. Chớ nên lấy việc chiêu đãi, quyền lợi vật chất ra mà lôi kéo, vì nếu họ nể nang vì sự chiêu đãi của ta mà sáng tác thì tác phẩm sẽ không hay bằng những nguời vì nhiệt tình với Công an mà sáng tác”. 

Sự giúp đỡ của bên ngoài chỉ là bước quá độ, tự mình xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa văn nghệ tốt là mục tiêu cần phải đạt tới. Đồng chí Trần Quốc Hoàn nói: “Nhưng điều tốt nhất, cơ bản nhất vẫn là tự xây dựng lực lượng sáng tác của mình”. Việc này đồng chí giao cho Cục Tuyên huấn phải có trách nhiệm giúp Bộ triển khai thực hiện. 

Đồng chí Trần Quốc Hoàn nhấn mạnh: “Tôi sẽ rất quan tâm đến công tác tuyên huấn, sẽ trực tiếp theo dõi và duyệt các chương trình kế hoạch công tác của Cục Tuyên huấn trong một thời gian”. Đồng chí cũng yêu cầu cán bộ làm công tác tuyên huấn phải là những người “rất tốt về tư tưởng, chính trị và đoàn kết”, “phải là những người gương mẫu, biểu hiện ở tính Đảng cao, ở ý thức tổ chức kỉ luật, tinh thần trách nhiệm, đoàn kết nội bộ…”.

Gần nửa thế kỉ đã trôi qua kể từ khi bài nói chuyện về công tác tuyên huấn Công an của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn ra đời, đến nay ngành Tuyên huấn Công an đã phát triển có nhiều bước đi lên vượt bậc. Từ Cục Tuyên huấn trước đây nay đã phát triển thêm nhiều đầu mối. Bên cạnh Cục Công tác chính trị, nay có thêm nhiều đơn vị đầu mối như Báo CAND; Nhà Xuất bản CAND; Trung tâm Truyền hình, Phát thanh, Điện ảnh CAND; Bảo tàng CAND, Tạp chí CAND…

Nhân kỉ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trần Quốc Hoàn, đọc lại bài viết của đồng chí về công tác tuyên huấn, là người có điều kiện theo dõi sự phát triển của ngành Tuyên huấn CAND, tôi càng thấm thía sâu sắc tầm nhìn xa của đồng chí về vấn đề này. Qua bài viết này, tôi xin tỏ lòng tri ân với vị Bộ trưởng kính yêu và tin chắc rằng, với sự quan tâm của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Tuyên huấn CAND sẽ tiếp tục phát triển, giành được nhiều thành tựu mới.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Thạch/CAND


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông